Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong-un có tên trong danh sách trừng phạt của Mỹ

Tin nổi bật trong tuần2016-07-10
Chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong-un có tên trong danh sách trừng phạt của Mỹ

Chính phủ Mỹ đã quyết định đưa 8 cơ quan và 15 cá nhân, trong đó có Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un, nhà lãnh đạo tối cao của miền Bắc, vào danh sách trừng phạt với lý do “vi phạm về nhân quyền”. Chính phủ Hàn Quốc bày tỏ hoan nghênh và đánh giá cao quyết định của Washington, cho rằng biện pháp này sẽ làm rõ được trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức miền Bắc về tình hình xâm phạm nhân quyền nghiêm trọng tại nước này.

Cấm vận trực tiếp đối với ông Kim Jong-un
Bộ Tài chính Mỹ hôm 6/7 (theo giờ địa phương) công bố danh sách đối tượng trừng phạt dựa theo báo cáo về tình hình nhân quyền tại Bắc Triều Tiên mà Bộ Ngoại giao nước này trình lên Quốc hội. Báo cáo này được thực hiện căn cứ theo Luật tăng cường trừng phạt Triều Tiên (H.R 757) được Quốc hội Mỹ thông qua vào tháng 2 năm nay. Theo quy định của luật này, Bộ Ngoại giao Mỹ phải điều tra tình hình vi phạm nhân quyền tại miền Bắc, xác định những người có trách nhiệm để báo cáo lên Quốc hội nước này. Sau đó, Tổng thống Mỹ Obama đưa ra quyết định cuối cùng về danh sách trừng phạt dựa trên luật này và báo cáo tình hình nhân quyền miền Bắc do Bộ Ngoại giao chuẩn bị.

Giải thích về lý do đưa ra danh sách trừng phạt lần này, ông Adam Szubin, Quyền Thứ trưởng Tài chính Mỹ, cho biết hàng triệu người dân Bắc Triều Tiên đang sống khổ sở do các hành vi vi phạm nhân quyền một cách tàn nhẫn, ngang ngược của chính quyền nước này như bị xét xử ngoài khuôn khổ tư pháp, cưỡng bức lao động, tra tấn.

Ngoài ông Kim Jong-un, danh sách các cá nhân bị Mỹ trừng phạt còn có một loạt các nhân sự cấp cao của miền Bắc. Tám cơ quan bị đưa vào danh sách đen của Washington đều là các cơ quan tối cao thuộc đảng Lao động, quân đội và Chính phủ miền Bắc như Ủy ban Quốc phòng Bắc Triều Tiên, nay là Ủy ban Quốc vụ, Cục bảo vệ an ninh quốc gia, Bộ An ninh nhân dân, Bộ Tuyên truyền và vận động, Tổng cục trinh sát. Trong số này, bốn cá nhân và ba cơ quan đã từng bị xếp vào một danh sách trừng phạt khác do bị tình nghi có liên quan tới việc phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt của Bình Nhưỡng.

Bình luận của Chính phủ Hàn Quốc
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Cho Joon-hyuk hôm 7/7 đánh giá quyết định lần này của Washington là biện pháp trừng phạt đầu tiên trên phương diện một quốc gia hoặc một tổ chức quốc tế liên quan tới vấn đề nhân quyền tại miền Bắc. Seoul kỳ vọng biện pháp này sẽ góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng quốc tế về mức độ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng tại Bắc Triều Tiên, đẩy mạnh thảo luận và thực thi các biện pháp tương tự của cộng đồng quốc tế trong thời gian tới. Ông Cho cũng đồng thời hối thúc chính quyền Bắc Triều Tiên tiếp thu yêu cầu của cộng đồng quốc tế để sớm cải thiện tình hình nhân quyền tại nước này.

Ý nghĩa và triển vọng
Biện pháp quyết liệt lần này của Washington đánh dấu một mốc mới trong việc trừng phạt miền Bắc về vấn đề nhân quyền hơn là mang lại hiệu quả thực chất. Đây là lần đầu tiên Mỹ quyết định trừng phạt nhà lãnh đạo tối cao của một nước thứ ba chỉ với riêng lý do vi phạm nhân quyền. Đặc biệt, đối với Bắc Triều Tiên thì quyết định này là một sự xúc phạm nghiêm trọng, gây tổn hại tới “sự tôn nghiêm tối cao” của nước này.

Biện pháp trừng phạt của Mỹ còn nhằm mục đích tác động sâu vào nhận thức của cộng đồng quốc tế, cũng như của người dân miền Bắc, để họ nhận ra rằng nhà lãnh đạo của mình bị quy kết là tội phạm về nhân quyền, từ đó bác bỏ tính chính thống của thể chế miền Bắc.

Do Bắc Triều Tiên vốn đã nằm trong vòng phong tỏa cấm vận của cộng đồng quốc tế từ trước nên hiệu quả trừng phạt từ quyết định này của Washington dự kiến sẽ không lớn. Tuy nhiên, có thể nói đây là một “vết nhơ” đau đớn nhất với miền Bắc, hơn bất cứ biện pháp cấm vận nào trước đây.

Một ý nghĩa quan trọng khác trong quyết định của Washington lần này chính là việc Chính phủ Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tạo ra được một “khung chính sách” về miền Bắc khó thay đổi trong nhiệm kỳ Tổng thống tiếp theo. Sắp tới, nếu Bình Nhưỡng không có biện pháp cải thiện tình hình nhân quyền, dừng phát triển hạt nhân, tên lửa, Washington sẽ không thể rút lại các biện pháp trừng phạt quyết liệt đã đưa ra. Theo đó, quan hệ Mỹ-Triều đã rơi vào một cục diện khó có thể xoay chuyển. Trong tình hình như vậy, triển vọng quan hệ liên Triều cũng chưa rõ ràng. Có thể tới đây Bắc Triều Tiên sẽ tiếp tục đẩy cao căng thẳng trên bán đảo Hàn Quốc để phản đối danh sách trừng phạt mà Washington công bố.

Tin mới nhất