Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Bắc Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân lần thứ tư

Tin nổi bật trong tuần2016-01-10
Bắc Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân lần thứ tư

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye và người đồng cấp Mỹ Barack Obama hôm 7/1 đã nhất trí sẽ hợp tác chặt chẽ để Hội đồng bảo an Liên hợp quốc sớm thông qua nghị quyết trừng phạt mạnh mẽ và toàn diện đối với Bắc Triều Tiên sau vụ nước này thử nghiệm hạt nhân lần bốn vào hôm 6/1.

Trong cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo đã đánh giá về động thái khiêu khích hạt nhân của Bình Nhưỡng và thảo luận sâu về các phương án đối phó tiếp theo.

Quốc tế chuẩn bị gia tăng trừng phạt Bình Nhưỡng
Trước đó vào hôm 6/1, Tổng thống Park Geun-hye đã lên án việc Bình Nhưỡng thử nghiệm hạt nhân là một động thái “khiêu khích nghiêm trọng”. Bà nhấn mạnh nước này sẽ phải hứng chịu sự trả giá tương xứng như cấm vận của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc cùng các biện pháp cứng rắn của Hàn Quốc và các nước trong khu vực.

Chính phủ Hàn Quốc đang bắt đầu một cuộc chiến ngoại giao nhằm hối thúc cộng đồng quốc tế đưa ra các biện pháp cấm vận mạnh mẽ với Bắc Triều Tiên. Trong khi đó, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc hôm 6/1 đã nhóm họp khẩn và cho biết sẽ bắt tay ngay vào việc soạn thảo nghị quyết mới gia tăng cấm vận đối với Bình Nhưỡng.

Điều thu hút sự chú ý của dư luận là phản ứng của Trung Quốc trong đợt thử nghiệm hạt nhân của Bắc Triều Tiên lần này. Trong thời gian qua, mỗi khi Bắc Triều Tiên khiêu khích thì Trung Quốc vừa lên án Bình Nhưỡng lại vừa hối thúc các nước liên quan “kiềm chế” hoặc yêu cầu “đối phó một cách bình tĩnh”. Tuy nhiên, trong tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc liên quan tới vụ Bình Nhưỡng thử nghiệm hạt nhân, nước này đã không sử dụng những cụm từ như vậy. Do đó, có thể lần này phản ứng của Bắc Kinh sẽ tích cực hơn những lần trước và điều dư luận quan tâm là liệu nước này có phối hợp với Seoul đối phó với Bình Nhưỡng hay không.

Bình Nhưỡng thử nghiệm hạt nhân
Một trận động đất nhân tạo có cường độ 5,1 độ richter đã xảy ra tại Bắc Triều Tiên vào lúc 10 giờ 30 phút sáng ngày 6/1. Tiếp theo đó vào lúc 12 giờ 30 phút, Đài truyền hình trung ương Bắc Triều Tiên phát thông cáo đặc biệt của Chính phủ nước này nói rằng Bình Nhưỡng đã lần đầu tiên thử nghiệm “hoàn toàn thành công” bom nhiệt hạch.

Trong ba lần thử nghiệm hạt nhân trước đó, Bắc Triều Tiên chỉ loan báo việc thử nghiệm hạt nhân thông qua Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA). Còn lần này, nước này thông báo dưới hình thức “tuyên bố Chính phủ”, mang tính chất tuyên truyền quy mô rầm rộ hơn.

Tuy nhiên, nghi vấn đặt ra là liệu thứ mà Bắc Triều Tiên thử nghiệm có phải là bom nhiệt hạch hay không. Trận động đất nhân tạo xuất phát từ đợt thử nghiệm hạt nhân lần bốn này có quy mô tương tự so với đợt thử nghiệm hạt nhân lần ba của miền Bắc vào năm 2013. Sức công phá lần này quá yếu so với một quả bom nhiệt hạch. Bom nhiệt hạch là bom sử dụng phản ứng tổng hợp hạt nhân, có sức hủy diệt lớn gấp 100 lần so với vũ khí phân hạch hạt nhân. Do vậy, nhiều khả năng lần này miền Bắc đã thử nghiệm loại bom phân hạch gia tăng nhưng bị thất bại.

Ý nghĩa và triển vọng
Việc Chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong-un rêu rao đã thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch được phân tích là do ông này phải báo cáo về thành quả phát triển bom nhiệt hạch tại Đại hội đảng Lao động Bắc Triều Tiên lần thứ bảy dự kiến diễn ra vào đầu tháng 5 tới. Điều này cũng nhằm khẳng định nước này quyết tâm trở thành “quốc gia sở hữu hạt nhân”, đồng thời nhằm giáng một cú đánh lớn nhất có thể tới quan hệ liên Triều và quan hệ Triều-Mỹ, đưa nước này chiếm ưu thế trong bàn đối thoại.

Việc Bắc Triều Tiên khiêu khích hạt nhân khiến cho quan hệ liên Triều rơi vào căng thẳng cao độ. Một số ý kiến trong nước cho rằng Chính phủ miền Nam nên mở lại loa phóng thanh chống miền Bắc, vốn từng dừng hoạt động sau thỏa thuận cấp cao liên Triều vào tháng 8 năm ngoái. Bên cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng Hàn Quốc cũng cần phải sở hữu vũ khí hạt nhân trên phương diện tự vệ.

Hội đồng bảo an Liên hợp quốc thông thường mất khoảng ba tuần để đưa ra nghị quyết trừng phạt mới đối với Bắc Triều Tiên. Do đó, nghị quyết mới có thể sẽ được hoàn thành trong tháng 1 này.

Vấn đề đặt ra là dường như cấm vận về kinh tế không có mấy hiệu quả đối với Bắc Triều Tiên, một quốc gia đóng cửa hoàn toàn. Gần đây, nhiều ý kiến cho rằng cộng đồng quốc tế phải đưa ra một phương tiện trừng phạt hoàn toàn khác, làm sao để Bắc Triều Tiên phải chịu một đòn đau tương xứng. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng chỉ ra rằng cần phải có thêm một biện pháp trừng phạt cao hơn là cấm vận.

Tin mới nhất