Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Trung Quốc gia tăng sức ép với Hàn Quốc về vấn đề THAAD

Tin nổi bật trong tuần2017-01-15
Trung Quốc gia tăng sức ép với Hàn Quốc về vấn đề THAAD

Trung Quốc đang liên tục gia tăng sức ép với Hàn Quốc trên mọi phương diện để phản đối việc Seoul triển khai tổ hợp tên lửa đánh chặn tầm trung cao (THAAD). Máy bay quân sự của nước này gần đây đã xâm phạm Vùng nhận diện phòng không của Hàn Quốc, trong khi Chính phủ Bắc Kinh đang tiến hành hạn chế nhập khẩu nhiều mặt hàng mỹ phẩm của Hàn Quốc.

Máy bay quân sự Trung Quốc xâm phạm KADIZ
Vào hôm 9/1, 10 máy bay quân sự của Trung Quốc, bao gồm cả máy bay ném bom chiến lược tối tân, máy bay cảnh báo sớm, máy bay trinh sát, đã nhiều lần xâm phạm Vùng nhận dạng phòng không của Hàn Quốc (KADIZ) trong vòng bốn tới năm tiếng đồng hồ. Không quân Hàn Quốc đã ngay lập tức điều máy bay chiến đấu để đối phó với hành vi xâm phạm này.

Vào tháng 2 năm ngoái, hai máy bay quân sự nước này cũng đã xâm phạm KADIZ. Tới tháng 8 cùng năm, ba chiếc máy bay khác cũng đã có hành vi xâm phạm tương tự. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên, 10 máy bay quân sự Trung Quốc cùng lúc xâm phạm vào Vùng nhận diện phòng không của Hàn Quốc, và cũng là lần đầu tiên quân đội Hàn Quốc điều động máy bay chiến đấu để đối phó. Một số máy bay của Trung Quốc sau đó đã tiếp tục xâm phạm vào Vùng nhận diện phòng không của Nhật Bản. Động thái này Bắc Kinh được phân tích là một động thái khiêu khích được tính toán trước, với nhiều mục đích khác nhau, vừa nhắm tới những tranh chấp trên vùng biển Hoa Đông và Hoa Nam (mà Việt Nam gọi là biển Đông), vừa để gây sức ép, phản đối việc triển khai THAAD trên bán đảo Hàn Quốc.

Hạn chế nhập khẩu mỹ phẩm Hàn Quốc
Tổng cục Giám sát chất lượng, kiểm nghiệm và kiểm dịch quốc gia Trung Quốc (AQSIQ) hôm 3/1 đã công bố danh sách 28 mặt hàng không đủ tiêu chuẩn để nhập khẩu vào Trung Quốc dựa theo kết quả kiểm tra vào tháng 11 năm 2016, bao gồm 19 mặt hàng của Hàn Quốc. Nhiều mặt hàng là sản phẩm của các công ty mỹ phẩm Hàn Quốc nổi tiếng như Aekyung, Iaso, bao gồm kem dưỡng da, sữa rửa mặt, mặt nạ dưỡng da, kem đánh răng, sữa tắm, vốn rất bán chạy tại Trung Quốc. Một số lý do mà cơ quan này đưa ra khi không cho phép các mặt hàng trên thông quan là thiếu giấy chứng nhận đăng ký thời hạn sử dụng mỹ phẩm, sản phẩm khai báo và sản phẩm thật không đồng nhất, sản phẩm có lượng dioxane vượt quá tiêu chuẩn cho phép, thay đổi thành phần sản phẩm. Tuy nhiên, phía các doanh nghiệp mỹ phẩm Hàn Quốc cho biết những mặt hàng này vốn từng được cấp giấy chứng nhận kiểm tra an toàn sản phẩm và được thông quan bình thường trong năm ngoái, chưa hề bị người sử dụng kiến nghị về lỗi sản phẩm hay chất lượng. Mặc dù phía Trung Quốc giải thích quá trình kiểm tra đã diễn ra theo đúng quy trình bình thường, đây được cho là biện pháp trả đũa của Trung Quốc về vụ THAAD.

Thời báo Hoàn cầu, phụ trương của báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, hôm 7/1 đã đăng một bài bình luận có nhan đề “Hàn Quốc đang tự rước họa vào thân vì vấn đề THAAD”, đề cập tới “tính chỉnh thể” của người Trung Quốc. Tờ báo này khẳng định Bắc Kinh sẽ không hy sinh lợi ích quốc gia vì những mặt hàng mỹ phẩm, càng chứng tỏ rằng việc Bắc Kinh hạn chế nhập khẩu mỹ phẩm Hàn Quốc là nhằm trả đũa quyết định triển khai lá chắn tên lửa THAAD của Seoul.

Uy hiếp toàn diện
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị từng khẳng định một trong những bài toán ngoại giao trọng tâm của Trung Quốc trong năm nay là phản đối THAAD. Trên thực tế, nước này đang gia tăng sức ép trên mọi phương diện đối với Hàn Quốc. Trong năm ngoái, Bắc Kinh đã đưa ra các biện pháp hạn chế làn sóng văn hóa Hallyu, như cấm chiếu phim truyền hình Hàn Quốc, cấm các nghệ sĩ Hallyu biểu diễn tại nước này. Mỹ phẩm Hàn Quốc là mặt hàng được ưu chuộng thứ ba của làn sóng văn hóa Hallyu tại Trung Quốc. Do vậy, nhiều ý kiến dự doán từ trước rằng Bắc Kinh sẽ hạn chế nhập khẩu mặt hàng này của Hàn Quốc. Ngoài ra, trong năm ngoái, Trung Quốc đã tiến hành điều tra thuế quy mô lớn đối với các doanh nghiệp Hàn Quốc tại nước này, bao gồm cả tập đoàn Lotte. Trong năm nay, nước này đã không cấp phép cho các chuyến bay thuê bao tới Hàn Quốc.

Chính phủ Hàn Quốc kiên quyết giữ lập trường rằng quyết định triển khai THAAD là nhằm mục đích tự vệ trước những uy hiếp tên lửa và hạt nhân của Bắc Triều Tiên, và Bắc Kinh không có lý do gì để phản đối quyết định này. Hai bên dự kiến sẽ còn tiếp tục mâu thuẫn gay gắt về vấn đề này trong thời gian tới.

Tin mới nhất