Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Hàn Quốc cấm vận riêng với Bắc Triều Tiên

Tin nổi bật trong tuần2016-03-13
Hàn Quốc cấm vận riêng với Bắc Triều Tiên

Chính phủ Hàn Quốc hôm 8/3 đã công bố các biện pháp cấm vận riêng của mình đối với Bắc Triều Tiên liên quan tới việc nước này phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD). Theo đó, Seoul đưa ra danh sách trừng phạt gồm 30 tổ chức và 40 cá nhân, trong đó có Bí thư đảng Lao động Bắc Triều Tiên phụ trách quan hệ với miền Nam Kim Yong-chul, người được cho là đứng đầu trong các động thái khiêu khích đối với Hàn Quốc. Seoul cũng siết chặt cấm vận về hàng hải đối với Bình Nhưỡng như cấm tàu thuyền của nước thứ ba được cập cảng trong nước nếu đã từng ra vào miền Bắc.

Cấm vận tài chính
Trong số các tổ chức bị đưa vào danh sách cấm vận, có 24 tổ chức là thuộc Bắc Triều Tiên, sáu tổ chức là của nước thứ ba. Trong số này có 17 tổ chức vốn đã nằm trong danh sách cấm vận của cộng đồng quốc tế như Mỹ, Nhật Bản, Úc, Liên minh châu Âu (EU), 13 tổ chức là do Hàn Quốc chỉ định riêng lần này.

Có thể kể tên một số tổ chức bị cấm vận như Ngân hàng quốc tế Ilsim, một cơ quan tài chính phụ trách huy động vốn nước ngoài của miền Bắc, Trung tâm kỹ thương đối thoại Bắc Triều Tiên (Korea Foreign Technical Trade Center), cơ quan phụ trách điều phối vật phẩm cần thiết cho việc sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt của miền Bắc và Tổng công ty công nghệ Seonbong.

Còn trong số 40 cá nhân bị đưa vào danh sách cấm vận tài chính, có 38 người là người Bắc Triều Tiên, còn lại hai người là thuộc nước thứ ba. Trong số đó, có 23 người là do Chính phủ Seoul chỉ định riêng đợt này. Đặc biệt, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục trinh sát Bắc Triều Tiên Kim Yong-chul, người đang kiêm nhiệm chức Phó Chủ tịch Mặt trận thống nhất và Bí thư đảng Lao động phụ trách quan hệ với miền Nam. Ông Kim Yong-chul được biết đến là người chỉ huy các động thái khiêu khích của miền Bắc như vụ đánh chìm tàu Cheonan của Hàn Quốc và vụ nã pháo đảo Yeonpyeong năm 2010, động thái chôn mìn hộp gỗ tại khu phi quân sự liên Triều (DMZ) vào tháng 8 năm ngoái. Ngoài ra còn có một số quan chức miền Bắc liên quan tới việc phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt như Thứ trưởng Bộ Công nghiệp quân nhu Lee Byong-chol, Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương đảng Lao động Hong Yong-chul, Tư lệnh Lực lượng tên lửa chiến lược quân đội Kim Rak-gyom cũng bị đưa vào danh sách đen của Seoul.

Tuy nhiên, hai nhân vật được quan tâm khác là em gái Chủ tịch Ủy ban quốc phòng Bắc Triều Tiên Kim Yo-jong và nhân vật quyền lực thứ hai của miền Bắc là Tổng cục trưởng Tổng cục chính trị quân đội nhân dân Hwang Pyong-so lại không có trong danh sách này.

Kiểm soát về hàng hải và xuất nhập khẩu
Ngoài cấm vận tài chính, Chính phủ Hàn Quốc còn tăng cường khống chế hàng hải đối với miền Bắc. Trước tiên, tàu thuyền nước ngoài nếu từng cập cảng Bắc Triều Tiên sẽ không được phép vào Hàn Quốc trong vòng 180 ngày sau đó. Các tàu dù mang quốc tịch của một nước thứ ba nhưng trên thực tế lại thuộc quyền sở hữu của miền Bắc thì cũng bị cấm cập cảng vào Hàn Quốc.

Để tránh trường hợp hàng hóa sản xuất tại Bắc Triều Tiên đi vòng qua một nước thứ ba rồi ngụy trang vào Hàn Quốc, Chính phủ sẽ đẩy mạnh kiểm soát về xuất nhập khẩu liên Triều. Đặc biệt, Seoul sẽ thiết lập tiêu chuẩn giám sát xuất khẩu một cách hiệu quả, có cân nhắc tới các đặt điểm phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt của miền Bắc, soạn thảo danh mục hàng hóa thuộc diện phải giám sát đặc biệt.

Ý nghĩa và triển vọng
Các biện pháp cấm vận riêng của Chính phủ Hàn Quốc đặt trọng tâm vào việc kìm hãm miền Bắc phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt như hạt nhân và tên lửa. Các cá nhân và tổ chức trong danh sách trừng phạt sẽ không được phép giao dịch với các công ty tài chính Hàn Quốc, và tất cả tài sản tại Hàn Quốc sẽ bị đóng băng. Tuy nhiên, trên thực tế là những tổ chức hay cá nhân này đều không có tài sản tại Hàn Quốc và không giao dịch với cơ quan tài chính Hàn Quốc nên biện pháp này không có hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, Chính phủ giải thích danh sách cấm vận này nhằm mục đích công bố rộng rãi cho quốc tế biết về những cá nhân và tổ chức có vấn đề của miền Bắc để từ đó tránh giao dịch với những đối tượng này.

Các biện pháp cấm vận của Seoul lần này đối với Bình Nhưỡng mang ý nghĩa lớn trong việc mở rộng giám sát về hàng hải. Trong năm ngoái, có 66 tàu của một nước thứ ba từng qua Bắc Triều Tiên cập cảng vào Hàn Quốc như cảng Incheon, cảng Pohang, cảng Pyeongtaek với tổng cộng là 104 lượt, lượng hàng hóa bốc dỡ là 780.000 tấn. Chủ yếu hàng hóa chở là thép và các hàng tạp phẩm. Lượng này chỉ bằng 0,1% lượng tàu cập cảng vào Hàn Quốc, do đó tác động của biện pháp cấm vận của Chính phủ tới trao đổi hàng hóa đường biển là không lớn. Tuy nhiên, nếu xét về quy mô kinh tế thì có phân tích cho rằng biện pháp cấm vận này của Chính phủ có thể gây ra thiệt hại tương đối lớn với Bắc Triều Tiên.

Tin mới nhất