Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Công sứ Bắc Triều Tiên tại Anh bỏ trốn tới Hàn Quốc

Tin nổi bật trong tuần2016-08-21
Công sứ Bắc Triều Tiên tại Anh bỏ trốn tới Hàn Quốc

Bộ Thống nhất Hàn Quốc hôm 17/8 cho biết Công sứ Thae Yong-ho thuộc Đại sứ quán Bắc Triều Tiên tại Anh đã nhập cảnh vào Hàn Quốc và xin tị nạn tại đây. Ông Thae là người đứng thứ hai ở Đại sứ quán miền Bắc tại London. Việc một quan chức ngoại giao cấp cao như ông này bỏ trốn tới Hàn Quốc là điều cực kỳ hiếm thấy. Điều này dự kiến sẽ khiến ngày càng có nhiều người thuộc tầng lớp tinh hoa trong xã hội miền Bắc bỏ trốn tới miền Nam

Công sứ Thae Yong-ho
Trong buổi họp báo thường kỳ cùng ngày, người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc Jung Joon-hee cho biết Công sứ Thae Yong-ho là người đứng thứ hai tại Đại sứ quán Bắc Triều Tiên ở Anh sau Đại sứ Hyon Hak-bong. Tới thời điểm hiện tại, ông Thae là quan chức cao nhất trong số những người miền Bắc xin tị nạn tại Hàn Quốc. Vai trò của ông này tại Đại sứ quán miền Bắc ở London là quảng bá, tuyên truyền về hình ảnh Bắc Triều Tiên. Được biết, ông tới Hàn Quốc cùng vợ là bà O Hye-son và ba người con, một gái, hai trai. Ông Thae cùng gia đình đã không quá cảnh ở nước thứ ba nào mà bay thẳng từ Anh tới Hàn Quốc. Các cơ quan hữu quan của Hàn Quốc hiện đang làm việc với Công sứ Bắc Triều Tiên tại Trung tâm bảo hộ người tị nạn miền Bắc ở thành phố Siheung, tỉnh Geyongki để tìm hiểu về quá trình chạy trốn tới Hàn Quốc của ông này.

Gia thế của ông Thae Yong-ho
Công sứ Thae Yong-ho nằm trong tầng lớp tinh hoa nhất của xã hội miền Bắc, không chỉ với chức vụ hiện tại và còn bởi gia thế dòng dõi của ông này. Cha của Công sứ Thae là ông Thae Pyong-ryol, người từng tham gia chiến tranh du kích chống thực dân Nhật và giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục chính trị Bắc Triều Tiên. Vợ ông, bà O Hye-son là họ hàng của ông O Peak-ryong, cũng là một người từng vào sinh ra tử với cố Chủ tịch Kim Nhật Thành trong lực lượng du kích kháng Nhật. Những người có gia thế liên quan tới lực lượng du kích kháng Nhật được coi là thành phần xuất thân cao nhất trong xã hội miền Bắc.

Ông Thae đã được cử đi du học tại Trung Quốc từ rất sớm. Ông tốt nghiệp Đại học quan hệ quốc tế Bình Nhưỡng, sau đó trở thành quan chức ngoại giao. Ông đã có thời gian làm việc 10 năm tại Anh sau quá trình công tác ở một số quốc gia Bắc Âu khác như Đan Mạch, Thụy Điển. Có thể nói, Công sứ Thae Yong-ho là một trong những nguồn tin tối quan trọng về khu vực châu Âu trong Bộ Ngoại giao Bắc Triều Tiên. Tại Đại sứ quán miền Bắc ở London, ông này đảm nhận vai trò tuyên truyền về thể chế của Bắc Triều Tiên, thường xuyên có cơ hội tiếp xúc với công chúng và truyền thông nước Anh. VIệc ông Thae Yong-ho quyết tâm cùng gia đình tới tị nạn tại Hàn Quốc đã chứng tỏ được sự tuyệt vọng về thể chế và sự lo lắng cho tương lai của bản thân mình và người thân.

Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2011, đương kim lãnh đạo miền Bắc Kim Jong-un đã duy trì một nền chính trị luôn gây hoang mang, lo sợ cho người dân. Các hành động khiêu khích của miền Bắc dưới chỉ thị của ông này đã khiến Bình Nhưỡng gánh chịu sự trừng phạt từ cộng đồng quốc tế. Sau một thời gian dài sinh sống tại nước ngoài, Công sứ Thae Yong-ho đã sùng bài nền dân chủ, tự do. Trong bối cảnh cộng đồng quốc tế siết chặt cấm vận đối với Bình Nhưỡng, cộng thêm việc con trai ông Thae bị triệu về nước trong khi đang chuẩn bị nhập học một trường đại học danh tiếng ở Anh cũng có thể đã tác động khiến ông này tăng thêm quyết tâm bỏ trốn.

Ý nghĩa và triển vọng
Đây là vụ bỏ trốn đầu tiên của một nhân vật thuộc tầng lớp tinh hoa nhất trong xã hội Bắc Triều Tiên, thế hệ thứ hai trong các gia đình có người từng tham gia chiến tranh du kích kháng Nhật. Đặc biệt, vụ việc lần này diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều người thuộc tầng lớp thượng lưu trong xã hội miền Bắc bỏ trốn. Kể từ sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un lên nắm quyền, số người tị nạn miền Bắc đã giảm đều đặn qua từng năm nhưng lại tăng vọt 15% trong năm nay, bao gồm sự gia tăng nhanh chóng của những người thuộc tầng lớp trung lưu trở lên, trong đó có những người được cử ra nước ngoài làm việc. Trước trường hợp của ông Thae đã có nhiều vụ bỏ trốn đáng chú ý khác như vụ 13 nhân viên một nhà hàng miền Bắc ở Trung Quốc bỏ trốn tập thể tới Hàn Quốc, hay một học sinh tham dự kỳ thi Olympic toán học tại Hồng Kông đã tới Lãnh sự quán Hàn Quốc tại đây để xin tị nạn, rồi vụ bỏ trốn của một quan chức cấp tướng trong quân đội miền Bắc quản lý quỹ đen của ông Kim Jong-un. Tất cả những điều này cho thấy nội bộ thể chế miền Bắc đang có sự rạn nứt. Việc một người có gia thế như Công sứ Thae Yong-ho quyết định bỏ trốn tới miền Nam dự kiến sẽ gây ra một cú sốc rất lớn đối với tầng lớp tinh hoa miền Bắc.

Tin mới nhất