Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Ủy ban chuẩn bị thống nhất họp lần hai

Tin nổi bật trong tuần2014-10-19
Ủy ban chuẩn bị thống nhất họp lần hai

Phát biểu tại cuộc họp lần hai của Ủy ban chuẩn bị thống nhất thuộc quyền Tổng thống hôm 13/10, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye nói hai miền Nam-Bắc phải gặp gỡ và trao đổi thẳng thắn để có thể giải quyết những vấn đề như Lệnh cấm vận kinh tế Bắc Triều Tiên 24/5 mà Chính phủ Hàn Quốc đưa ra vào năm 2010. Bà Park nhấn mạnh hai miền phải duy trì đối thoại để giải tỏa căng thẳng và xây dựng hòa bình trên bán đảo.

Phiên họp toàn thể Ủy ban chuẩn bị thống nhất

Ủy ban chuẩn bị thống nhất là cơ quan có nhiệm vụ đề ra phương hướng căn bản chuẩn bị cho thống nhất hai miền trên bán đảo Hàn Quốc, nghiên cứu các vấn đề nền tảng trong mọi lĩnh vực và xúc tiến những thảo luận, hợp tác xã hội tiến đến thống nhất. Đây là ủy ban được thành lập nhằm thực hiện những ý tưởng trong Sáng kiến Dresden, mà Tổng thống Park Geun-hye từng đưa ra trong chuyến thăm Đức vào tháng 3 đầu năm 2014. Ủy ban này đã chính thức đi vào hoạt động hôm 15/7 và sau đó họp phiên họp đầu tiên vào ngày 7/8. Phiên họp lần hai do Tổng thống chủ trì đã diễn ra tại Phủ Tổng thống hôm 13/10. Phiên họp diễn ra với các bài báo cáo và thảo luận theo các vấn đề lớn gồm kinh tế với phương án kết nối các tuyến đường sắt xuyên bán đảo và cải thiện cơ sở hạ tầng ở miền Bắc, vấn đề văn hóa xã hội với dự án thí điểm y tế bà mẹ và trẻ em ở khu công nghiệp liên Triều Gaesung. Trong lĩnh vực chính trị pháp luật là báo cáo về phương hướng xây dựng hiến chương thống nhất. Tại phiên họp, Tổng thống Park Geun-hye đã đề xuất định hướng hoạt động của ủy ban về hoàn thành phương án xây dựng Công viên sinh thái hòa bình thế giới khu phi quân sự (DMZ) chuẩn bị xây dựng hiến chương thống nhất hòa bình và xúc tiến cải thiện chất lượng cuộc sống người dân miền Bắc.

Ý chí đối thoại hai miền

Cuộc họp lần hai của Ủy ban chuẩn bị thống nhất được cho là động thái Tổng thống Park Geun-hye đưa ra định hướng trong chính sách với Bắc Triều Tiên trước khi bà lên đường đến Ý tham dự Hội nghị thượng đỉnh Á-Âu (ASEM). Phát biểu tại cuộc họp, bà Park nhấn mạnh Hàn Quốc sẽ tiếp tục đối phó mạnh mẽ những hành động khiêu khích nhưng cũng đồng thời mở rộng cửa đối thoại hướng đến xây dựng hòa bình trên bán đảo. Đây được coi là thể hiện ý chí và mong muốn đối thoại giữa hai miền bất chấp những hành động khiêu khích mới đây của miền Bắc. Điều này có nghĩa Seoul quyết tâm duy trì thỏa thuận về tổ chức cuộc họp cấp cao liên Triều với Bình Nhưỡng.

Vấn đề Lệnh cấm vận kinh tế 24/5 với Bắc Triều Tiên

Được quan tâm nhất là phát biểu của Tổng thống Park Geun-hye về Lệnh cấm vận kinh tế 24/5 đối với Bắc Triều Tiên. Bà Park đã nói rằng hai bên cần gặp gỡ, trao đổi thẳng thắn về nhiều vấn đề và câu nói này được hiểu là mở đường cho đối thoại về vấn đề Lệnh cấm vận kinh tế 24/5. Đây là lệnh cấm vận được Hàn Quốc ban hành vào ngày 24/5/2010 nhằm đáp trả vụ miền Bắc bắn chìm tuần dương hạm Cheonan của Hàn Quốc. Nội dung chính của lệnh này là Chính phủ cấm tất cả giao dịch hàng hóa, nhân sự liên quan đến các chương trình hợp tác giao lưu giữa hai miền Nam-Bắc, trừ khu công nghiệp liên Triều Gaesung. Lệnh cấm vận này cũng bao gồm việc cấm các tàu thuyền Bắc Triều Tiên đi lại trên lãnh hải Hàn Quốc, ngừng tất cả giao dịch liên Triều, không cho phép người dân Hàn Quốc thăm Bắc Triều Tiên, cấm đầu tư mới đối với Bắc Triều Tiên và trì hoãn thực hiện các chương trình hỗ trợ miền Bắc. Bình Nhưỡng đang đề nghị Seoul gỡ bỏ lệnh cấm này để đổi lấy việc hai miền nối lại đối thoại. Tuy nhiên điều này bị Seoul bác bỏ do Bình Nhưỡng không đưa ra được một lời giải thích thỏa đáng về vụ đánh chìm tuần dương hạm Cheonan. Do đó, trên thực tế, lệnh cấm vận này đã trở thành vật cản lớn nhất trong tiến trình nối lại đối thoại liên Triều. Như vậy, phát biểu của bà Park được hiểu như đã mở cảnh cửa cho hai miền trao đổi về vấn đề lệnh cấm này, thể hiện mong muốn hai miền đối thoại. Tuy nhiên, mặt khác, cũng có ý kiến cho rằng đây là lời nhấn mạnh Hàn Quốc sẽ không từ bỏ những lập trường vốn có, yêu cầu Bắc Triều Tiên phải tham gia đối thoại một cách thẳng thắn, trung thực và có trách nhiệm. Đó là lập trường của Seoul không chấp nhận hạt nhân, là trách nhiệm của Bình Nhưỡng về các vụ đánh chìm tuần dương hạm Cheonan hay pháo kích đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc, hành động trách nhiệm đối với cải thiện nhân quyền.

Tin mới nhất