Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Cuộc chiến truyền đơn giữa hai miền Nam- Bắc

Tin nổi bật trong tuần2016-04-03
Cuộc chiến truyền đơn giữa hai miền Nam- Bắc

Bắt đầu từ trung tuần tháng 1 vừa qua, Bắc Triều Tiên đã thả một lượng lớn truyền đơn tuyên truyền phỉ báng Chính phủ Hàn Quốc. Để đáp trả lại, các tổ chức người tị nạn miền Bắc và tổ chức bảo thủ Hàn Quốc cũng đã cho thả truyền đơn sang phía nước này, khiến hai bên cùng nhảy vào một cuộc chiến truyền đơn đầy gay go.

Truyền đơn của miền Bắc
Gần đây, truyền đơn phỉ báng miền Nam của chính quyền miền Bắc không chỉ xuất hiện ở Seoul và khu vực lân cận thủ đô mà ở cả phía miền nam. Số lượng truyền đơn đạt khoảng từ vài trăm tới hơn một nghìn tờ, có nội dung lên án miền Nam. Truyền đơn đã bay tới cả những khu vực ở xa, vốn khó có thể tới như huyện Yeongdeok, thành phố Andong ở tỉnh Bắc Gyeongsang.

Vào hôm 15/3 vừa qua, một bịch gồm khoảng 10.000 truyền đơn có nội dung ca ngợi vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ tư của Bắc Triều Tiên và lên án Chính phủ Hàn Quốc đã được phát hiện tại thành phố Cheongju, tỉnh Bắc Chungcheong. Vào mùa đông, gió Bắc thổi mạnh nên truyền đơn của miền Bắc dễ dàng bay xa về phía miền Nam hơn. Một số phỏng đoán được đưa ra là tính từ trung tuần tháng 1 cho tới gần đây, Bắc Triều Tiên đã rải tổng cộng khoảng 7 triệu truyền đơn về phía Hàn Quốc.

Các tổ chức dân sự miền Nam rải truyền đơn về phía miền Bắc
Để đáp trả, một số tổ chức người tị nạn Bắc Triều Tiên và tổ chức mang khuynh hướng bảo thủ trong nước cũng đã nhân lúc gió đổi hướng vào mùa xuân để rải truyền đơn ngược trở lại phía miền Bắc. Một tổ chức dân sự của người tị nạn miền Bắc mang tên Liên minh vận động tự do Bắc Triều Tiên (FFNK) sáng hôm 28/3 đã cùng với tổ chức dân sự bảo thủ mang tên Tổ chức vận động vì tự do và dân chủ Hàn Quốc (NAC National Action Campaign for Freedom and Democracy in Korea) thả bóng bay có chứa 100.000 truyền đơn tại thành phố Paju, tỉnh Gyeonggi, gần biên giới liên Triều. Nội dung truyền đơn lên án vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ tư và vụ phóng tên lửa tầm xa của Bình Nhưỡng. Tổ chức FFNK vào hôm 3/3 cũng đã thả khoảng 300.000 truyền đơn về phía miền Bắc. Rồi vào hôm 26/3, nhân kỷ niệm sáu năm vụ quân đội miền Bắc đánh chìm tuần dương hạm Cheonan của Hàn Quốc, Liên minh vận động tự do Bắc Triều Tiên (FFNK) đã thả thêm 80.000 truyền đơn về phía miền Bắc. Tổ chức này có kế hoạch rải tổng cộng 10 triệu truyền đơn trong vòng ba tháng bắt đầu từ đợt kỷ niệm sáu năm vụ chìm tàu Cheonan vừa qua, để lên án vụ thử nghiệm hạt nhân của Bắc Triều Tiên và yêu cầu chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-un phải giải trừ hạt nhân.

Ngoài ra, một tổ chức của người tị nạn miền Bắc khác là Ngọn nến gìn giữ tự do, sinh mệnh và sự thật vào hôm 5/3 cũng đã thả 17 quả bóng bay có chứa 300.000 truyền đơn về phía miền Bắc.

Quân đội Hàn Quốc cho biết đang chuẩn bị cho việc rải truyền đơn nhằm đẩy cao chiến tranh tâm lý đối với miền Bắc. Đây sẽ là lần đầu tiên sau 12 năm quân đội miền Nam lại rải truyền đơn sang phía Bắc Triều Tiên. Seoul đã dừng không thả truyền đơn sang miền Bắc từ năm 2004, sau khi hai miền nhất trí dừng chiến tranh tâm lý, trong cuộc hội đàm quân sự liên Triều diễn ra vào tháng 6 năm đó.

Cuộc chiến truyền đơn
Chiến tranh tâm lý là một trong những điều mà Bắc Triều Tiên lo sợ nhất. Đó là bởi so với Hàn Quốc, một đất nước mở cửa về thông tin thì chiến tranh tâm lý gây bất lợi hơn cho phía miền Bắc, một xã hội đóng cửa cô lập hoàn toàn. Tuy nhiên, bất chấp điều đó, miền Bắc vẫn cho thả truyền đơn phỉ báng miền Nam khi thấy hướng gió thuận lợi. Miền Nam hiện đang thực hiện các loại hình chiến tranh tâm lý gồm có phát thanh radio, phát loa phóng thanh tuyên truyền ở khu vực gần biên giới, và rải truyền đơn. Miền Bắc đều ở thế bất lợi hơn về các hình thức phát thanh tuyên truyền do yếu kém về trang thiết bị, và hoàn toàn dựa vào sức gió để đẩy mạnh công tác rải truyền đơn.

Cho năm ngoái, Chính phủ Hàn Quốc vẫn yêu cầu các tổ chức dân sự kiềm chế hành động rải truyền đơn sang miền Bắc do lo ngại điều này có thể kích động Bình Nhưỡng, khiến nước này tiếp tục khiêu khích. Trên thực tế, vào năm 2014, quân đội Bắc Triều Tiên đã bắn pháo vào bóng bay thả truyền đơn của miền Nam, dẫn đến một cuộc đấu súng giữa hai bên. Đã từng có ý kiến phản đối cho rằng lập trường này của Chính phủ là xâm hại tới quyền tự do biểu đạt suy nghĩ của người dân. Tuy nhiên, Tòa án Hiến pháp hôm 28/3 đã ra phán quyết cuối cùng là biện pháp này của Chính phủ là hợp pháp. Tuy nhiên, tình hình hiện nay có thể sẽ khiến Chính phủ phải thay đổi. Vấn đề đặt ra là liệu chính quyền miền Bắc sẽ đối ứng ra sao nếu “cuộc chiến truyền đơn” tiếp tục kéo dài khiến nước này khó kiểm soát được nội bộ.

Tin mới nhất