Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Bắc Triều Tiên rút nhân lực khỏi Văn phòng liên lạc liên Triều

Tin nổi bật trong tuần2019-03-30

ⓒYONHAP News

Ba ngày sau khi rút toàn bộ nhân lực khỏi Văn phòng liên lạc liên Triều, phía trong khu công nghiệp liên Triều Gaesung, tới ngày 25/3, Bắc Triều Tiên đã bất ngờ đưa một số nhân viên quay trở lại làm việc. Đến nay, miền Bắc vẫn chưa đưa ra giải thích cụ thể về những động thái vừa rồi, chỉ nói rằng đây là “chỉ thị từ cấp trên”.

 

Bắc Triêu Tiên rút toàn bộ nhân lực

Lúc 9 giờ 15 phút sáng 22/3, trong cuộc tiếp xúc giữa đại diện liên lạc hai miền Nam-Bắc, Bình Nhưỡng thông báo về việc rút toàn bộ nhân viên khỏi Văn phòng liên lạc liên Triều, tuyên bố không quan tâm tới việc nhân viên miền Nam có tiếp tục làm việc tại Văn phòng này hay không và các vấn đề cụ thể sẽ được thông báo sau. Sau đó, nhân viên miền Bắc chỉ mang theo một vài hồ sơ, để lại toàn bộ trang thiết bị, rời khỏi Văn phòng liên lạc. Trong thời gian qua, trung bình có khoảng 15 đến 20 nhân viên miền Bắc thường trú và làm việc tại Văn phòng liên lạc. Tại thời điểm ngày 22/3, phía miền Nam có tổng cộng 69 người đang lưu trú tại Gaesung, trong đó có 23 nhân viên và nhân lực phụ trách trang bị, hạ tầng.

Chính phủ Hàn Quốc bày tỏ lấy làm tiếc về quyết định đột ngột của miền Bắc, hối thúc nước này nhanh chóng đưa nhân viên quay trở lại làm việc, để Văn phòng liên lạc sớm hoạt động bình thường đúng như nội dung nhất trí liên Triều. Và mặc dù Bắc Triều Tiên đã rút toàn bộ nhân viên, nhưng Chính phủ Hàn Quốc vẫn cử người tới làm việc bình thường tại Văn phòng. Bộ Thống nhất giải thích điều này nhằm hối thúc Bắc Triều Tiên đưa nhân viên quay trở lại làm việc bất cứ lúc nào.

 

Nhân viên miền Bắc quay trở lại

Một số nhân viên của miền Bắc đã quay lại làm việc tại Văn phòng liên lạc liên Triều vào ngày 25/3. Một quan chức Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết lúc 8 giờ 10 phút sáng cùng ngày, một số nhân viên miền Bắc đã quay trở lại làm việc, chỉ giải thích rằng họ đến đổi ca làm việc như bình thường. Theo đó, đại diện liên lạc hai bên đã họp hơn 10 phút vào lúc 9 giờ 30 phút sáng cùng ngày như thường lệ. Tại cuộc họp, miền Bắc khẳng định vẫn giữ lập trường không đổi về việc duy trì hoạt động của Văn phòng liên lạc, theo đúng tinh thần Tuyên bố chung liên Triều.

Văn phòng liên lạc liên Triều ở Gaesung là một kênh thảo luận thường xuyên đầu tiên giữa hai miền Nam-Bắc, được thành lập dựa theo nội dung nhất trí trong Tuyên bố Bàn Môn Điếm mà lãnh đạo hai miền thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh ngày 27/4 năm ngoái. Giám đốc Văn phòng này phía Hàn Quốc là Thứ trưởng Bộ Thống nhất Chun Hae-sung, phía Bắc Triều Tiên là Phó Chủ tịch Ủy ban Hòa bình thống nhất Tổ quốc Jon Jong-su. Giám đốc hai bên mặc dù không thường trú tại Văn phòng, nhưng họp định kỳ một tuần một lần, hoặc trong các trường hợp cần thiết. Vì Giám đốc Văn phòng là quan chức cấp Thứ trưởng, nên hai miền có thể trao đổi một cách bao quát về toàn bộ các vấn đề tại Văn phòng liên lạc theo sự ủy quyền từ lãnh đạo tối cao hai nước.

 

Bối cảnh và triển vọng

Có hai luồng ý kiến phân tích về động thái vừa rồi của miền Bắc. Một số ý kiến cho rằng việc Bắc Triều Tiên đột ngột rút nhân lực khỏi Văn phòng liên lạc liên Triều có thể là do đã có một sự hỗn loạn nào đó xảy ra trong quá trình nước này thiết lập đoàn kết, củng cố nội bộ sau khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai tại Hà Nội kết thúc mà không đạt được thỏa thuận. Luồng ý kiến thứ hai cho rằng động thái trên có liên quan tới tình hình Mỹ-Triều. Trước đó, Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố siết chặt cấm vận với Bắc Triều Tiên, nhưng chỉ một ngày sau, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết đã ra lệnh rút lại các biện pháp cấm vận bổ sung với Bình Nhưỡng. Sau tuyên bố này của ông Trump, Bắc Triều Tiên đã cử một số nhân sự quay trở lại làm việc bình thường tại Văn phòng liên lạc. Mặc dù vẫn chưa rõ bối cảnh thực sự dẫn tới động thái vừa qua của miền Bắc, nhưng vụ việc đã cho thấy tình hình bán đảo Hàn Quốc hiện nay hoàn toàn có thể rơi vào bất ổn bất cứ lúc nào. Đồng thời, vụ việc cũng cho thấy cả ba nước Hàn Quốc, Mỹ và Bắc Triều Tiên đều không mong muốn cục diện hiện nay bị đổ vỡ.

Tin mới nhất