Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Ký kết Hiệp định đảm bảo thông tin quân sự chung Hàn-Nhật

Tin nổi bật trong tuần2016-11-27
Ký kết Hiệp định đảm bảo thông tin quân sự chung Hàn-Nhật

Hàn Quốc và Nhật Bản hôm 23/11 đã ký kết Hiệp định đảm bảo thông tin quân sự chung Hàn-Nhật. Như vậy là từ nay, hai nước sẽ có thể trao đổi một cách trực tiếp và nhanh chóng các thông tin quân sự có mức độ bí mật ở cấp độ II trở xuống, bao gồm cả các thông tin về hạt nhân và tên lửa Bắc Triều Tiên.

Ký kết hiệp định
Đại diện Chính phủ hai nước tiến hành ký kết hiệp định này là Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo và Đại sứ Nhật Bản tại Seoul Yasumasa Nagamine. Hiệp định đã chính thức có hiệu lực từ ngày 23/11, sau khi Bộ Ngoại giao hai nước thông báo bằng văn bản cho nhau về việc hoàn tất các thủ tục pháp lý cần thiết trong nước. Hiệp định đảm bảo thông tin quân sự chung Hàn-Nhật bao gồm 21 điều khoản, với nội dung chính quy định về cấp độ bí mật thông tin sẽ trao đổi, cách thức cung cấp thông tin, nguyên tắc bảo hộ thông tin, phạm vi đối tượng được tiếp cận thông tin, cách hủy thông tin sau khi trao đổi, đối sách đề phòng rò rỉ thông tin hay mất mát dữ liệu, và nguyên tắc giải quyết tranh chấp. Cấp độ bí mật quân sự trao đổi giữa hai bên được quy định là những bí mật quân sự cấp II trở xuống. Luật bảo hộ bí mật quân sự của Hàn Quốc chia thông tin quân sự làm ba cấp độ. Cấp độ I là những thông tin nếu bị rò rỉ sẽ gây nguy hiểm nghiêm trọng tới an ninh, an toàn quốc gia. Cấp độ II là những thông tin “nguy hiểm” đáng kể nếu bị rò rỉ, và cấp độ III là thông tin “tương đối nguy hiểm” nếu bị rò rỉ. Thông tin quân sự cấp độ I không thuộc phạm vi trao đổi giữa Seoul và Tokyo theo hiệp định này. Hiệp định trên cũng quy định rằng các bí mật quân sự phải được truyền đạt tới người phụ trách thông qua kênh liên lạc giữa hai Chính phủ, và hai nước phải chịu trách nhiệm về bảo mật thiết bị lưu trữ thông tin liên quan. Hiệp định này có hiệu lực một năm, và sẽ tự động gia hạn thêm mỗi lần một năm nếu hai nước không có thông báo bằng văn bản cho nước kia trong vòng 90 ngày trước khi hiệp định hết hiệu lực.

Ý nghĩa và hiệu quả kỳ vọng
Với hiệp định này, Seoul và Tokyo sẽ có thể trao đổi thông tin quân sự một cách nhanh chóng, chính xác và đa dạng. Sự hợp tác của hai nước không còn giới hạn ở phương diện ngoại giao mà đã được mở rộng sang lĩnh vực quân sự. Một quan chức Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết việc trao đổi thông tin với Nhật Bản sẽ giúp nâng cao khả năng giám sát, theo dõi Bắc Triều Tiên, cũng như nâng cao chất lượng thông tin về miền Bắc. Tokyo có thế mạnh về các thông tin thu thập được từ máy móc, trang thiết bị hiện đại, trong khi Hàn Quốc mạnh về mạng lưới tình báo con người, nên việc hai nước trao đổi thông tin sẽ giúp phát huy được điểm mạnh của mỗi bên. Nhật Bản đang sở hữu nhiều thiết bị thu thập thông tin đa dạng, như năm vệ tinh, sáu tàu khu trục Aegis, bốn ra-đa có tầm quét trên 1.000 km, 17 thiết bị cảnh báo sớm và 77 máy bay tuần tra trên biển. Từ nay, Hàn Quốc có thể được cung cấp những thông tin về căn cứ tàu ngầm, căn cứ tên lửa đạn đạo và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm của Bắc Triều Tiên mà Tokyo nắm bắt được. Ngược lại, phía Nhật Bản sẽ nhận được thông tin mà Hàn Quốc thu thập được qua mạng lưới tình báo đặt tại khu vực biên giới Trung-Triều, các phương tiện nghe lén đặt ở ranh giới quân sự liên Triều.

Tranh cãi
Hiệp định đảm bảo thông tin quân sự chung Hàn-Nhật từng được xúc tiến từ thời Chính phủ cựu Tổng thống Lee Myung-bak. Tuy nhiên, khi đó dư luận cho rằng quá trình thảo luận đã diễn ra không minh bạch, và lo ngại hiệp định có thể làm rò rỉ các bí mật quân sự, dẫn tới việc hai bên đã hủy ký kết. Lần này, hiệp định đã được ký kết thành công chỉ 27 ngày sau khi Chính phủ của Tổng thống Park Geun-hye tuyên bố nối lại đàm phán với phía Nhật Bản. Ba đảng đối lập đã phản đối hết sức kịch liệt việc ký kết hiệp định lần này, thậm chí còn đề nghị bãi nhiệm Bộ trưởng Quốc phòng Han Min-koo. Một quan chức Chính phủ khẳng định hai nước sẽ chỉ trao đổi các thông tin bí mật cần thiết, và hiệp định đã lập ra được các biện pháp bảo hộ thông tin quân sự, nên dư luận không cần phải lo lắng một cách thái quá về vấn đề bảo hộ thông tin.

Tin mới nhất