Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Báo cáo thường niên của Ủy ban trừng phạt Bắc Triều Tiên thuộc Liên hợp quốc

Tin nổi bật trong tuần2014-03-16
Báo cáo thường niên của Ủy ban trừng phạt Bắc Triều Tiên thuộc Liên hợp quốc

Vụ bắt giữ tàu Cheongcheongang của Bắc Triều Tiên chở vũ khí trái phép
Một nhóm tám chuyên gia đến từ nhiều nước, trong đó có Hàn Quốc, đã được thành lập và bắt đầu viết báo cáo thường niên từ năm 2010. Trong bản báo cáo lần này, các chuyên gia nhận định vụ tàu Cheongcheongang của Bắc Triều Tiên chở vũ khí trái phép bị bắt đã cho thấy nước này có rất nhiều thủ đoạn tinh vi được lên kế hoạch cẩn thận để né tránh cấm vận, che giấu hàng cấm. Tàu chở hàng của Bắc Triều Tiên có tên là Cheongcheongang bị phát hiện chở vũ khí trái phép và đã bị cơ quan chức năng tại Panama bắt khi tàu di chuyển qua khu vực này hồi năm 2013. Theo báo cáo, khi bị bắt, tàu có chở sáu rờ-móc tên lửa đất đối không, 25 công-tai-nơ chở các bộ phận đã được tháo rời của hai chiếc máy bay MIG-21, các phụ tùng tên lửa đất đối không và một số lượng đạn dược. Đây là vụ buôn lậu vũ khí lớn nhất của miền Bắc bị bắt giữ từ sau năm 2006. Kết quả điều tra cho biết chỉ có các thuyền viên cấp cao của tàu Cheongcheongang mới biết về số vũ khí được che giấu nói trên và các thủy thủ trên tàu đã sử dụng mật mã, ám hiệu để liên lạc. Bên cạnh đó, một kế hoạch cũng đã được chuẩn bị sẵn sàng để đề phòng trường hợp khai báo giả bị phát hiện. Ngoài ra, tất cả các công-tai-nơ đóng hàng cấm đều được đặt dưới cùng, bên trên là các bao tải đường, sàn tàu và trên đó lại là một lớp bao tải đường khác. Không chỉ thế, báo cáo này còn cho biết tàu Cheongcheongang đã tắt hệ thống định vị điện tử tự động để che giấu vị trí thực của con tàu. Trước những thủ đoạn tinh vi này, bản báo cáo đã khuyến cáo các nước thành viên Liên hợp quốc cần chú ý đặc biệt khi kiểm tra hàng hóa có liên quan đến Bắc Triều Tiên đi qua lãnh thổ nước mình.

Buôn bán vũ khí và phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt
Báo cáo thường niên lần này của Ủy ban trừng phạt Bắc Triều Tiên thuộc Liên hợp quốc cũng để ngỏ khả năng miền Bắc vẫn đang tiếp tục hợp tác vũ khí với Myanma, cũng như duy trì giao dịch quốc phòng với một số nước châu Phi như Eritrea, Tanzania, Ethiopia và Uganda. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng nhận định Bình Nhưỡng vẫn đang tiếp tục các chương trình phát triển hạt nhân, tên lửa đạn đạo và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác. Do đó, nhóm chuyên gia này kêu gọi các nước cần chú ý khi xuất khẩu sang Bắc Triều Tiên các phụ tùng hay thiết bị có thể được dùng để khởi động lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ. Ngoài ra, báo cáo này còn lên án chính quyền Bình Nhưỡng vẫn đang tích cực cải tiến, nâng cấp hàng loạt loại vũ khí từ thời Liên Xô những năm 1960-1970 như máy bay chiến đấu, tên lửa đất đối không, pháo đối không, tàu ngầm, súng bắn đạn trái phá. Một thông tin đặc biệt được nhóm chuyên gia xác nhận là chíp bán dẫn của Hàn Quốc được dùng trong tên lửa tầm xa Unha-3 mà miền Bắc bắn vào tháng 12 năm 2012. Cũng theo báo cáo này, 6 trên 14 mảnh vỡ của Unha-3 do Hải quân Hàn Quốc trục vớt có nguồn gốc sản xuất từ nước khác. Trong đó, bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên động đồng bộ (SD RAM) đã được xác định là do một doanh nghiệp của Hàn Quốc sản xuất trong khoảng từ năm 2003 đến 2010. Ngoài đó ra còn có máy ảnh dùng bộ cảm ứng nhiệt (sensor) là thiết bị tích điện kép (CCD), dây điện và tấm phim chống nhiễu điện từ được sản xuất tại Trung Quốc. Thêm vào đó còn có các phụ tùng được sản xuất tại Liên Xô, Anh và Thụy Sĩ, trong đó có thiết bị kết nối trong dùng cho tên lửa của Liên Xô cũ được tách ra từ tên lửa Scud. Theo đánh giá của nhóm chuyên gia của Ủy ban trừng phạt thuộc Liên hợp quốc, mặc dù Bắc Triều Tiên luôn nhấn mạnh khả năng tự chủ của mình nhưng việc phải nhập khẩu các loại hàng hóa này đã phần nào cho thấy khả năng sản xuất công nghiệp còn nhiều hạn chế của miền Bắc.

Tin mới nhất