Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Bố trí lại vũ khí hạt nhân chiến thuật trên bán đảo Hàn Quốc

Tin nổi bật trong tuần2012-05-20
Bố trí lại vũ khí hạt nhân chiến thuật trên bán đảo Hàn Quốc

Liên quan đến một loạt hành động khiêu khích của Bắc Triều Tiên như phóng tên lửa tầm xa, động thái thử nghiệm hạt nhân, một số nghị sỹ Mỹ đã đưa quan điểm cần bố trí lại vũ khí hạt nhân chiến thuật trên bán đảo Hàn Quốc. Tuy nhiên, quân đội 2 nước lại tỏ rõ lập trường phủ định vì vấn đề này thiếu tính khả thi và tính hiện thực.

Tái bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật
Hôm 9/5, Ủy ban quân sự thuộc Hạ viện Mỹ đã thông qua “Dự thảo sửa đổi Đạo luật Chủ nhiệm quốc phòng cho năm tài chính 2013”. Dĩ nhiên là dự thảo này không quy định việc tái bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật trên bán đảo Hàn Quốc. Tuy nhiên, dự thảo này có 2 nội dung quan trọng liên quan. Thứ nhất là tái bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật và mở rộng chiến lược hiện diện của quân đội Mỹ tại khu vực Tây Thái Bình Dương. Thứ hai là yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao Mỹ gửi báo cáo về tính hiệu quả của phương án bố trí vũ khí hạt nhân trên bán đảo Hàn Quốc. Đây là biện pháp đối phó với việc Bắc Triều Tiên đe dọa các nước đồng minh của Mỹ bằng hành động khiêu chiến như phát triển tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân. Bên cạnh đó, việc tái bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật cũng được đề cập tại Hàn Quốc. Hôm 10/5, trong cuộc họp báo tại câu lạc bộ phóng viên thường trú ở Seoul, cựu Chủ tịch đảng Đại dân tộc (nay là đảng Thế giới mới) Chung Mong-joon cho rằng Hàn Quốc cần phải xem xét lại việc tái bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Vũ khí hạt nhân chiến thuật
Vũ khí hạt nhân chiến thuật là khái niệm đối lập với khái niệm vũ khí hạt nhân chiến lược. Vũ khí hạt nhân chiến lược là tấn công vào mục tiêu chiến lược tầm xa giống như tên lửa đạn đạo xuyên lục địa trong khi hạt nhân chiến thuật có thể sử dụng ở chiến trường thực tế với đầu đạn hạt nhân gắn trên vũ khí thông thường hay tên lửa tầm ngắn và tầm trung. Do đó nếu được bố trí tại Hàn Quốc thì đối với miền Bắc vũ khí hạt nhân chiến thuật sẽ trở thành mối đe dọa lớn hơn rất nhiều so với tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Mối đe dọa này không chỉ ảnh hưởng đến Bắc Triều Tiên mà còn ảnh hưởng cả đến Trung Quốc và Nga. Trước đây, Mỹ đã từng đặt vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Hàn Quốc nhưng Washington đã hủy bỏ việc bố trí này theo Tuyên bố giảm vũ khí hạt nhân của nước này vào năm 1991.

Khả năng hiện thực hóa và lập trường của quân đội Hàn Quốc
Hiện quân đội Hàn Quốc đang phản đối việc bố trí lại vũ khí hạt nhân chiến thuật trên bán đảo Hàn Quốc với lý do việc làm này thiếu tính hiện thực và tính khả thi. Trước tiên, nếu xét về mặt hiện thực thì hầu như là việc bố trí này sẽ không được Quốc hội Mỹ thông qua. Cho dù Hạ viện do đảng Cộng hòa Mỹ chiếm đa số ghế có thông qua thì vấn đề này khó có thể được phê chuẩn tại Thượng viện mà đảng Dân chủ nắm giữ đa số ghế. Trên thực tế trong lần biểu quyết dự thảo sửa đổi Đạo luật Ủy nhiệm Quốc phòng cho năm tài chính 2013 của Ủy ban quân sự thuộc Hạ viện, chỉ có 2 nghị sỹ đảng Dân chủ bỏ phiếu tán thành. Có ý kiến phân tích cho rằng đối với việc bố trí lại vũ khí chiến thuật, Hàn Quốc sẽ mất nhiều hơn được. Một quan chức quân đội cho rằng nếu vũ khí hạt nhân chiến thuật được điều động lại tại Hàn Quốc, sẽ khiến cho cuộc cạnh tranh không cần thiết về phát triển hạt nhân giữa hai miền Triều Tiên gia tăng và miền Nam sẽ không có cơ sở để yêu cầu miền Bắc từ bỏ hạt nhân. Bên cạnh đó, đây còn có thể sẽ là mối nguy hiếp đối với Trung Quốc và Nga, làm cho cuộc cạnh tranh quân sự có thể lan ra toàn khu vực Đông Á. Cũng có phân tích cho rằng cả Mỹ và Hàn Quốc đều bác bỏ việc bố trí lại vũ khí hạt nhân chiến thuật, nhưng nếu đảng Cộng hòa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay thì câu chuyện có thể sẽ khác. Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp này thì nhiều chuyên gia cho rằng việc nới lỏng hạn chế tầm xa tên lửa của Hàn Quốc cũng như tăng cường toàn lực để có thể tấn công đến mọi khu vực của Bắc Triều Tiên sẽ mang tính hiện thực hơn là tái bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật. Hiện tại, theo Hiệp ước tên lửa song phương Hàn-Mỹ, Hàn Quốc chỉ được phép phát triển, sở hữu tên lửa có trọng lượng đầu đạn là 500 kg và tầm bắn là 300 km.

Tin mới nhất