Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Khôi phục và củng cố hoạt động của Hội đồng an ninh quốc gia Hàn Quốc

Tin nổi bật trong tuần2013-12-22
Khôi phục và củng cố hoạt động của Hội đồng an ninh quốc gia Hàn Quốc

Chỉ thị của Tổng thống Park Geun-hye
Cố vấn báo chí và tuyên truyền của Phủ Tổng thống Lee Jeong-hyeon hôm 16/12 cho biết Tổng thống Park Geun-hye đã yêu cầu tìm kiếm phương án củng cố hoạt động của Hội đồng an ninh quốc gia (NSC), cụ thể là thành lập bộ máy thường trực cho hội đồng này để đối phó chủ động và có hiệu quả với những thay đổi liên tục của tình hình an ninh trên bán đảo Hàn Quốc và các nước láng giềng. Từ trước đến nay, chức năng của Hội đồng an ninh quốc gia là thực hiện các nhiệm vụ về hành chính và tổng hợp thông tin các cuộc họp tại Trung tâm quản lý rủi ro quốc gia (nay là Phòng quản lý rủi ro quốc gia). Tuy nhiên, Tổng thống Park Geun-hye nhận định cần củng cố lại hoạt động của Hội đồng này trong bối cảnh tình hình trên bán đảo Hàn Quốc đang biến đổi không ngừng, trong đó có vụ Bình Nhưỡng tử hình ông Jang Song-thaek, người từng được cho là nhân vật quyền lực thứ hai tại nước này và là chú của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Theo Cố vấn Lee Jeong-hyeon, các quan chức tham dự cuộc họp về vấn đề ngoại giao và an ninh tại Phủ Tổng thống hôm 16/12 đều đồng tình với Tổng thống về vấn đề này.

Hội đồng an ninh quốc gia Hàn Quốc
Được thành lập năm 1962, Hội đồng an ninh quốc gia Hàn Quốc là cơ quan tư vấn cho Tổng thống, bàn thảo các vấn đề bao gồm chính sách đối ngoại, quân sự và dân sinh liên quan đến an ninh quốc gia. Các chức năng này của Hội đồng được nêu rõ trong Hiến pháp. Chức chủ tịch Hội đồng này do đích thân Tổng thống đảm trách. Các ủy viên của Hội đồng gồm Thủ tướng, Bộ trưởng các Bộ Ngoại giao, Bộ Thống nhất, Bộ Quốc phòng và Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia. Tuy nhiên, hoạt động của Hội đồng an ninh quốc gia Hàn Quốc đã trải qua nhiều thay đổi tùy theo chính quyền từng thời kỳ. Dưới thời cố Tổng thống Kim Dae-jung, Hội đồng lần đầu tiên được cơ cấu thành ủy ban thường trực và phòng thư ký. Cùng với đó, vị thế của hội đồng cũng được nâng lên. Cơ cấu hội đồng như vậy cũng được duy trì dưới thời chính quyền của cố Tổng thống Roh Moo-hyun. Tuy nhiên, vào năm 2008, dưới thời Tổng thống Lee Myung-bak, ủy ban thường trực và phòng thư ký của Hội đồng an ninh quốc gia đã bị xóa bỏ, thay vào đó là cơ chế họp điều phối chính sách ngoại giao và an ninh định kỳ với thành phần tham gia là người đứng đầu các bộ ngành liên quan. Ngoài ra, chức năng đối phó rủi ro được chuyển giao cho Trung tâm quản lý rủi ro quốc gia, còn vai trò quản lý chung các vấn đề về ngoại giao và an ninh được Văn phòng cố vấn an ninh và ngoại giao tại Phủ tổng thống đảm nhận. Sau đó, Trung tâm quản lý rủi ro quốc gia cũng được chuyển thành Phòng quản lý rủi ro quốc gia hồi năm 2010. Nay, Chính phủ đương nhiệm đã chuyển nhiệm vụ quản lý các vấn đề an ninh và ngoại giao cho cơ quan mới là Văn phòng an ninh quốc gia thuộc Phủ tổng thống và Trung tâm quản lý rủi ro quốc gia trực thuộc Văn phòng an ninh quốc gia để thực hiện vai trò trợ lý cho Hội đồng an ninh quốc gia. Trải qua nhiều biến đổi dẫn đến tình trạng như hiện nay là do có nhiều vấn đề phát sinh trong hệ thống các văn phòng này. Trong nhiệm kỳ Tổng thống Roh Moo-hyun, nhiều ý kiến cho rằng hội đồng này có xu hướng sao nhãng các vấn đề ngoại giao và quốc phòng. Bên cạnh đó, trưởng phòng thư ký của hội đồng bị lên án đã lạm dụng chức quyền trong việc tư vấn các chính sách khi ấy. Tiếp sau đó, trong nhiệm kỳ Tổng thống Lee Myung-bak, các chức năng của hội đồng bị phân tán nên người ta nghi ngờ về tính hiệu quả của bộ máy này. Chính quyền đương nhiệm của Tổng thống Park Geun-hye đã đặt ra Văn phòng an ninh quốc gia để phục vụ mục tiêu trên nhưng cũng bị đánh giá là chưa đủ. Trên thực tế, trước tình hình liên tục thay đổi trên bán đảo Hàn Quốc sau các vụ việc như ông Jang Song-thaek bị hành quyết, cuộc họp điều phối chính sách ngoại giao và an ninh cấp Bộ trưởng trong nhiệm kỳ của bà Park Geun-hye mới chỉ được tổ chức bốn lần. Chính trong bối cảnh này, tính cấp thiết của việc phục hồi và củng cố hoạt động của Hội đồng an ninh quốc gia đã được đặt ra. Phủ Tổng thống dự kiến sẽ bàn bạc và trao đổi ý kiến sâu rộng hơn nữa để quyết định nhiệm vụ, phương hướng điều hành cũng như tổ chức của hội đồng này.

Tin mới nhất