Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

ARF lo ngại về vấn đề hạt nhân, tên lửa miền Bắc

Tin nổi bật trong tuần2016-07-31
ARF lo ngại về vấn đề hạt nhân, tên lửa miền Bắc

Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) hôm 27/8 đã ra Tuyên bố Chủ tịch bày tỏ quan ngại về các động thái thử nghiệm hạt nhân và phóng tên lửa của Bắc Triều Tiên. ARF là diễn đàn khu vực duy nhất mà Bắc Triều Tiên tham dự. Việc diễn đàn này ra tuyên bố liệt kê cụ thể các động thái và thời điểm khiêu khích hạt nhân và tên lửa của miền Bắc được đánh giá là một thành quả hết sức ý nghĩa.

Tuyên bố Chủ tịch của ARF
Lào, quốc gia Chủ tịch của ARF lần này, cùng ngày đã công bố Tuyên bố Chủ tịch có nội dung quy kết Bắc Triều Tiên vi phạm nghị quyết trừng phạt của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, bày tỏ lo ngại về tình hình bán đảo Hàn Quốc sau hàng loạt động thái khiêu khích như thử nghiệm hạt nhân và phóng tên lửa của Bình Nhưỡng. Tuyên bố này còn nêu rõ ngày tháng cụ thể mà miền Bắc tiến hành những động thái khiêu khích nói trên.

Trong tuyên bố, Ngoại trưởng các nước ARF tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình và an toàn trên bán đảo Hàn Quốc. Các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) bày tỏ ủng hộ việc phi hạt nhân hóa bán đảo Hàn Quốc bằng các biện pháp hòa bình. Theo tuyên bố này, phần lớn các Ngoại trưởng ARF hối thúc Bắc Triều Tiên phải tuân thủ mọi nghị quyết trừng phạt liên quan của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, trong đó có nghị quyết số 2270 được thông qua vào tháng 3 vừa qua. Nội dung về lập trường phản đối của Trung Quốc liên quan tới việc Hàn Quốc triển khai tổ hợp tên lửa đánh chặn tầm trung cao (THAAD) đã không xuất hiện trong tuyên bố lần này của ARF.

Quá trình thông qua Tuyên bố Chủ tịch ARF
Tuyên bố Chủ tịch của ARF được công bố chỉ một ngày sau khi hội nghị bế mạc, sớm hơn so với dự kiến ban đầu. Trước đó, nhiều ý kiến cho rằng sẽ mất khá nhiều thời gian để các nước thông qua tuyên bố này do bất đồng ý kiến sâu sắc về nhiều vấn đề như động thái khiêu khích hạt nhân, tên lửa của Bắc Triều Tiên, tranh chấp lãnh hải trên vùng biển Hoa Nam (mà Việt Nam gọi là biển Đông), hay việc bố trí THAAD trên bán đảo Hàn Quốc. Đặc biệt, giữa các nước đã nổ ra “cuộc chiến ngoại giao” quyết liệt xoay quanh vấn đề hạt nhân, tên lửa Bình Nhưỡng. Trong hội nghị Ngoại trưởng Hàn-Trung diễn ra bên lề ARF, Bắc Kinh đã phản đối việc Seoul triển khai THAAD nhưng lại tỏ ra khá mềm mỏng trong cuộc gặp cấp Bộ trưởng Ngoại giao Trung-Triều.

Về phần mình, Bộ trưởng Ngoại giao Bắc Triều Tiên Ri Yong-ho cũng tích cực triển khai nhiều bước đi ngoại giao trong khuôn khổ ARF, như tổ chức buổi họp báo quy kết các chính sách thù địch của Mỹ đối với nước này là căn nguyên của vấn đề hạt nhân Bình Nhưỡng, phủ nhận tính chính đáng của các biện pháp cấm vận của quốc tế. Một yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến việc thông qua Tuyên bố Chủ tịch lần này là vai trò của Lào, nước Chủ tịch của ARF lần này, một quốc gia có quan hệ hòa hảo với Bắc Triều Tiên.

Hàn Quốc cũng đã tích cực kêu gọi sự hợp tác chặt chẽ của Mỹ và một số quốc gia khác. Kết quả là Tuyên bố Chủ tịch ARF lần này, dù không lên án quyết liệt Bắc Triều Tiên như trong Hội nghị thượng đỉnh Á-Âu (ASEM) diễn ra tại Mông Cổ trước đó, nhưng đã đạt được bước tiến về nội dung so với tuyên bố ARF năm ngoái tổ chức tại Malaysia.

Ý nghĩa
Diễn đàn khu vực ASEAN gồm tổng cộng 27 nước, trong đó có 10 nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và sáu nước thuộc vòng đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân Bình Nhưỡng là Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Nga. Đây là một hội nghị lớn nhất liên quan tới khu vực ASEAN.

Tại diễn đàn khu vực duy nhất mà Bắc Triều Tiên tham dự này, Bình Nhưỡng vừa không thể hiện được lập trường của mình, vừa bị các nước răn đe một cách cứng rắn. Một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đánh giá Tuyên bố Chủ tịch ARF lần này đã bổ sung thêm được một số nội dung mới so với năm ngoái, đó là ghi rõ về thời điểm Bắc Triều Tiên khiêu khích, quy kết nước này vi phạm nghị quyết Hội đồng bảo an, bày tỏ lo ngại về tình hình bán đảo Hàn Quốc, thể hiện sự ủng hộ của các nước ASEAN về việc phi hạt nhân hóa bán đảo Hàn Quốc. Tuyên bố năm ngoái của ARF không chỉ rõ bên nào tiến hành khiêu khích, chỉ hối thúc các bên liên quan giảm nhẹ căng thẳng, kiềm chế các hành động có thể đẩy cao căng thẳng khu vực. Như vậy, Tuyên bố Chủ tịch của ARF năm nay đã tái khẳng định sự cô lập của cộng đồng quốc tế đối với Bình Nhưỡng, đồng thời truyền thông điệp cảnh cáo rõ ràng đối với nước này.

Tin mới nhất