Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Hội đồng bảo an thông qua nghị quyết trừng phạt mới với Bình Nhưỡng

Tin nổi bật trong tuần2016-12-04
Hội đồng bảo an thông qua nghị quyết trừng phạt mới với Bình Nhưỡng

Hội đồng bảo an Liên hợp quốc hôm 30/11 (theo giờ địa phương) đã thông qua nghị quyết cấm vận mới với Bắc Triều Tiên số 2321, sau khi nước này tiến hành thử nghiệm hạt nhân lần thứ năm vào hôm 9/9. Nghị quyết lần này tập trung hoàn thiện những lỗ hổng trong nghị quyết số 2270 trước đó, hạn chế xuất khẩu than đá của miền Bắc, phong tỏa tài chính một cách quyết liệt hơn nữa đối với nước này.

Nghị quyết mới
Đây là nghị quyết cấm vận thứ tám của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhằm đối phó với các động thái khiêu khích hạt nhân, tên lửa của miền Bắc. Nghị quyết đầu tiên được thông qua vào năm 1993, khi Bắc Triều Tiên tuyên bố rút khỏi Hiệp ước không phổ biến hạt nhân (NPT). Sau đó, Hội đồng bảo an đã bốn lần ra nghị quyết đối phó với bốn vụ thử nghiệm hạt nhân của Bình Nhưỡng, hai lần ra nghị quyết trừng phạt vụ nước này phóng tên lửa đạn đạo. Khi Bắc Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân lần thứ nhất vào năm 2006, Hội đồng bảo an đã thông qua nghị quyết chỉ trong vòng năm ngày sau khi miền Bắc thử nghiệm hạt nhân. Trong đợt Bình Nhưỡng thử nghiệm hạt nhân thứ hai và thứ ba, Hội đồng bảo an chỉ mất 18 và 23 ngày để ra nghị quyết trừng phạt miền Bắc. Tới vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ tư của miền Bắc vào tháng 1 năm nay, phải 57 ngày sau, Hội đồng bảo an mới ra nghị quyết trừng phạt Bình Nhưỡng. Nghị quyết mới lần này được thông qua sau 82 ngày, thời gian lâu nhất từ trước đến nay. Nội dung cấm vận trong nghị quyết mới quyết liệt hơn, khiến quá trình thảo luận và nhất trí ý kiến giữa Mỹ và Trung Quốc đã diễn ra khá khó khăn và mất nhiều thời gian.

Cấm vận quyết liệt với miền Bắc
Nghị quyết lần này bao gồm các nội dung trọng tâm như hạn chế xuất khẩu than đá của miền Bắc, gây sức ép về ngoại giao và đề cập tới cả vấn đề nhân quyền và cử lao động ra nước ngoài làm việc của Bắc Triều Tiên. Trước tiên, Hội đồng bảo an thiết lập hạn mức xuất khẩu than đá hàng năm với miền Bắc là 7,5 triệu tấn, tương đương 490 triệu USD. Trong nghị quyết được thông qua vào tháng 3 trước đó, Hội đồng bảo an vẫn cho phép miền Bắc được xuất khẩu than đá với mục đích dân sinh. Cụm từ “mục đích dân sinh” rất mơ hồ và khó phân biệt rạch ròi, và bị coi là lỗ hổng lớn trong cơ chế cấm vận với miền Bắc. Do đó, nghị quyết lần này thiết lập hẳn mức trần về sản lượng xuất khẩu than đá của miền Bắc. Theo nghị quyết mới, bắt đầu từ năm sau, sản lượng xuất khẩu than đá của Bắc Triều Tiên sẽ bị giảm một phần ba so với trước đây. Nghị quyết còn quy định những quốc gia nhập khẩu than đá của miền Bắc sẽ phải thông báo với Ủy ban trừng phạt Bắc Triều Tiên thuộc Hội đồng bảo an Liên hợp quốc trong vòng 30 ngày về sản lượng nhập khẩu hàng tháng. Khi sản lượng xuất khẩu than đá của Bắc Triều Tiên đạt các mốc 75%, 90% và 95% so với mức trần quy định thì Hội đồng bảo an sẽ thông báo cho các nước thành viên, khi đạt tới mức 95% so với mức trần thì sẽ yêu cầu dừng nhập khẩu than đá từ miền Bắc. Ngoài ra, nghị quyết mới bổ sung thêm các loại khoáng sản là đồng, niken, bạc, kẽm vào danh mục khoáng sản bị cấm xuất khẩu của miền Bắc, không cho phép nước này xuất khẩu các loại tượng ra nước ngoài. Tất cả những mặt hàng này đều là nguồn thu ngoại tệ quan trọng của chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Bên cạnh đó, nghị quyết cũng cảnh cáo về khả năng tước bỏ quyền lợi của Bắc Triều Tiên với tư cách là nước thành viên Liên hợp quốc. Nghị quyết hối thúc nước này cắt giảm nhân viên tại các cơ quan Nhà nước đặt tại nước ngoài, cấm quan chức ngoại giao miền Bắc có các hoạt động thương mại, cấm Bắc Triều Tiên sử dụng bất động sản sở hữu ở nước ngoài vào mục đích khác ngoài hoạt động ngoại giao, lãnh sự. Các biện pháp cấm vận này nhằm mục đích ngăn chặn các hành vi trái phép của chính quyền miền Bắc như buôn lậu trá hình dưới danh nghĩa cơ quan ngoại giao. Nghị quyết mới cũng kêu gọi các nước thành viên Liên hợp quốc lưu ý rằng số ngoại tệ mà người lao động miền Bắc kiếm được ở nước ngoài đang được Bắc Triều Tiên sử dụng vào chương trình phát triển hạt nhân, tên lửa. Nói cách khác, Hội đồng bảo an đang gián tiếp kêu gọi các nước dừng tuyển dụng lao động miền Bắc.

Ý nghĩa và triển vọng
Với nghị quyết lần này, cộng đồng quốc tế một lần nữa thể hiện quyết tâm phong tỏa quyết liệt về tài chính với Bắc Triều Tiên. Nếu nghị quyết mới được thực thi, xuất khẩu của miền Bắc dự kiến sẽ bị giảm khoảng 800 triệu USD mỗi năm, tương đương 27% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này. Có thể nói, nghị quyết lần này là một “đòn đau” đối với Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là nghị quyết nói trên sẽ được thực hiện ra sao. Đặc biệt, các bước đi của Trung Quốc dự kiến sẽ gây ảnh hưởng quyết định tới hiệu quả thực thi nghị quyết này. Trước đó, nghị quyết số 2270 hồi tháng 3 cũng đưa ra nhiều biện pháp trừng phạt quyết liệt nhưng vẫn còn lộ ra nhiều kẽ hở, khiến hiệu quả trừng phạt bị giảm đi đáng kể. Liệu sức ép lần này có khiến miền Bắc chịu giải trừ hạt nhân, tên lửa hay không, còn phụ thuộc vào quyết tâm của Trung Quốc.

Tin mới nhất