Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Liên hợp quốc thông qua dự thảo nghị quyết về nhân quyền tại Bắc Triều Tiên

Tin nổi bật trong tuần2021-03-27

ⓒGetty Images Bank

Nội dung nghị quyết

Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc gồm 47 nước thành viên ngày 23/3 (giờ địa phương) đã thông qua dự thảo nghị quyết về nhân quyền tại Bắc Triều Tiên với sự nhất trí toàn diện không cần biểu quyết, tại khóa họp thường kỳ lần thứ 46 ở Geneva (Thụy Sĩ). Dự thảo có nội dung lên án mạnh mẽ các hành vi xâm hại nhân quyền, chống nhân quyền đang diễn ra tại miền Bắc, hối thúc truy cứu trách nhiệm những người có liên quan. Hội đồng nhân quyền chỉ trích Bắc Triều Tiên đã và vẫn đang tiếp diễn các hành vi xâm hại nhân quyền một cách có hệ thống, trên diện rộng với mức độ nghiêm trọng. Nội dung nghị quyết về nhân quyền tại miền Bắc phần lớn tương tự nhau qua các năm, bởi trong vòng 19 năm qua, tình hình nhân quyền tại nước này không hề thay đổi. Một điểm khác là trong dự thảo lần này đề cập tới nội dung về đại dịch COVID-19, lần đầu tiên bày tỏ lo ngại về việc miền Bắc xâm hại nhân quyền của các binh lính Hàn Quốc bị nước này bắt làm tù binh trong chiến tranh Triều Tiên và con cháu họ. Về đại dịch COVID-19, dự thảo nghị quyết nhấn mạnh tầm quan trọng việc Bắc Triều Tiên cấp phép xuất nhập cảnh cho nhân viên các tổ chức quốc tế, và cho phép nhập vật tư nhằm hỗ trợ cho các tầng lớp yếu thế của nước này Ngoài ra, nghị quyết hối thúc miền Bắc kiềm chế sử dụng vũ lực tại biên giới, cho phép hoạt động viện trợ của các tổ chức nhân đạo. Hội đồng nhân quyền cũng nhấn mạnh tầm quan trọng, tính cấp bách của vấn đề đoàn tụ các gia đình bị ly tán trong chiến tranh Triều Tiên, đồng thời quyết định gia hạn một năm nhiệm kỳ cho Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về nhân quyền tại Bắc Triều Tiên.


Ý nghĩa

Nghị quyết nhân quyền miền Bắc lần đầu được thông qua tại Ủy ban nhân quyền Liên hợp quốc (tiền thân của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc) vào năm 2003, và được thông qua hàng năm từ năm 2008, tới nay là năm thứ 19 liên tiếp. Đặc biệt, từ khóa họp thứ 31 năm 2016, dự thảo được thông qua theo hình thức “nhất trí toàn diện” không cần biểu quyết. Điều này thể hiện rõ sự lo ngại sâu sắc của cộng đồng quốc tế trước vấn đề nhân quyền tại Bắc Triều Tiên, đồng tình rằng cần cải thiện tình trạng này ngay lập tức. Nhân quyền trở thành một vấn đề cơ bản, một giá trị phổ quát của nhân loại ngày nay. Tuy nhiên, tình trạng nhân quyền tại miền Bắc lại ở mức tồi tệ, chỉ riêng khái nhiệm nhân quyền đã là một điều “cấm kỵ” với người dân. Tình trạng xâm hại nhân quyền tại miền Bắc đang diễn ra một cách có hệ thống bởi các cơ quan quyền lực, nhằm duy trì thể chế độc tài trong suốt ba đời nhà lãnh đạo họ Kim. Theo đó, nghị quyết của Liên hợp quốc nhấn mạnh phải truy cứu trách nhiệm và xử phạt những người có liên quan.


Động thái trái ngược của Mỹ và Hàn Quốc

Dự thảo nghị quyết do EU đệ trình. Năm nay, Hàn Quốc tiếp tục không có tên trong danh sách các nước đồng đề xuất, tương tự hai năm trước. Ngược lại, Mỹ đã quay trở lại Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc vào tháng trước và tham gia vào danh sách đề xuất sau ba năm. Về lý do không tham gia vào danh sách đồng đề xuất dự thảo, một quan chức Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết quyết định trên được đưa ra sau khi cân nhắc tổng hợp tình hình. Seoul đã tham gia vào quá trình nhất trí toàn diện, xét trên lập trường cơ bản là nỗ lực cùng cộng đồng quốc tế để cải thiện thực chất tình hình nhân quyền cho người dân Bắc Triều Tiên. Một số ý kiến chỉ trích lập trường này của Chính phủ là dò xét thái độ của miền Bắc. Đặc biệt, trong bối cảnh Chính phủ Tổng thống Mỹ Joe Biden đang hết sức coi trọng giá trị dân chủ, khác với người tiền nhiệm Donald Trump, nên lập trường mơ hồ này của Chính phủ Hàn Quốc có thể sẽ vấp phải khó khăn trong thời gian tới.

Tin mới nhất