Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Hàn Quốc sẽ không gia nhập Hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ

Tin nổi bật trong tuần2013-10-20
Hàn Quốc sẽ không gia nhập Hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ

Loại bỏ khả năng nhập Hệ thống phòng thủ tên lửa
Trong buổi họp báo hôm 16/10, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Kim Kwan-jin cho biết, Hàn Quốc sẽ không gia nhập Hệ thống phòng thủ tên lửa (MD) của Mỹ. Theo Bộ trưởng Kim, Seoul cần có lý do xác đáng để gia nhập hệ thống phòng thủ trên nhưng chương trình này không phù hợp cả về sự cần thiết, tính hợp lý và chi phí quá lớn. Ông cũng đặt câu hỏi liệu người dân Hàn Quốc có chấp nhận tiêu tốn hàng nghìn tỷ won cho việc nhập hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ hay không. Bộ trưởng Kim Kwan-jin cho biết, “khả năng kết hợp” giữa Hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và Hệ thống phòng thủ và phòng không của Hàn Quốc có nghĩa rằng, Hàn Quốc nhận được thông tin cần thiết để phát hiện, xác định và theo dõi tên lửa của Bắc Triều Tiên từ “tài sản” của Mỹ. Trước đó, trong cuộc họp Hội nghị tư vấn an ninh Hàn-Mỹ (SCM) lần thứ 45 tại Seoul hồi đầu tháng 10 năm nay, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cho biết cần phải xem xét khả năng kết hợp giữa Hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không của Hàn Quốc và Hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Tuy nhiên, Bộ trưởng Kim giải thích nhận xét này không có nghĩa là Hàn Quốc sẽ gia nhập Hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Bộ trưởng Kim Kwan-jin nhấn mạnh, Hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ được thiết kế và triển khai để bảo vệ lãnh thổ nước Mỹ, trong khi đó, Hàn Quốc có Hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không để đối phó với các tên lửa từ Bắc Triều Tiên. Do đó, mục tiêu, phạm vi cũng như tính năng của hệ thống này khác với hệ thống của Mỹ. Ông Kim cho biết, Hàn Quốc không hề có ý định mua tên lửa đối không tầm cao SM-3 hay tổ hợp tên lửa đánh chặn tầm trung cao THAAD hay còn gọi là hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối. Thay vào đó, Bộ Quốc phòng đang có kế hoạch nâng cấp Hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo của quân đội đang sử dụng tên lửa Patriot 2 (PAC-2) lên PAC-3 và nghiên cứu phát triển tên lửa đất đối không tầm trung M-SAM và tầm dài L-SAM, dự kiến hoàn thành vào năm 2020 và 2022.

Bối cảnh
Việc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Kim Kwan-jin bất ngờ có buổi họp báo và bày tỏ lập trường của Chính phủ Hàn Quốc được cho là để bác bỏ quan điểm cho rằng, Hàn Quốc đang cân nhắc việc via nhập Hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ đổi lấy việc trì hoãn thời điểm chuyển giao quyền tác chiến thời chiến cho Seoul, dự định diễn ra vào năm 2015. Bên cạnh đó, cũng có một số phương tiện truyền thông đưa tin, quân đội Hàn Quốc đã quyết định mua tổ hợp tên lửa đánh chặn tầm trung cao THAAD thay cho tên lửa đánh chặn tầm cao SAM-3. Tên lửa đánh chặn tầm cao SM-3 được phóng từ tàu khu trục Aegis và tên lửa đánh chặn được phóng từ mặt đất GBI là hệ thống đánh chặn trong giai đoạn giữa ở độ cao 500 km và có khả năng đánh chặn tên lửa ngoài tầng khí quyển. Trong khi đó, tổ hợp tên lửa đánh chặn tầm trung cao THAAD lại là hệ thống đánh chặn trên và dưới tầng khí quyển trong giai đoạn cuối. Do đó, Seoul có thể xoa dịu những nghi ngờ về việc này có thể áp dụng Hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và thay vì đó, tăng cường cho Hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không của Hàn Quốc (KAMD). Cho dù tên lửa Patriot 2 (PAC-2) đang được sử dụng trong hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo của quân đội Hàn Quốc được nâng cấp lên PAC-3 thì độ cao đánh chặn cũng chỉ đạt dưới 30 km. Hơn nữa, nếu đánh chặn mục tiêu được tranh bị đầu đạn hạt nhân hoặc hóa chất thì thiết bị này cũng có thể chịu nhiều thiệt hại, nên Hàn Quốc cần phải có một hệ thống tối tân hơn. Tuy nhiên, Bộ trưởng Kim Kwan-jin đã bác bỏ tin tức trên. Ông cho biết, phía Mỹ chưa từng đưa ra yêu cầu nào liên quan đến Hệ thống phòng thủ tên lửa và Bộ trưởng Chuck Hagel cũng nhìn nhận hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và Hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không của Hàn Quốc là khác nhau.

Tin mới nhất