Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Bắc Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân lần thứ năm

Tin nổi bật trong tuần2016-09-11
Bắc Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân lần thứ năm

Vào khoảng 9 giờ 30 phút sáng hôm 9/9, Bắc Triều Tiên đã tiến hành thử nghiệm hạt nhân lần thứ năm, cũng là lần thứ hai trong năm nay, tại khu vực xã Punggye, huyện Gilju, tỉnh Bắc Hamgyeong. Ngay lập tức, Chính phủ Hàn Quốc đã ra tuyên bố lên án mạnh mẽ động thái này, quy kết đây là một sự khiêu khích nghiêm trọng, tuyệt đối không thể dung thứ.

Tuyên bố lên án miền Bắc của Chính phủ Hàn Quốc
Phó Chánh Văn phòng anh ninh quốc gia Phủ Tổng thống Hàn Quốc Cho Tae-yong cùng ngày đã ra tuyên bố lên án Bắc Triều Tiên của Chính phủ Hàn Quốc. Tuyên bố chỉ ra rằng Bắc Triều Tiên sẽ không đạt được bất cứ lợi ích gì khi tiến hành khiêu khích triền miên. Seoul cảnh cáo rằng càng khiêu khích, miền Bắc sẽ càng phải hứng chịu sự cấm vận và cô lập về ngoại giao quyết liệt hơn nữa từ cộng đồng quốc tế, kéo theo đó là sự sụp đổ nền kinh tế, đẩy nước này tới kết cục bị hủy diệt.

Tuyên bố cũng hối thúc Bắc Triều Tiên phải giải trừ ngay lập tức các chương trình hạt nhân và tên lửa một cách triệt để, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược. Seoul cho biết sẽ nỗ lực phối hợp chặt chẽ với cộng đồng quốc tế như Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và các nước, áp đặt trừng phạt một cách cứng rắn hơn nữa đối vỡi Bình Nhưỡng.

Vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ năm
Vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ năm của Bắc Triều Tiên vào lúc 9 giờ 30 phút sáng hôm 9/9 đã gây ra một vụ động đất nhân tạo mạnh 5,3 độ Richter. Tâm chấn được ghi nhận là ở gần khu vực xã Punggye, huyện Gilju, tỉnh Bắc Hamgyeong, nơi có khu thử nghiệm hạt nhân của miền Bắc, trùng với địa điểm mà Bắc Triều Tiên tiến hành thử nghiệm hạt nhân lần thứ tư vào hôm 6/1 năm nay. Quân đội Hàn Quốc nhận định sứccông phá của vụ thử nghiệm lần này đạt khoảng 10 kiloton, lớn nhất trong số các vụ thử nghiệm từ trước tới nay của miền Bắc.

Lúc 1 giờ 30 phút chiều hôm 9/9, chỉ khoảng bốn tiếng sau khi miền Bắc thử nghiệm hạt nhân, các hãng truyền thông miền Bắc đưa tin xác nhận nước này đã tiến hành thử nghiệm hạt nhân để đánh giá về uy lực của đầu đạn hạt nhân. Trong tuyên bố dưới danh nghĩa Viện nghiên cứu vũ khí hạt nhân, miền Bắc cho biết đã kiểm chứng được lần cuối về cấu tạo, đặc điểm hoạt động, tính năng và sức công phá của đầu đạn hạt nhân đã được chuẩn hóa, có thể lắp vào các tên lửa đạn đạo chiến lược của nước này.
Ý nghĩa và triển vọng
Trước đó, đã có nhiều phỏng đoán cho rằng việc Bắc Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân lần thứ năm chỉ còn là vấn đề thời gian. Nhà lãnh đạo miền Bắc Kim Jong-un liên tiếp công khai đường lối phát triển hạt nhân, tuyên bố phóng thử nghiệm thành công các tên lửa Musudan, Rodong, rồi tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM). Lần này, nước này tiến hành thử nghiệm hạt nhân để hoàn thành nốt giai đoạn cuối cùng trong hệ thống vũ khí hạt nhân là thu nhỏ đầu đạn hạt nhân.

Sau vụ thử nghiệm hạt nhân lần này, uy hiếp hạt nhân tên lửa của miền Bắc đã bước sang một cục diện mới. Trước đó, Bắc Triều Tiên đã chứng tỏ được nước này có đủ khả năng đặt toàn bộ bán đảo Hàn Quốc, lãnh thổ Nhật Bản và cả căn cứ của quân đội Mỹ ở đảo Guam vào trong tầm bắn của tên lửa đạn đạo. Nếu trong vụ thử nghiệm vừa qua, nước này đã thành công trong việc thu nhỏ, giảm trọng lượng đầu đạn hạt nhân để có thể lắp vào tên lửa đạn đạo, thì mối uy hiếp đó sẽ trở nên cụ thể và chân thực hơn bao giờ hết.

Cộng đồng quốc tế đã đồng loạt lên tiếng phản đối động thái thử nghiệm hạt nhân của miền Bắc. Dự kiến, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc sẽ sớm có biện pháp trừng phạt quyết liệt hơn với nước này. Trong tình hình này, điều dư luận quan tâm là liệu cộng đồng quốc tế có đưa ra được phương thức cấm vận mới hay không, cũng như liệu Trung Quốc, nước nắm trong tay chiếc chìa khóa quyết định về hiệu quả trừng phạt miền Bắc, có tăng cường cấm vận trong thời gian tới hay không. Trong Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Trung vừa qua, Bắc Kinh đã bày tỏ lập trường phản đối về quyết định triển khai tổ hợp tên lửa đánh chặn tầm trung cao (THAAD) của Seoul, nhưng cũng nhấn mạnh về nguyên tắc phi hạt nhân hóa bán đảo Hàn Quốc.

Tin mới nhất