Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Ba công dân Mỹ bị giam giữ tại Bắc Triều Tiên

Tin nổi bật trong tuần2014-06-15
Ba công dân Mỹ bị giam giữ tại Bắc Triều Tiên

Tháng 5 vừa qua, chính quyền Bắc Triều Tiên đã bắt giữ thêm một du khách mang quốc tịch Mỹ đến nước này, nâng số công dân Mỹ bị giam tại đây lên ba người. Vụ việc này khiến dư luận hướng sự quan tâm đến những phản ứng của Nhà Trắng. Hôm 6/6, Bộ Ngoại giao Mỹ đã xác nhận việc du khách Mỹ mới bị bắt tại miền Bắc và đưa ra lệnh cảnh báo du lịch đến nước này.

Chính quyền Bình Nhưỡng bắt giữ người Mỹ
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) hôm 6/6 đưa tin chính quyền miền Bắc đã bắt giữ ông Jeffrey Edward Fowle, một du khách người Mỹ. Theo KCNA, ông Fowle đã có hành vi vi phạm pháp luật của Bắc Triều Tiên, trái với mục đích nhập cảnh là tham quan du lịch và hiện đang bị cơ quan chức năng miền Bắc điều tra. Trong khi đó, hãng tin Kyodo của Nhật Bản lại trích dẫn một nguồn tin ngoại giao cho biết du khách Mỹ này đã bị bắt vì đã bỏ lại quyển kinh thánh tại khách sạn nơi ông ở. Ông Jeffrey Edward Fowle đã nhập cảnh vào Bắc Triều Tiên hôm 29/4 và bị bắt vào trung tuần tháng 5, ngay trước khi lên đường về nước.

Đã có ba người Mỹ bị bắt tại Bắc Triều Tiên
Như vậy, đến nay đã có ba người Mỹ bị chính quyền Bắc Triều Tiên bắt giam. Trước ông Fowle, một công dân Mỹ gốc Hàn mang tên Kenneth Bae bị bắt tháng 11 năm 2012 và bị khép tội có hành vi thù địch nhằm lật đổ Chính quyền miền Bắc. Ông này bị tuyên án 15 năm tù và lao động quản chế. Người thứ hai là ông Matthew Todd Miller bị bắt vào tháng 4 vừa qua và vẫn chưa rõ nguyên nhân bị bắt. Có ý kiến phỏng đoán rằng ông Miller bị bắt không liên quan đến việc truyền đạo mà vì ông này đã có hành vi bột phát chống đối chính quyền như vi phạm quy định chụp lại thẻ du lịch do Bắc Triều Tiên cấp. Chính phủ Mỹ đã và đang nỗ lực tiếp cận với những công dân của mình thông qua Đại sứ quán Thụy Điển tại Bình Nhưỡng, cơ quan đóng vai trò đại diện cho Mỹ, nhưng vẫn chưa đạt được tiến triển nào.

Những phân tích và dự đoán
Việc chính quyền Bình Nhưỡng bắt và giam giữ cùng lúc ba công dân Mỹ là trường hợp hiếm thấy. Nhất là trong bối cảnh nước này thúc đẩy thu hút du khách nước ngoài, thì những vụ việc như thế này có thể sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến ngành du lịch của miền Bắc. Rõ ràng Bình Nhưỡng đang sử dụng những người Mỹ này như “lá bài”, làm công cụ mặc cả về ngoại giao với Washington. Bằng cách này, Bình Nhưỡng đã nhiều lần khiến các quan chức cấp cao của Mỹ trong đó có cựu Tổng thống Bill Clinton đích thân đến nước này đàm phán để trả tự do cho những người bị bắt. Hiện tại, do các vấn đề về hạt nhân và nhân quyền, Bình Nhưỡng và Washington đang trong thế đối đầu căng thẳng. Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Barack Obama lại kiên quyết lập trường không nhượng bộ. Chính vì vậy, miền Bắc cần nắm trong tay một “quân cờ quan trọng” mới có thể gây áp lực đối với Nhà Trắng được. Tuy nhiên, có phân tích cho rằng vụ bắt bớ công dân Mỹ lần này có phần hơi khác. Ngoài ý nghĩa nhằm gây áp lực đối với chính quyền của Tổng thống Obama, Bình Nhưỡng còn muốn truyền tải một thông điệp cảnh cáo về vấn đề tôn giáo. Ví dụ như vụ bắt ông Jeffrey Edward Fowle, nhà cầm quyền miền Bắc cho biết ông này đã để lại một cuốn kinh thánh tại khách sạn. Điều này có thể được hiểu là trên thực tế, ông Fowle có thể đã có hành vi liên quan đến truyền đạo, vốn bị cấm tại Bắc Triều Tiên. Như vậy, chỉ bằng việc trấn áp mạnh mẽ trên vấn đề về tôn giáo, Bình Nhưỡng đã đạt được cùng lúc nhiều mục tiêu, vừa gửi đi một cảnh báo về vấn đề này vừa chấn chỉnh lại tình hình nội bộ, đồng thời có trong tay “lá bài” để “dằn mặt” Nhà Trắng bằng các hình phạt nặng dành cho người Mỹ bị bắt tại nước này.

Tin mới nhất