Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Xu hướng gia tăng người tị nạn miền Bắc

Tin nổi bật trong tuần2016-08-07
Xu hướng gia tăng người tị nạn miền Bắc

Trong năm nay, số lượng người tị nạn Bắc Triều Tiên tới Hàn Quốc đang có xu hướng gia tăng rõ rệt. Đặc biệt, số người tị nạn thuộc tầng lớp tinh hoa trong xã hội miền Bắc có sự gia tăng nhanh chóng, cho thấy tâm lý bất an về thể chế đang lớn dần trong xã hội miền Bắc. Kể từ sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un lên nắm quyền vào cuối năm 2011, số lượng người tị nạn miền Bắc đã có xu hướng giảm dần. Tuy nhiên, kể từ đầu năm nay tới cuối tháng 7 vừa qua, lượng người tị nạn nhập cảnh vào Hàn Quốc đã tăng tới gần 16% so với cùng kỳ năm ngoái.

Người tị nạn miền Bắc gia tăng
Theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, tính từ đầu năm tới cuối tháng 7 năm nay, đã có 815 người tị nạn Bắc Triều Tiên nhập cảnh vào Hàn Quốc, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Vào năm 2009, số lượng người tị nạn miền Bắc tăng lên tới đỉnh điểm là 2.914 người rồi sau đó giảm dần. Năm 2011, số người tị nạn miền Bắc là 2.706 người, năm 2012 giảm xuống còn 1.502 người, năm 2013 là 1.514 người, năm 2014 là 1.397 người và năm 2015 là 1.276 người. Xu hướng giảm này được phân tích là do chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã tăng cường giám sát, không cho người dân bỏ trốn. Tuy nhiên, trong năm nay, lượng người tị nạn miền Bắc lại tăng trở lại. Nếu tiếp tục xu hướng tăng như hiện nay thì dự kiến tới cuối năm 2016, số người tị nạn miền Bắc có thể sẽ quay lại ngưỡng 1.500 người, đưa tổng số người tị nạn Bắc Triều Tiên tại Hàn Quốc vượt ngưỡng 30.000 người trong khoảng từ tháng 10 tới tháng 11 tới đây.

Tầng lớp tinh hoa trong xã hội miền Bắc bỏ trốn
Trong xu hướng gia tăng nói trên, đáng chú ý là ngày càng có nhiều người thuộc tầng lớp tinh hoa trong xã hội miền Bắc bỏ trốn. Trung tâm thông tin về nhân quyền Bắc Triều Tiên cho biết lượng người tị nạn có mức sống từ trung lưu trở lên trong xã hội miền Bắc đã bắt đầu tăng từ vài năm trở lại đây. Hiện tượng này càng trở nên rõ rệt hơn trong năm nay. Đặc biệt là số nhân sự miền Bắc cử ra nước ngoài bỏ trốn ngày càng nhiều. Trong quá khứ, mỗi năm chỉ có khoảng từ một tới hai người tị nạn miền Bắc là thuộc diện được chính quyền nước này cử ra nước ngoài để kiếm ngoại tệ. Tuy nhiên, đã có tới hàng chục người như vậy nhập cảnh vào Hàn Quốc trong năm nay. Trong tháng 4 vừa qua, 13 nhân viên một nhà hàng Bắc Triều Tiên ở thành phố Ninh Ba, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc, đã bỏ trốn tập thể tới Hàn Quốc. Tiếp đó trong tháng 6, ba nhân viên một nhà hàng miền Bắc khác ở thành phố Vị Nam, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, cũng bỏ trốn tới Hàn Quốc. Gần đây nhất, một học sinh miền Bắc tới Hồng Kông tham dự kỳ thi Olympic toán học quốc tế đã tới Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại Hồng Kông để xin tị nạn. Bên cạnh đó, truyền thông còn đưa tin về vụ bỏ trốn của một quan chức quân đội cấp tướng của Bắc Triều Tiên phụ trách quản lý quỹ đen của ông Kim Jong-un.

Bối cảnh và ý nghĩa
Những người được miền Bắc cử ra nước ngoài làm việc đa phần đều đã được “nhồi nhét” kỹ càng về tư tưởng, có cuộc sống ở mức trung lưu trở lên trong xã hội miền Bắc. Việc ngày càng có nhiều đối tượng như vậy bỏ trốn tới tị nạn tại miền Nam cho thấy sự tuyệt vọng của họ trước sự cấm vận của quốc tế và tương lai u tối của Bắc Triều Tiên. Thêm vào đó, họ còn bị gây sức ép về số tiền phải nộp cho chính quyền miền Bắc khi về nước. Hoàn cảnh kiếm sống tại nước ngoài gặp khó khăn do các biện pháp cấm vận từ cộng đồng quốc tế, dẫn tới sự tuyệt vọng về tương lai, khiến những người này quyết tâm chạy trốn để tìm một cơ hội sống tốt đẹp hơn.

Việc các tầng lớp tinh hoa trong xã hội miền Bắc bỏ trốn có thể sẽ trở thành một yếu tố gây bất ổn cho thể chế của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Ngoài ra, điều này cũng chứng tỏ rằng việc quốc tế siết chặt cấm vận với Bình Nhưỡng đã tác động tới nguồn thu ngoại tệ của miền Bắc. Thiếu ngoại tệ, chính quyền miền Bắc sẽ thiếu đi nguồn tài chính để duy trì thể chế của mình.

Tin mới nhất