Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Liên hợp quốc công bố báo cáo về tình hình nhân quyền ở Bắc Triều Tiên

Tin nổi bật trong tuần2014-02-23
Liên hợp quốc công bố báo cáo về tình hình nhân quyền ở Bắc Triều Tiên

Ủy ban điều tra tình hình nhân quyền tại Bắc Triều Tiên thuộc Liên hợp quốc (COI) khuyến cáo cộng đồng quốc tế phải đưa các tội ác về nhân quyền tại Bắc Triều Tiên lên Tòa án hình sự quốc tế (ICC), đồng thời kêu gọi áp đặt các chế tài trừng phạt những kẻ có tội.

Báo cáo của Liên hợp quốc
Hôm 17/2, trước sự hiện diện của nhiều quan chức như Chủ tịch Ủy ban điều tra tình hình nhân quyền tại Bắc Triều Tiên Michael Kirby và Phái viên Liên hợp quốc phụ trách vấn đề nhân quyền ở Bắc Triều Tiên Marzuki Darusman, COI đã công bố bản báo cáo tổng hợp về những tội ác chống lại nhân loại, đi ngược lại nhân quyền một cách nghiêm trọng được tiến hành có tổ chức và với quy mô lớn tại Bắc Triều Tiên theo những chính sách và quyết định của ban lãnh đạo nước này. Nội dung báo cáo liệt kê những tội ác xâm phạm nhân quyền của chính quyền Bình Nhưỡng với các đối tượng bao gồm tù nhân thường và tù nhân chính trị, những người chống lại thể chế, những tín đồ tôn giáo và những người đào tẩu nhưng bị bắt lại. Trong báo cáo còn có nội dung lên án những tội ác như bỏ đói người dân, bắt cóc người nước ngoài được chính quyền Bình Nhưỡng thực hiện một cách có tổ chức nhằm phục vụ các mục đích chính trị như duy trì thể chế hay bảo vệ cho tầng lớp lãnh đạo. Bên cạnh đó, COI còn liệt kê trong bản bảo cáo này nhiều hình thức xâm hại nhân quyền mà chính quyền Bình Nhưỡng đã làm như xâm hại tự do tư tưởng và tôn giáo, phân biệt đối xử, xâm hại đến tự do cư trú, bỏ đói người dân, tùy tiện bắt bớ, tra tấn, tử hình người dân.

"Trách nhiệm bảo hộ"
Theo COI, do chính quyền Bình Nhưỡng không thể bảo vệ được người dân của mình nên cộng đồng quốc tế phải gánh vác "trách nhiệm bảo hộ". Ủy ban này cũng khuyến cáo sẽ đưa tội ác về nhân quyền ở Bắc Triều Tiên lên Tòa án hình sự quốc tế để có những biện pháp trừng phạt thích đáng đối với kẻ có tội. COI nhấn mạnh phải truy cứu trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, Cục bảo vệ an ninh quốc gia Bắc Triều Tiên, đồng thời phải có những biện pháp trừng phạt về mặt hình sự đối với các cá nhân như người đứng đầu các cơ quan Nhà nước này, hướng đến một sự thay đổi căn bản nhằm cải thiện tình hình nhân quyền tại đây. COI còn đề xuất tăng cường hoạt động của các tổ chức về vấn đề nhân quyền của Bắc Triều Tiên trong Liên hợp quốc như thành lập cơ quan đảm trách các công tác tiếp theo căn cứ vào các nội dung trong báo cáo. Ngoài ra, COI yêu cầu Bắc Triều Tiên phải đóng cửa các trại giam tù chính trị, cải cách chế độ chính trị, bãi bỏ án tử hình và trừng phạt đích đáng những tội phạm chống lại nhân loại. COI cũng thúc giục Trung Quốc và các quốc gia lân cận với Bắc Triều Tiên phải tuân thủ nguyên tắc cấm cưỡng bức hồi hương, bảo vệ người tỵ nạn, bảo vệ các nạn nhân của nạn buôn bán người và thi hành các biện pháp ngăn chặn việc gián điệp của Bắc Triều Tiên bắt cóc người dân miền Bắc xin tỵ nạn ở nước khác. “Trách nhiệm bảo hộ” (R2P) của cộng đồng quốc tế là nguyên tắc của Liên hợp quốc về việc tổ chức này sẽ đứng ra chịu trách nhiệm trong trường hợp một quốc gia không thể bảo vệ được người dân của mình khỏi các tội ác chống lại nhân loại, các tội ác diệt chủng, thanh lọc sắc tộc. Nội dung này được đưa ra trong hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc vào năm 2005, được Hội đồng bảo an phê chuẩn một lần nữa vào năm 2006 và trở thành một quy tắc quốc tế. “Trách nhiệm bảo hộ” lần đầu tiên được thực hiện vào năm 2011 ở Li-bi để bảo vệ người dân nước này khỏi các vụ tàn sát thường dân của Chính phủ của Tổng thống Muammar Gaddafi.

Ý nghĩa và tương lai
Bản báo cáo do Ủy ban điều tra tình hình nhân quyền tại Bắc Triều Tiên thuộc Liên hợp quốc công bố lần này được xây dựng dựa trên tiến trình điều tra mang tính hệ thống và trên diện rộng trong suốt một năm kể từ sau khi Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc thông qua nghị quyết về nhân quyền tại Bắc Triều Tiên hồi tháng 3 năm 2013. Đây được coi là bản báo cáo đáng tin cậy nhất trong các báo cáo từ trước đến nay về tình hình nhân quyền tại Bắc Triều Tiên. Nổi bật nhất trong bản báo cáo này là nội dung khuyến cáo kiện nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un cùng nhiều quan chức cấp cao khác trong bộ máy lãnh đạo của Bình Nhưỡng lên Tòa án hình sự quốc tế. Về phần mình, đương nhiên Bình Nhưỡng kịch liệt phản đối những cáo buộc trong báo cáo này. Nhiều người tỏ ra nghi ngờ về hiệu quả thực tế của báo cáo này khi Trung Quốc bày tỏ lập trường phản đối việc đưa vấn đề này lên Tòa án hình sự quốc tế. Tuy nhiên, văn bản này đã trở thành một đòn giáng mạnh lên chính quyền Bắc Triều Tiên và là căn cứ để cộng đồng quốc tế có thể can thiệp trực tiếp và tích cực hơn vào vấn đề nhân quyền của nước này theo nguyên tắc của “trách nhiệm bảo hộ”.

Tin mới nhất