Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Ủy ban thuộc Liên hợp quốc thông qua nghị quyết mới về nhân quyền tại Bắc Triều Tiên

Tin nổi bật trong tuần2014-11-23
Ủy ban thuộc Liên hợp quốc thông qua nghị quyết mới về nhân quyền tại Bắc Triều Tiên

Ủy ban thứ ba của Đại hội đồng Liên hợp quốc hôm 18/11 (theo giờ Hàn Quốc) đã thông qua nghị quyết về nhân quyền tại Bắc Triều Tiên với nội dung mạnh mẽ là đệ trình vấn đề này lên Tòa án hình sự quốc tế (ICC). Với 111 phiếu thuận, 19 phiếu chống và 55 phiếu trắng, cuộc họp của Ủy ban thứ ba diễn ra tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ) đã thông qua nghị quyết do Liên minh châu Âu (EU) soạn thảo và hơn 60 nước cùng đề xuất.

Nghị quyết mới về nhân quyền tại Bắc Triều Tiên

Ủy ban thứ ba tại Đại hội đồng Liên hợp quốc là cơ quan chuyên về vấn đề nhân quyền. Cùng với việc được thông qua tại cuộc họp ủy ban này, nghị quyết mới về nhân quyền tại Bắc Triều Tiên sẽ được đệ lên phiên họp Đại hội đồng vào trung tuần tháng 12 tới. Từ trước đến nay, chưa từng có tiền lệ nào về việc nghị quyết được ủy ban này thông qua mà lại bị phủ quyết tại phiên họp Đại hội đồng. Bên cạnh đó, hầu hết các nước thành viên Liên hợp quốc đều đã tham gia bỏ phiếu nghị quyết lần này. Do đó, có thể chắc chắn rằng nghị quyết này nhất định sẽ được thông qua tại phiên họp Đại hội đồng. Nghị quyết về nhân quyền tại Bắc Triều Tiên đã liên tục được Liên hợp quốc thông qua suốt từ năm 2005 đến nay.

Nội dung nghị quyết

Khác với mọi năm, nghị quyết về nhân quyền tại Bắc Triều Tiên năm nay có những nội dung cứng rắn hơn như đưa vấn đề nhân quyền, cá nhân vi phạm nhân quyền lên Tòa án hình sự quốc tế (ICC). Nghị quyết bày tỏ quan ngại về việc tại miền Bắc vẫn tồn tại những hành vi như tra tấn, tử hình công khai, cưỡng dâm, giam cầm một cách có tổ chức, đồng thời nêu cụ thể hướng quy kết trách nhiệm những hành vi vi phạm nhân quyền này. Cùng với đó, nghị quyết đệ trình và yêu cầu Hội đồng bảo an Liên hợp quốc chấp thuận những khuyến cáo được đưa ra trong báo cáo của Ủy ban điều tra tình hình nhân quyền tại Bắc Triều Tiên thuộc Liên hợp quốc (COI). Đó là nội dung đưa vấn đề nhân quyền lên Tòa án hình sự quốc tế (ICC) và trừng phạt cá nhân vi phạm. Đây là lần đầu tiên Liên hợp quốc thông qua một khuyến cáo về đưa vấn đề nhân quyền của một quốc gia nhất định lên Tòa án hình sự quốc tế, được coi là cú đánh mạnh tay nhằm thẳng miền Bắc. Trước đó, Bình Nhưỡng đã đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao nhằm sửa đổi hoặc bỏ phiếu chống nghị quyết này nhưng đều thất bại. Một nước đồng minh của Bắc Triều Tiên là Cuba đã đệ trình một nghị quyết sửa đổi khác, trong đó bỏ vấn đề đưa lên Tòa án hình sự quốc tế, nhưng đã bị Ủy ban thứ ba bác bỏ với 40 phiếu thuận, 77 phiếu chống và 50 phiếu trắng.

Ý nghĩa và dự đoán

Trên thực tế, các nghị quyết của Liên hợp quốc không mang tính ràng buộc pháp lý. Bên cạnh đó, không có nhiều khả năng nội dung khuyến cáo về đưa vấn đề này lên Tòa án hình sự quốc tế sẽ được chấp thuận. Trung Quốc vẫn có quyền phủ quyết cho dù Hội đồng bảo an quyết định đệ trình vấn đề này lên. Tuy nhiên, việc nghị quyết này được thông qua đã thể hiện được những quan ngại của quốc tế rằng tình hình nhân quyền tại miền Bắc nghiêm trọng đến mức nào, cũng như quyết tâm cải thiện tình hình đó. Dù không có tính ràng buộc nhưng việc thông qua nghị quyết lần này cũng được đánh giá như một đòn gây áp lực mạnh hơn hẳn đối với Bình Nhưỡng. Trước đó, miền Bắc đã lên tiếng cáo buộc nghị quyết này toàn những điều dối trá, không có căn cứ nhằm bôi nhọ, phỉ báng Bắc Triều Tiên, đồng thời đe dọa nếu nghị quyết được thông qua có thể sẽ dẫn đến hậu họa khôn lường. Tuy nhiên, có vẻ như những đe dọa này của miền Bắc không hề ảnh hưởng đến ý chí của quốc tế mong muốn cải thiện tình hình nhân quyền tại nước này. Đại sứ Hàn Quốc tại Liên hợp quốc Oh Joon đề cao việc nghị quyết mới được thông qua, và dự đoán từ đây sẽ có thêm nhiều thảo luận trên góc độ mới về vấn đề nhân quyền tại miền Bắc. Về phần mình, Bắc Triều Tiên đương nhiên cực lực phản đối nghị quyết này và dự đoán sẽ sớm bộc lộ trong mối quan hệ liên Triều cũng như trong mối quan hệ Triều-Mỹ. Dự đoán, bán đảo Hàn Quốc sẽ lại sớm rơi vào tình trạng “chiến tranh lạnh”.

Tin mới nhất