Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Lập trường của Hàn Quốc đối với đề xuất đặc biệt của Bắc Triều Tiên

Tin nổi bật trong tuần2014-07-06
Lập trường của Hàn Quốc đối với đề xuất đặc biệt của Bắc Triều Tiên

Chính phủ Hàn Quốc hôm 1/7 đã bày tỏ lập trường từ chối đề xuất đặc biệt của Bắc Triều Tiên về việc hai bên ngừng tất cả các hoạt động quân sự thù địch nhằm vào nhau từ ngày 4/7 vì coi đây là một đề nghị phi lý và thiếu chân thực.


Lập trường của Chính phủ Hàn Quốc

Qua lời người phát ngôn Bộ Thống nhất, Hàn Quốc phê phán đây là một đề nghị phi lý, có ý đồ đổ trách nhiệm cho miền Nam đã gây căng thẳng trong quan hệ liên Triều trở nên căng thẳng. Seoul nhấn mạnh lời nói của chính quyền Bình Nhưỡng trước sau không nhất quán vì trong đề xuất đặc biệt, Bình Nhưỡng nói sẽ không từ bỏ việc phát triển song song hạt nhân và kinh tế trong bất kỳ trường hợp nào, thế nhưng lại đề cập đến việc hai miền cùng xây dựng không khí hòa bình. Cả thế giới đều biết rõ rằng chính việc miền Bắc phát triển hạt nhân và tên lửa là sự đe dọa đến hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc và tương lai của hai miền. Vậy mà Bình Nhưỡng đưa ra một đề xuất mang tính né tránh trách nhiệm và còn trâng tráo nhắc đến hòa bình. Hàn Quốc nhấn mạnh miền Bắc trước đó vào tháng 1 năm 2014 cũng từng đưa ra “đề nghị quan trọng” về việc hai miền dừng toàn bộ các hành động phỉ báng lẫn nhau từ ngày 30/1, ngừng các hành động quân sự thù địch giữa hai miền và đưa ra biện pháp nhằm ngăn chặn tai nạn liên quan đến hạt nhân. Nhưng cũng chính nước này đã phá vỡ nhất trí liên Triều khi liên tiếp có động thái đe dọa miền Nam cũng như bôi nhọ nguyên thủ của miền Nam.


Đề xuất đặc biệt của Bắc Triều Tiên

Hôm 30/6, Ủy ban Quốc phòng Bắc Triều Tiên đã đưa ra cái gọi là “đề xuất đặc biệt” với Hàn Quốc gồm các nội dung chính là hai miền dừng toàn bộ các hành động quân sự thù địch, Hàn Quốc hủy tập trận quân sự chung Hàn-Mỹ mang tên Ulchi Freedom Guardian (UFG) và hai bên ngừng việc phỉ báng, bôi nhọ nhằm vào nhau. Đối với đề nghị ngừng các hành động quân sự thù địch, miền Bắc chọn thời điểm bắt đầu là 0 giờ ngày 4/7 với lý do kỷ niệm 42 năm ngày ra Tuyên bố chung liên Triều 4/7/1972. Còn việc Seoul phải hủy tập trận quân sự chung Hàn-Mỹ được Bình Nhưỡng giải thích là nhằm xây dựng không khí giao lưu, hòa bình giữa hai bên khi sẽ cùng tham gia Đại hội thể thao châu Á 2014 tại thành phố biển Incheon của Hàn Quốc.


Bối cảnh và ý nghĩa

Hàn Quốc lên án mạnh mẽ Bắc Triều Tiên, đồng thời không đề nghị tổ chức bất cứ tiếp xúc nào giữa hai miền. Điều này được hiểu là Seoul đang theo dõi những thay đổi trong thái độ của Bình Nhưỡng, vừa sẵn sàng chuẩn bị những đối phó. “Đề xuất đặc biệt” của Bình Nhưỡng lần này không có bất cứ điểm đặc biệt nào về cả nội dung hay hình thức, hay thời điểm đưa ra, đồng thời Seoul cho rằng đây cũng không thể được coi là một đề xuất, mà giống như một yêu cầu mang tính đơn phương hơn. Cụ thể về nội dung, miền Bắc chỉ nhắc đến yêu cầu Hàn Quốc hủy tập trận chung quân sự Hàn-Mỹ, mà không đề cập đến vấn đề lớn nhất được cho là hành động quân sự thù địch đó là việc nước này phát triển vũ khí hạt nhân. Do đó, đây thực chất chỉ là một lời yêu cầu Hàn Quốc hủy tập trận quân sự chung Hàn-Mỹ núp bóng dưới danh nghĩa một đề nghị hướng đến hòa bình mà thôi. Tương tự về hình thức, đề xuất này được đưa ra dưới danh nghĩa cơ quan quyền lực cao nhất của miền Bắc là Ủy ban Quốc phòng, nhưng lại xuất hiện một cách bất thình lình, cho thấy miền Bắc không hề che giấu thái độ không nghiêm túc trước việc đề xuất có được chấp nhận hay không. Còn về thời điểm, trước đó miền Bắc mới phóng ba tên lửa tầm ngắn được cho là tên lửa phản lực KN-09 190 km về phía biển Đông hôm 26/6, sau đó đã phóng tiếp hai tên lửa đạn đạo có thể là Scud C hôm 29/6. Vậy mà chỉ đến 30/6 đã đưa ra đề xuất này, mà ngay sau đó lại diễn ra chuyến thăm chính thức Hàn Quốc của nguyên thủ Trung Quốc là Chủ tịch Tập Cận Bình. Như vậy, đề xuất này của Bình Nhưỡng có thể chỉ đơn thuần là một thông điệp đến Seoul và Bắc Kinh, thể hiện thái độ đối với việc ông Tập Cận Bình đã chọn đến Hàn Quốc chứ không phải Bắc Triều Tiên. Chẳng thế mà một ngày trước khi Chủ tịch Trung Quốc đến Seoul, hôm 2/7, miền Bắc đã lại tiếp tục phóng hai tên lửa tầm ngắn được cho là tên lửa thế hệ mới KN-09 cỡ nòng 300 mm ra vùng biển phía Đông bán đảo Hàn Quốc. Dư luận đang quan tâm đến những động thái của miền Bắc tùy theo kết quả chuyến công du tới Seoul của ông Tập Cận Bình. Bình Nhưỡng vừa có thể sẽ tích cực hơn trong việc cải thiện quan hệ hai miền, nhưng cũng có thể sẽ lại có những hành động khiêu khích mới.

Tin mới nhất