Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Khôi phục đường dây liên lạc liên Triều sau hơn một năm

Tin nổi bật trong tuần2021-07-31

ⓒYONHAP News

Sáng ngày 27/7, Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên đã chính thức nối lại đường dây liên lạc liên Triều sau 13 tháng bị cắt đứt. Hiện tại, đường dây liên lạc Văn phòng liên lạc liên Triều và đường dây liên lạc quân sự trên biển Tây đã hoạt động bình thường trở lại. Riêng đường dây liên lạc quân sự trên biển Đông vẫn chưa thể mở lại do vấn đề kỹ thuật.

 

Khôi phục đường dây liên lạc liên Triều

Vào 9/6 năm ngoái, Bắc Triều Tiên đơn phương cắt đứt toàn bộ đường dây liên lạc liên Triều, nhằm phản đối biện pháp đối phó của Hàn Quốc trong vụ tổ chức dân sự người tị nạn miền Bắc rải truyền đơn chống phá sang nước này. Cố vấn phụ trách đối thoại với người dân thuộc Phủ Tổng thống Park Soo-hyun trong buổi họp báo khẩn sáng 27/7 thông báo việc khôi phục đường dây liên lạc liên Triều được thực hiện theo nội dung nhất trí giữa lãnh đạo thượng đỉnh hai nước. Từ tháng 4 vừa qua, lãnh đạo hai bên đã nhiều lần trao đổi thư từ, đồng tình rằng nên sớm khôi phục niềm tin, đưa quan hệ liên Triều đạt được tiến triển.

 

Sáng cùng ngày, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cũng xác nhận về việc khôi phục đường dây liên lạc với miền Nam, và việc lãnh đạo hai nước đã trao đổi thư từ trong thời gian qua. KCNA đánh giá việc nối lại đường dây liên lạc sẽ tác động tích cực tới việc cải thiện và phát triển quan hệ song phương.

 

Seoul và Bình Nhưỡng nhất trí điện đàm định kỳ mỗi ngày hai lần vào buổi sáng và buổi chiều thông qua Văn phòng liên lạc liên Triều và đường dây liên lạc quân sự tương tự như trước đây. Trước khi các đường dây liên lạc bị cắt đứt vào tháng 6 năm ngoái, hai miền Nam-Bắc điện đàm vào 9 giờ sáng và 5 giờ chiều hàng ngày qua Văn phòng liên lạc liên Triều.

 

Đường dây liên lạc liên Triều

Các đường dây liên lạc liên Triều là kênh liên lạc thường xuyên kết nối quan hệ giữa hai miền Nam-Bắc. Nếu như đường dây liên lạc quân sự trên biển Đông và biển Tây là phương tiện quan trọng để phòng ngừa xảy ra xung đột quân sự bộc phát, giao lưu qua lại giữa nhân lực và vật tư giữa hai bên; thì Văn phòng liên lạc liên Triều là kênh thảo luận thường xuyên nhằm xúc tiến đối thoại song phương. Ngoài ra, giữa hai miền Nam-Bắc còn có kênh liên lạc Bàn Môn Điếm, đường dây nóng thượng đỉnh, đường dây liên lạc kết nối giữa Cơ quan tình báo quốc gia Hàn Quốc (NIS) và Bộ Mặt trận thống nhất của Bắc Triều Tiên.

 

Tuy nhiên, các kênh liên lạc trên liên tục bị cắt đứt rồi lại khôi phục tùy theo diễn biến quan hệ liên Triều. Miền Bắc thường đơn phương cắt đứt kênh liên lạc như một bước đi cuối cùng nhằm thể hiện sự bất mãn gay gắt nào đó trong quan hệ với miền Nam. Do đó việc khôi phục đường dây liên lạc liên Triều lần này có thể coi là tín hiệu, bước khởi đầu để khôi phục quan hệ song phương.

 

Ý nghĩa và triển vọng

Một điều có ý nghĩa lớn hơn cả đó là lần này, hai bên nối lại đường dây liên lạc dựa trên sự trao đổi và thống nhất giữa hai lãnh đạo thượng đỉnh. Trong thời gian qua, giới chức hai miền đã xảy ra nhiều vụ đấu khẩu gay gắt về các vấn đề lớn, nhỏ khác nhau. Tuy nhiên, lãnh đạo hai bên vẫn thường xuyên có sự trao đổi và cuối cùng đã đạt được kết quả lần này. Do vậy, dư luận đang kỳ vọng về sự khôi phục đối thoại liên Triều, và rộng hơn nữa là đối thoại Mỹ-Triều.

 

Về phần mình, Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ lập trường hoan nghênh việc hai miền Nam-Bắc nối lại đường dây liên lạc. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nhấn mạnh Washington luôn mở cánh cửa đối thoại với miền Bắc. Tuy nhiên vẫn chưa thể lạc quan hoàn toàn về tình hình trong thời gian tới. Phủ Tổng thống Hàn Quốc khẳng định hai bên đã không thảo luận về việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh liên Triều. Dù hai miền có thảo luận về việc này đi chăng nữa thì vẫn còn nhiều rào cản rất lớn, như tình hình dịch COVID-19. Ngoài ra, mặc dù Mỹ liên tục kêu gọi Bắc Triều Tiên đối thoại, nhưng giữa hai nước vẫn còn bất đồng ý kiến lớn về mục tiêu cuối cùng là phi hạt nhân hóa Bình Nhưỡng. Thêm vào đó là còn nhiều vấn đề nan giải khác như tập trận quân sự chung Hàn-Mỹ, vấn đề nhân quyền tại Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, một điều rõ ràng là cả Seoul, Washington và Bình Nhưỡng đã có bước đi đầu tiên nhằm giải quyết tất cả vấn đề.

Tin mới nhất