Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Kế hoạch phóng vệ tinh Kwangmyongsong 3 của Bắc Triều Tiên

Tin nổi bật trong tuần2012-03-25
Kế hoạch phóng vệ tinh Kwangmyongsong 3 của Bắc Triều Tiên

Bất chấp những cảnh báo của cộng đồng quốc tế, Bắc Triều Tiên vẫn tuyên bố sẽ phóng vệ tinh Kwangmyongsong 3. Chính phủ Hàn Quốc cho đây là hành động khiêu khích và gửi tới Bình Nhưỡng những lời cảnh cáo mạnh mẽ. Hôm 16/3, người phát gnoon của Ủy ban công nghệ không gian vũ trụ Bắc Triều Tiên thông báo, nước này sẽ phóng vệ tinh Kwangmyongsong 3 trong khoảng thời gian từ ngày 12 đến 16 tháng 4.

Kwangmyongsong 3
Bắc Triều Tiên cho biết, tên lửa tầm xa có tên Unha 3 mang theo vệ tinh Kwangmyongsong 3, vệ tinh quan trắc trái đất bay theo quỹ đạo cận cực sẽ được phóng tại bệ phóng ở huyện Cheolsan, tỉnh Bắc Pyeongan hướng về phía Nam khu vực biển Tây. Bắc Triều Tiên đã báo cáo kế hoạch phóng tên lửa chi tiết lên các tổ chức quốc tế. Theo thông tin báo cáo lên Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và Tổ chức hàng hải quốc tế (IMO) hôm 16/3, tầng 1 của tên lửa sẽ rơi xuống cách phía Tây bán đảo Byeonsan của Hàn Quốc 140 km và tầng 2 sẽ rơi cách phía Đông Philippines 190 km. Tính đến nay, tên lửa tầm xa của Bình Nhưỡng thường được phóng ở căn cứ phóng tên lửa tại xã Musudan, huyện Hwadae, tỉnh Bắc Hamgyeong. Tuy nhiên, tên lửa lần này sẽ được phóng từ bệ phóng tại huyện Cheolsan, tỉnh Bắc Pyeongan hướng về phía Nam. Ngày 31 tháng 8 năm 1998, Bắc Triều Tiên đã từng phóng vệ tinh Kwangmyeongseong 1 và tên lửa có gắn vệ tinh này được gọi là Daepodong 1. Tiếp đó vào ngày 4 tháng 7 năm 2006 và ngày 5 tháng 4 năm 2009, miền Bắc lại tiếp tục phóng tên lửa Daepodong 2 và vệ tinh Kwangmyongsong 2 nhưng việc phóng tên lửa Daepodong 2 đã bị thất bại.

Cộng đồng quốc tế coi đây là hành động khiêu khích
Bắc Triều Tiên khẳng định phóng vệ tinh dân sự song cộng đồng quốc tế lại coi đây là cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Nhiều nước đã lên tiếng cho rằng đây là một hành động vi phạm Nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc là cấm tất cả các hành động sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo, và yêu cầu miền Bắc hủy bỏ việc phóng vệ tinh lần này. Bên cạnh đó, nếu kế hoạch này của Bắc Triều Tiên được thực hiện thì cam kết tạm ngừng các cuộc thử nghiệm hạt nhân và phóng tên lửa từng được Mỹ và miền Bắc thỏa thuận tại cuộc đối thoại cấp cao lần 3 tổ chức ở Bắc Kinh vào 23/2 và 24/2 đã bị phá vỡ. Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak cho rằng, việc phóng tên lửa của Bình Nhưỡng là một hành động khiêu khích nghiêm trọng. Hôm 19/3, trong cuộc họp khẩn cấp các Bộ trưởng ngoại giao và an ninh, Tổng thống Lee nói, Bình Nhưỡng đang sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo để phát triển các phương tiện vũ khí hạt nhân tầm xa. Đây là một tín hiệu cho thấy Hàn Quốc sẽ cùng hợp tác với cộng đồng quốc tế nhằm ngăn chặn việc phóng tên lửa của Bắc Triều Tiên. Chính phủ Hàn Quốc cho rằng, việc phóng tên lửa gắn vệ tinh Kwangmyongsong 3 của miền Bắc rõ ràng là hành động vi phạm Nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Nghị quyết 1874 của Hợp đồng bảo an Liên hợp quốc cấm tất cả mọi hành động sử dụng công nghệ đạn đạo đối với Bắc Triều Tiên vì thế cho dù Bình Nhưỡng lập luận là tên lửa dùng để vận chuyển vệ tinh và việc phóng lần này chỉ là phóng vệ tinh quan trắc thì miền Bắc vẫn vi phạm Nghị quyết này. Chính vì vậy, dù có đưa ra bất kỳ lý giải nào đi nữa, việc phóng tên lửa tầm xa của Bình Nhưỡng cũng là hành động vi phạm luật pháp quốc tế.

Phản ứng của cộng đồng quốc tế
Cộng đồng quốc tế đã bắt đầu thiết lập chế tài đối với Bắc Triều Tiên. Mỹ thông báo chính thức về khả năng trì hoãn viện trợ lương thực trong khi Liên minh châu Âu (EU) cũng đang chuẩn bị các chế tài khác. Triển vọng nối lại đàm phán 6 bên cũng trở nên mù mịt. Vấn đề quan trọng nhất trong các chế tài đối với Bình Nhưỡng là sự hợp tác mang tính quốc tế. Trung Quốc và Nga, những quốc gia luôn đứng về phía Bắc Triều Tiên và không ủng hộ các cuộc cấm vận kinh tế cũng đã bày tỏ ý kiến phản đối việc phóng tên lửa tầm xa lần này. Vì thế, các biện pháp cấm vận sắp tới được dự kiến sẽ rất mạnh mẽ.

Ý đồ của Bắc Triều Tiên
Có phân tích cho rằng, việc Bắc Triều Tiên kiên quyết phóng tên lửa bất chấp những lời chỉ trích của cộng đồng quốc tế là “lá bài” mang cả mục đích đối nội và đối ngoại. Trước tiên, về mặt đối nội, ý đồ của Bình Nhưỡng là tuyên bố với người dân trong nước rằng Bắc Triều Tiên đang tiến tới một quốc gia hùng mạnh và cương thịnh nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành và tăng cường sự gắn kết của thể chế kế nhiệm Kim Jong-un. Về đối ngoại, ngoài khẳng định khả năng chương trình hạt nhân, Bình Nhưỡng sử dụng lá bài tên lửa với chiến lược tạo áp lực khiến Mỹ phải tích cực hơn nữa cho việc đàm phán song phương. Một số ý kiến lại cho rằng, miền Bắc muốn tạo nên sự mâu thuẫn và chia rẽ trong xã hội Hàn Quốc trước thềm Tổng tuyển cử 11/4 và cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 12 tới.

Tin mới nhất