Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Bắc Triều Tiên tiếp tục phóng tên lửa đạn đạo

Tin nổi bật trong tuần2016-08-07
Bắc Triều Tiên tiếp tục phóng tên lửa đạn đạo

Hội đồng bảo an Liên hợp quốc hôm 3/8 (theo giờ địa phương) đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp theo đề nghị từ Mỹ và Nhật Bản để lên án mạnh mẽ việc Bắc Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo và thảo luận biện pháp đối phó. Trước đó vào sáng hôm 3/8, Bình Nhưỡng đã phóng hai tên lửa đạn đạo về hướng bờ biển phía Đông, một tên lửa đã phát nổ, một tên lửa bay được khoảng 1.000 km rồi rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản.

Miền Bắc phóng tên lửa
Vào lúc 7 giờ 50 phút sáng ngày 3/8, Bắc Triều Tiên đã phóng hai tên lửa được phỏng đoán là tên lửa Rodong từ khu vực huyện Unryul, tỉnh Nam Hwanghae, về hướng bờ biển phía Đông. Nơi tên lửa rơi được phỏng đoán là thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản, cách bán đảo Oga thuộc tỉnh Akita 250 km về phía Tây. Đây là lần đầu tiên tên lửa của miền Bắc rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. Đây là một cú sốc lớn đối với Tokyo bởi cách nơi tên lửa rơi không xa là căn cứ ra-đa cảnh báo sớm của lực lượng quân đội Mỹ đóng tại Nhật Bản. Bắc Triều Tiên đã phóng được tên lửa Rodong ngay sát căn cứ ra-đa này, uy hiếp rằng nước này có thể tấn công nơi này bất cứ lúc nào, đồng thời thị uy năng lực tấn công bằng tên lửa tầm xa của miền Bắc. Vào tháng 8 năm 1998, Bắc Triều Tiên từng phóng tên lửa tầm xa Taepodong-1. Tên lửa này đã bay được 1.600 km vượt qua cả quần đảo Nhật Bản. Như vậy, đây là lần thứ hai Tokyo cảm thấy mối uy hiếp trực diện từ Bình Nhưỡng. Trên thực tế, tình hình này cũng gây uy hiếp tương tự đối với căn cứ quân sự Mỹ tại Nhật Bản.

Phản ứng của quốc tế
Cộng đồng quốc tế ngay lập tức đã đồng loạt lên án động thái khiêu khích tên lửa của Bắc Triều Tiên. Mỹ đã đề cập tới việc áp đặt thêm cấm vận với Bình Nhưỡng. Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest trong buổi họp báo thường kỳ hôm 3/8 (theo giờ địa phương) cho biết Washington sẽ phối hợp với cộng đồng quốc tế để siết chặt hơn nữa cấm vận với miền Bắc. Sau đó, Chính phủ và Quốc hội Mỹ cũng đã ra tuyên bố lên án Bình Nhưỡng.

Liên minh châu Âu (EU) quy kết động thái phóng tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng đã vi phạm nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, yêu cầu miền Bắc dừng phóng tên lửa và tuân thủ nghiêm ngặt mọi nghĩa vụ quốc tế. Chính phủ Đức đã triệu tập Đại sứ Bắc Triều Tiêu sau vụ nước này phóng tên lửa. Anh và Pháp đã hối thúc miền Bắc tuân thủ nghị quyết của Hội đồng bảo an, dừng mọi động thái khiêu khích.

Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã họp khẩn chỉ chưa đầy một ngày sau khi miền Bắc phóng tên lửa, lên án hành vi của miền Bắc và yêu cầu nước ngày phải dừng khiêu khích. Mặc dù Hội đồng bảo an vẫn chưa đưa ra được thông cáo hay văn kiện nào, dự kiến Mỹ sẽ sớm xúc tiến việc thông qua thông cáo báo chí lên án miền Bắc.

Ý nghĩa và triển vọng
Vụ phóng tên lửa lần này của Bắc Triều Tiên rõ ràng nhằm mục đích uy hiếp quân đội Mỹ tại Nhật Bản. Do đó, phản ứng của các bên liên quan hết sức quyết liệt. Hội đồng bảo an Liên hợp quốc lên án hành vi của Bình Nhưỡng, nhưng dự kiến sẽ khó đưa ra được kết quả nhất trí trong thời gian sớm. Đó là bởi hiện Nga và Trung Quốc đang phản đối mạnh mẽ việc triển khai tổ hợp tên lửa đánh chặn tầm trung (THAAD) của Mỹ trên bán đảo Hàn Quốc. Dự kiến, cộng đồng quốc tế, trong đó Mỹ đóng vai trò chính, sẽ tiếp tục gia tăng trừng phạt đối với Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, vấn đề cấm vận miền Bắc cần có sự hợp tác của Trung Quốc để có thể mang lại hiệu quả. Tuyên bố của Quốc hội Mỹ cho biết Washington sẽ có những lựa chọn về mặt quân sự (military options) để đối phó với động thái khiêu khích tiếp theo của Bình Nhưỡng, răn đe miền Bắc không được vượt quá giới hạn. Vấn đề hạt nhân, tên lửa Bình Nhưỡng dự kiến sẽ còn tiếp tục bất ổn trong thời gian tới.

Tin mới nhất