Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Liên hợp quốc thông qua nghị quyết nhân quyền Bắc Triều Tiên

Tin nổi bật trong tuần2016-12-25
Liên hợp quốc thông qua nghị quyết nhân quyền Bắc Triều Tiên

Đại hội đồng Liên hợp quốc hôm 19/12 (theo giờ địa phương) đã mở phiên họp toàn thể và thông qua nghị quyết nhân quyền Bắc Triều Tiên có nội dung khuyến cáo đưa vấn đề nhân quyền miền Bắc lên xét xử tại Tòa án hình sự quốc tế (ICC), trừng phạt người có trách nhiệm về các hành vi xâm hại nhân quyền tại nước này. Đây là năm thứ 12 Liên hợp quốc ra nghị quyết có nội dung yêu cầu chính quyền Bình Nhưỡng cải thiện vấn đề nhân quyền, và là năm thứ ba liên tiếp đưa vào nội dung khuyến cáo trừng phạt người có trách nhiệm.

Thông qua nghị quyết
Dự thảo nghị quyết lần này do Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản khởi xướng và có hơn 70 quốc gia ký tên đề xuất chung. Vào hôm 15/11, Ủy ban thứ ba thuộc Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua dự thảo nghị quyết này. Lần này, dự thảo được thông qua tại “cửa ải cuối cùng” là phiên toàn thể của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Tại phiên họp trên, Đại sứ Bắc Triều Tiên đã chỉ trích gay gắt nội dung nghị quyết, cho đây là một nghị quyết do Mỹ khởi xướng và dẫn dắt, nhằm mục đích cô lập và làm sụp đổ chính quyền miền Bắc. Nga cũng đứng về phía Bắc Triều Tiên, phản đối dự thảo nghị quyết lần này, khẳng định nhân quyền là vấn đề riêng của mỗi quốc gia. Sau khi dự thảo được thông qua, Trung Quốc cũng bày tỏ quan điểm phản đối. Trước đó, trong phiên họp của Ủy ban thứ ba thuộc Đại hội đồng Liên hợp quốc, Đại sứ Bắc Triều Tiên đã rời khỏi cuộc họp để phản đối, sau đó tổ chức một buổi họp báo để lên án quyết liệt dự thảo này. Bất chấp sự phản đối của miền Bắc, nghị quyết đã được các nước nhất trí thông qua mà không cần tiến hành biểu quyết.

Nội dung chính của nghị quyết
Nghị quyết năm nay chỉ ra rằng tình trạng xâm hại nhân quyền vẫn đang diễn ra trên diện rộng và có hệ thống tại Bắc Triều Tiên. Nghị quyết liệt kê cụ thể các hình thức xâm hại nhân quyền phổ biến tại miền Bắc như bắt bớ, giam giữ người dân trong các trại giam tù nhân chính trị, tra tấn, cưỡng hiếp phụ nữ, tử hình công khai. Nghị quyết yêu cầu đưa vấn đề nhân quyền miền Bắc lên xét xử tại Tòa án hình sự quốc tế, nhấn mạnh sự cần thiết phải trừng trị những người có trách nhiệm về các hành vi xâm hại nhân quyền ở Bắc Triều Tiên. Một điểm đáng chú ý trong nghị quyết năm nay là nội dung đề cập tới “người chịu trách nhiệm tối cao”. Nghị quyết chỉ ra rằng các hành vi vi phạm nhân quyền tại Bắc Triều Tiên được thực hiện bởi cơ quan dưới quyền kiểm soát của ban lãnh đạo nhà nước. Mặc dù không nêu đích danh hay chức vụ của Chủ tịch đảng Lao động miền Bắc Kim Jong-un, cách nói này ám chỉ người nắm quyền lực cao nhất là ông Kim Jong-un, cho rằng ông này là đối tượng cần phải bị trừng phạt.

Ngoài ra, nghị quyết năm nay còn có một số nội dung mới đáng chú ý khác. Trước tiên, nghị quyết liên hệ vấn đề nhân quyền miền Bắc với việc nước này phát triển hạt nhân và tên lửa, bày tỏ lo ngại sâu sắc về việc Bắc Triều Tiên bất chấp thực trạng nhân quyền yếu kém, dồn toàn bộ tài chính vào các chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Nghị quyết cũng bày tỏ lo ngại về tình hình nhân quyền của những người lao động miền Bắc làm việc tại nước ngoài, nguồn thu ngoại tệ quan trọng cho chính quyền nước này. Gần đây, vấn đề nhân quyền của người lao động miền Bắc đang thu hút sự quan tâm lớn của cộng đồng quốc tế. Những người lao động này bị đối xử như “nô lệ hiện đại” dưới sự giám sát chặt chẽ, và phải giao nộp phần lớn lương cho nhà nước, không được phép tự do di chuyển. Một số quốc gia châu Âu gần đây đã quyết định dừng cấp hoặc cấm gia hạn visa cho người lao động miền Bắc. Đây cũng là lần đầu tiên nghị quyết nhân quyền Bắc Triều Tiên của Liên hợp quốc yêu cầu chính quyền nước này phải trả tự do cho các con tin người nước ngoài.

Bối cảnh và ý nghĩa
Bất chấp việc Liên hợp quốc 12 năm liên tiếp ra nghị quyết yêu cầu Bắc Triều Tiên phải cải thiện vấn đề nhân quyền, thực trạng vi phạm nhân quyền tại quốc gia này vẫn đang vô cùng nghiêm trọng. Đó là bởi chính quyền miền Bắc vẫn đang duy trì thể chế đàn áp người dân, chỉ tập trung vào phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt và không hề có ý định cải thiện nhân quyền. Nghị quyết mới lần này được đánh giá có nội dung cụ thể và quyết liệt hơn các lần trước, trong bối cảnh cộng đồng quốc tế ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của việc siết chặt các biện pháp trừng phạt Bắc Triều Tiên về vấn đề nhân quyền. Nghị quyết lần này mang ý nghĩa cảnh cáo miền Bắc, khẳng định cộng đồng quốc tế sẽ còn tiếp tục gia tăng sức ép về vấn đề nhân quyền với nước này.

Tin mới nhất