Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Người nước ngoài bị Bắc Triều Tiên bắt cóc

Tin nổi bật trong tuần2015-03-15
Người nước ngoài bị Bắc Triều Tiên bắt cóc

Phái viên Liên hợp quốc phụ trách vấn đề nhân quyền ở Bắc Triều Tiên Marzuki Darusman hôm 9/3 (theo giờ địa phương) đã đề xuất cộng đồng quốc tế vào cuộc điều tra các vụ việc người nước ngoài bị bắt cóc và mất tích do Bắc Triều Tiên tiến hành. Trong báo cáo đệ trình Văn phòng Cao ủy nhân quyền Liên hợp quốc (OHCHR), ông Darusman nhấn mạnh cần quan tâm hơn đến những tội ác vi phạm nhân quyền tại miền Bắc và gây áp lực lên nước này.

Báo cáo của Phái viên Liên hợp quốc

Báo cáo này của Phái viên Marzuki Darusman sẽ được chính thức đệ trình lên phiên họp Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc vào ngày 16/3 tới. Trong đó, ông Darusman nhấn mạnh phải tố cáo những cá nhân có trách nhiệm, vi phạm nhân quyền, vô nhân đạo tại Bắc Triều Tiên lên Tòa án hình sự quốc tế (ICC) nếu muốn cải thiện tình hình nhân quyền của nước này. Ông cũng đồng thời khẳng định cần tập trung vào các vụ việc người nước ngoài bị bắt cóc và mất tích có liên quan đến chính quyền Bình Nhưỡng. Đặc biệt, theo báo cáo này, từ sau khi Ủy ban điều tra về nhân quyền Bắc Triều Tiên (COI) đệ trình báo cáo tổng hợp đầu năm 2014 thì miền Bắc đã thể hiện ít nhiều có sự hợp tác hơn với các cơ quan nhân quyền của Liên hợp quốc. Tuy nhiên đến nay nước này đã ngừng mọi động thái cộng tác. Chính vì lẽ đó, Phái viên Darusman cho rằng cộng đồng quốc tế cần gia tăng áp lực đối với Bình Nhưỡng và cụ thể là tập trung vào các vụ việc người nước ngoài bị bắt cóc hay mất tích do chính quyền miền Bắc đứng sau.

Nạn bắt cóc người nước ngoài do Bắc Triều Tiên tiến hành

Những nội dung trong báo cáo lần này của Phái viên Liên hợp quốc Marzuki Darusman dựa trên những thông tin của báo cáo năm 2014 của Ủy ban điều tra về nhân quyền Bắc Triều Tiên (COI). Theo đó, miền Bắc đã tiến hành nhiều vụ bắt cóc người nước ngoài có tổ chức từ những năm 1950 đến nay và từ chối trao trả nạn nhân về nước. Cùng với đó là một số lượng lớn người nước ngoài bị mất tích. Từ những năm 1960 đến những năm 1980, đã có hàng trăm công dân các nước như Hàn Quốc và Nhật Bản bị chính quyền Bình Nhưỡng bắt cóc. Từ những năm 1990, nước này tiếp tục tổ chức bắt cóc những người mang quốc tịch Trung Quốc, Li-băng, Ru-ma-ni, Malaysia, Singapore, Thái Lan tại Trung Quốc. Theo ông Darusman, với một số lượng lớn người thuộc nhiều quốc tịch bị bắt cóc và mất tích như vậy thì đây rõ ràng là một vấn đề mang tính quốc tế, phải được đưa lên Tòa án hình sự quốc tế và cần có sự quan tâm của cộng đồng quốc tế để sớm được giải quyết.

Bối cảnh và dự đoán

Sau khi Ủy ban điều tra về tình hình nhân quyền Bắc Triều Tiên (COI) thuộc Liên hợp quốc đưa ra báo cáo tổng hợp lên án tình hình nhân quyền tại nước này vào đầu năm 2014, chính quyền Bình Nhưỡng đã có nhiều động thái tích cực như mời Cao ủy nhân quyền Liên hợp quốc đến thăm, nối lại đối thoại với Liên minh châu Âu (EU), chấp thuận 113 khuyến cáo của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc. Tuy nhiên, sau khi nghị quyết có nội dung tố cáo cá nhân vi phạm nhân quyền tại nước này lên Tòa án hình sự quốc tế được Liên hợp quốc thông qua vào tháng 11 năm ngoái thì miền Bắc lại quay về thái độ bất hợp tác. Do đó Phái viên Marzuki Darusman đã đề xuất cần tập trung vào các vụ việc người nước ngoài bị chính quyền Bắc Triều Tiên bắt cóc để qua đó gia tăng áp lực với nước này. Khi các thông tin về những vụ việc này được điều tra ra thì chắc chắn cộng đồng quốc tế sẽ quan tâm hơn đến vấn đề nhân quyền chung tại miền Bắc. Nhiều ý kiến khẳng định rằng Liên hợp quốc năm nay cũng sẽ tiếp tục thông qua một nghị quyết mới về tình hình nhân quyền tại nước này. Theo đó, những đề xuất lần này của Phái viên Darusman có thể sẽ được phản ánh phần nào trong những biện pháp đối với vấn đề này.

Tin mới nhất