Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Quốc tế lo ngại việc Hàn Quốc cấm rải truyền đơn sang Bắc Triều Tiên

Tin nổi bật trong tuần2020-12-26

ⓒYONHAP News

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngày 22/12 cho biết Chính phủ sẽ giải thích cụ thể với Mỹ về mục đích sửa đổi Luật phát triển quan hệ liên Triều có nội dung cấm hành vi rải truyền đơn sang Bắc Triều Tiên. Gần đây, một số ý kiến trong dư luận quốc tế, đặc biệt là Mỹ, đang lo ngại nội dung sửa đổi này có thể xâm hại tới quyền tự do ngôn luận và nhân quyền.


Luật phát triển quan hệ liên Triều sửa đổi

Luật phát triển quan hệ liên Triều sửa đổi có nội dung cấm mọi hành vi rải truyền đơn, phát loa phóng thanh chĩa sang miền Bắc ở khu vực biên giới liên Triều, trường hợp vi phạm sẽ bị phạt tù tối đa ba năm hoặc 30 triệu won (27.000 USD) tiền phạt. Thông thường, các tổ chức dân sự miền Nam rải truyền đơn sang miền Bắc theo hình thức bỏ USB chứa nội dung hoặc video chỉ trích thể chế Bắc Triều Tiên cùng đồng 1 USD vào một bóng bay cỡ lớn, rồi thả sang miền Bắc. Bình Nhưỡng thường phản ứng rất nhạy cảm với hành động này. Gần đây, nước này đã kịch liệt phản đối Chính phủ Hàn Quốc, thậm chí còn đánh sập Văn phòng liên lạc liên Triều ở Gaesung. Trong thời gian qua, Chính phủ Hàn Quốc đã huy động nhân lực Cảnh sát để ngăn chặn việc các tổ chức dân sự rải truyền đơn nhưng chỉ dẫn tới xung đột, không dập tắt được hoàn toàn hành vi này.


Các vụ rải truyền đơn khiến người dân khu vực biên giới vô cùng bất an. Chính phủ nhận định việc đảm bảo quyền tự do ngôn luận là quan trọng nhưng không thể đặt lên trên sự an toàn của người dân. Theo đó, Seoul đã tiến hành sửa đổi Luật phát triển quan hệ liên Triều. Chính phủ giải thích việc sửa đổi là nhằm bảo vệ sự an toàn của người dân, đặc biệt là người dân sống tại khu vực biên giới, không phải hạn chế quyền tự do và xem nhẹ nhân quyền tại Bắc Triều Tiên.


Tranh cãi

Bất chấp mục đích bảo vệ người dân như Chính phủ đã giải thích, chính giới Mỹ có nhiều ý kiến lo ngại về nội dung sửa đổi. Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về nhân quyền tại Bắc Triều Tiên Tomas Ojea Quintana đã khuyến nghị Seoul xem xét lại trước khi thực thi luật. Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 21/12 nhấn mạnh phải thúc đẩy truyền bá thông tin tự do vào miền Bắc, qua đó gián tiếp bày tỏ lập trường phản đối. Tờ bưu điện Washington của Mỹ đưa tin Thứ trưởng Ngoại giao nước này Stephen Biegun trong chuyến thăm Seoul gần đây đã ngầm bày tỏ ý kiến lo ngại của Chính phủ Mỹ với phía Hàn Quốc về vấn đề này.


Trong quá trình sửa đổi luật, dư luận trong nước cũng dấy lên nhiều tranh cãi cho rằng nội dung sửa đổi xâm hại tới quyền tự do ngôn luận và nhân quyền Bắc Triều Tiên. Đảng đối lập Sức mạnh quốc dân đã đề nghị thảo luận không giới hạn thời gian (tức sử dụng quyền “filibuster”, quyền cản trở thông qua một đạo luật tại Quốc hội) nhằm ngăn cản sửa đổi luật này nhưng đảng cầm quyền Dân chủ đồng hành với số ghế áp đảo tại Quốc hội đã dừng thảo luận và xúc tiến thông qua dự luật.


Lập trường của chính phủ và triển vọng

Chính phủ giải thích rằng các ý kiến phản đối xuất phát từ việc hiểu sai mục đích sửa đổi luật. Trong thời gian tới, Seoul sẽ tăng cường trao đổi hơn nữa để tìm kiếm sự đồng tình rộng rãi trong dư luận và cộng đồng quốc tế. Bộ Thống nhất cũng đã gửi tài liệu tới quan chức ngoại giao các nước đóng tại Hàn Quốc để giải thích cụ thể về việc mục đích sửa đổi luật. Dự kiến vấn đề này sẽ trở thành một đề tài khó xử trong quan hệ giữa Hàn Quốc với cộng đồng quốc tế, đặc biệt là với Mỹ. Đó là bởi Chính phủ của Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden được cho là sẽ quan tâm hơn tới vấn đề nhân quyền, tự do ngôn luận so với Chính phủ đương nhiệm của Tổng thống Donald Trump.

Tin mới nhất