Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Mỹ và Nhật Bản bất đồng về vấn đề Bắc Triều Tiên

Tin nổi bật trong tuần2019-06-01

ⓒYONHAP News

Mỹ và Nhật Bản đang cho thấy sự bất đồng quan điểm về vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên, khiến triển vọng đối thoại hạt nhân Mỹ-Triều càng trở nên mờ mịt. Đặc biệt, ngay trong nội bộ nước Mỹ, cụ thể là giữa Tổng thống Donald Trump và nhiều quan chức chủ chốt trong Chính phủ Mỹ như quyền Bộ trưởng Quốc phòng, Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng, cũng đang mâu thuẫn ý kiến sâu sắc về vấn đề này.


Bất đồng ý kiến

Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan ngày 29/5 vừa qua quy kết vụ phóng tên lửa tầm ngắn của Bắc Triều Tiên hồi đầu tháng 5 đã vi phạm nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Trước đó, vào ngày 25/5, Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Bolton cũng cáo buộc vũ khí miền Bắc đã phóng là “tên lửa đạn đạo”, vi phạm nghị quyết cấm vận của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump, khi đang trong chuyến công du Nhật Bản, đã viết trên trang Twitter cá nhân rằng Bắc Triều Tiên chỉ “phóng vài vũ khí nhỏ”. Không chỉ nội bộ nước Mỹ, lập trường giữa Washington và Tokyo cũng đang có sự mâu thuẫn. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe một mặt khẳng định hai nước Mỹ-Nhật có chung lập trường, nhưng mặt khác lại bày tỏ lấy làm tiếc vì vụ thử vũ khí của miền Bắc đã vi phạm nghị quyết của Hội đồng bảo an. Về điều này, truyền thông Mỹ phân tích Tổng thống Trump đã phản bác ý kiến của Thủ tướng Abe và “bao che” cho Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ miền Bắc Kim Jong-un. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ toàn bộ các chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt mà Bắc Triều Tiên đang sở hữu là vi phạm cấm vận của Liên hợp quốc, nhưng đồng thời lại tái khẳng định rằng Washington vẫn đang tập trung vào các nỗ lực ngoại giao.


Phân tích

Truyền thông Mỹ phân tích rằng Tổng thống Donald Trump đang bị cô lập, và quan hệ giữa người đứng đầu Nhà Trắng với quyền Bộ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan đang có sự bất hòa, trong khi Ngoại trưởng Mike Pompeo lại “căng thẳng” với Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Bolton. Nói một cách ngắn gọn, bộ máy quan chức cấp cao trong Chính phủ Mỹ đang bị rạn nứt trong vấn đề hạt nhân miền Bắc. Một số ý kiến chỉ trích rằng tình trạng này cho thấy Chính phủ Tổng thống Donald Trump không giữ chính sách nhất quán với miền Bắc. Tuy nhiên, những ý kiến khác lại nhận định đây là một chiến lược nhằm tái đắc cử của ông Donald Trump, cho rằng Tổng thống Mỹ đang tự cô lập bản thân với các nước đồng minh và đội ngũ cố vấn. Rất có thể ông Trump sẽ lại lập luận rằng ông đã cứu nước Mỹ khỏi cuộc chiến tranh hạt nhân với Bắc Triều Tiên trong cuộc bầu cử Tổng thống nhiệm kỳ tới, qua đó phô trương về những thành quả ngoại giao của mình.


Ảnh hưởng và dự đoán

Dù thế nào đi chăng nữa thì sự rạn nứt nói trên trong nội bộ nước Mỹ cũng như giữa Mỹ và Nhật Bản không hề mang lại lợi ích cho cục diện đối thoại hạt nhân Bắc Triều Tiên, cần phải được khắc phục thật nhanh chóng. Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định Washington vẫn sẽ tiếp tục cấm vận với Bắc Triều Tiên, và vai trò của Bộ Quốc phòng là chuẩn bị sẵn sàng, đối phó với kịch bản nỗ lực ngoại giao thất bại. Ông Shanahan cho rằng việc thực thi cấm vận và công tác chuẩn bị này đang được diễn ra một cách nhất quán, không hề có sự bất đồng. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng khẳng định vẫn đang tiếp tục đối thoại, trao đổi với Bình Nhưỡng, tập trung vào các nỗ lực ngoại giao. Tuy nhiên, rõ ràng là nội bộ giới chức Mỹ vẫn đang lộ rõ sự bất đồng, rạn nứt và bởi thế một số ý kiến cho rằng vai trò của Hàn Quốc ngày càng trở nên quan trọng hơn.

Tin mới nhất