Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Tổng thống Mỹ thăm Cuba và bài học cho Bắc Triều Tiên

Tin nổi bật trong tuần2016-03-27
Tổng thống Mỹ thăm Cuba và bài học cho Bắc Triều Tiên

Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa qua đã có chuyến thăm lịch sử tới Cuba, xóa bỏ mọi tàn dư của Chiến tranh lạnh trong quan hệ hai nước. Điều này càng hướng sự quan tâm của quốc tế đến tình trạng hiện nay của Bắc Triều Tiên, nước vẫn ngoan cố đối đầu với cả thế giới. Tuy nhiên, cũng có ý kiến hy vọng rằng chính quyền miền Bắc sẽ rút ra được bài học từ các “quốc gia bất hảo” từng bị cả cộng đồng quốc tế cô lập như I-rắc, Iran, Cuba, để lựa chọn một hướng đi đúng đắn.

Mỹ và Cuba
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có chuyến thăm Cuba từ ngày 20/3 tới ngày 22/3. Trong thời gian này, ông Obama đã có cuộc gặp thượng đỉnh với Chủ tịch Cuba Raul Castro, diễn thuyết trực tiếp trên truyền hình của nước này, và tham dự một trận đấu giao hữu bóng chày.

Mỹ và Cuba từng có quan hệ lịch sử hết sức khăng khít. Tuy nhiên, tới năm 1959, Chính phủ nhà cầm quyền Fulgencio Batista thân Mỹ sụp đổ trước cuộc cách mạng cộng sản do nhà lãnh đạo Fidel Castro dẫn đầu, khiến hai nước quay sang thế đối đầu. Vào năm 1962, Liên Xô xúc tiến triển khai căn cứ tên lửa tại Cuba, trước sự phản đối và ngăn chặn quyết liệt của Mỹ. Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba này thường được xem là khoảnh khắc mà Chiến tranh lạnh lên tới cao điểm và hoàn toàn có thể dẫn đến một cuộc xung đột hạt nhân.

Cuba luôn đứng đầu trong hàng ngũ những nước chống đối Mỹ trong thế giới thứ ba. Và ngược lại, Mỹ đã gây áp lực quyết liệt với Cuba bằng các biện pháp cấm vận toàn diện. Trong hoàn cảnh bị phong tỏa hoàn toàn như vậy, Cuba trở thành nước nghèo đói và lạc hậu nhất tại châu Mỹ. Sau khi Chiến tranh lạnh chấm dứt do sự sụp đổ của Liên bang Nga, Cuba vẫn tiếp tục bị cộng đồng quốc tế cô lập.

Tuy nhiên, sau một thời gian dài đàm phán với Mỹ, cuối cùng vào cuối năm 2014, hai nước đã tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Washington và La Habana nhất trí mở rộng quan hệ về thương mại, mở cửa Đại sứ quán tại thủ đô mỗi nước, và gần đây nhất là tiến hành chuyến thăm Cuba của Tổng thống Mỹ.

Ý nghĩa
Ý nghĩa lớn nhất chuyến thăm Cuba của Tổng thống Obama chính là việc hóa giải được mọi tàn dư thời kỳ Chiến tranh lạnh. Điều này có được là nhờ Cuba đã rũ bỏ được tư tưởng xưa cũ, quyết tâm theo đuổi cải cách và mở cửa một cách mạnh mẽ. Nhân cơ hội này, Washington vừa yêu cầu Cuba tiến hành dân chủ hóa, cải thiện nhân quyền, vừa tiến hành bình thường hóa quan hệ.

Nhiều vấn đề trọng tâm trong quan hệ Mỹ-Cuba vẫn chưa được giải quyết, liên quan tới quá trình dân chủ hóa của Cuba, hay việc Mỹ gỡ bỏ cấm vận, và trao trả căn cứ Guantanamo cho Cuba. Tuy nhiên, hai bên đã chọn một bước tiến mạnh mẽ là hòa giải và xóa sổ mọi tàn dư Chiến tranh lạnh, nghĩ đến đại cục thay vì mãi giằng co xunh quanh những vấn đề trên. Trên quan điểm đó, chuyến thăm Cuba của Tổng thống Barack Obama lần này được đánh giá là một bước ngoặt lịch sử.

Cuba và Bắc Triều Tiên
Cuba và Bắc Triều Tiên đã đi chung một con đường suốt một thời gian dài. Nhưng, cuối cùng La Habana đã chọn một lối rẽ khác. Lựa chọn xóa sổ mọi tàn dư Chiến tranh lạnh và tái hòa nhập với cộng đồng quốc tế là lựa chọn tốt nhất vì đất nước và người dân Cuba. Đây cũng là một lựa chọn tất yếu sau khi Chiến tranh lạnh chấm dứt. Lựa chọn này của Cuba đang vẽ nên một bức tranh đối lập hoàn toàn với những động thái khiêu khích triền miên gần đây của Bắc Triều Tiên.

Miền Bắc đã chọn đi theo con đường phát triển hạt nhân và tên lửa để duy trì thể chế nước này, tiếp tục đối đầu mù quáng với quốc tế. Các nước từng đi theo con đường tương tự như Bắc Triều Tiên như Li-bi hay I-rắc sau khi thay đổi chính quyền đã quay trở lại với cộng đồng quốc tế, hay như Iran lựa chọn thỏa thuận hạt nhân. Dư luận kỳ vọng rằng sau khi bình thường hóa quan hệ với Washington, thoát khỏi sự cô lập từ cộng đồng quốc tế, Cuba sẽ đạt được tăng trưởng mới. Đã tới lúc lãnh đạo Bắc Triều Tiên cần nhận thức rõ bài học từ những nước trên để lựa chọn con đường đúng đắn cho mình.

Tin mới nhất