Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Lễ khởi công kết nối đường sắt, đường bộ liên Triều

Tin nổi bật trong tuần2018-12-30

ⓒKBS News

Lúc 10 giờ sáng 26/12, Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên đã tổ chức lễ khởi công kết nối và hiện đại hóa tuyến đường sắt, đường bộ Gyeongui và dọc biển Đông, tại ga Panmun, thành phố Gaesung, miền Bắc, với sự tham dự của đoàn đại biểu hai miền, mỗi bên gồm hơn 100 người.

 

Lễ khởi công

Lễ khởi công bắt đầu bằng bài phát biểu chúc mừng của Bộ trưởng Địa chính và giao thông Hàn Quốc Kim Hyun-mee và Thứ trưởng Bộ Đường sắt Bắc Triều Tiên Kim Yun-hyok. Tiếp đó, hai miền Nam-Bắc tiến hành các trình tự là ký kết biên bản, treo biển báo đường bộ, chụp ảnh lưu niệm. Tham dự lễ khởi công có quan chức cấp Bộ trưởng phụ trách giao thông và quan hệ liên Triều cùng chính giới hai nước. Danh sách tham dự còn có đại diện các nước liên quan tới sáng kiến "Cộng đồng đường sắt Đông Á" của Chính phủ Hàn Quốc như Trung Quốc, Nga, Mông Cổ và một số tổ chức quốc tế có liên quan tới phát triển khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

 

Dự án kết nối, hiện đại hóa đường sắt, đường bộ Nam-Bắc

Dự án kết nối và hiện đại hóa đường sắt, đường bộ là một dự án hợp tác kinh tế liên Triều tiêu biểu, được lãnh đạo hai miền Nam-Bắc nhất trí trong Tuyên bố Bàn Môn Điếm ngày 27/4. Đối tượng của dự án này là tuyến đường sắt và đường bộ Gyeongui, chạy từ thủ đô Seoul, qua thành phố Gaesung, thủ đô Bình Nhưỡng tới thành phố Sinuiju của miền Bắc, và tuyến đường sắt và đường bộ dọc biển Đông, chạy dọc bán đảo Hàn Quốc men theo bờ biển phía Đông. Nếu hai tuyến đường sắt này được kết nối với tuyến đường sắt của Nga và Trung Quốc, thì coi như mạng lưới đường sắt chạy lục địa Á-Âu được hoàn thành.

Tuyến đường sắt Gyeongui thực tế đã được kết nối từ năm 2004. Tàu hỏa chở hàng của Hàn Quốc từng chạy theo tuyến đường sắt này tới khu công nghiệp liên Triều Gaesung. Tuy nhiên, hiện tại đoạn đường sắt phía miền Bắc đã xuống cấp, cần phải nâng cấp toàn bộ. Tuyến đường sắt Gyeongui lần đầu hoạt động vào năm 1906, tổng quãng đường từ Seoul tới thành phố Sinuiju là 518,5 km. Trong khi đó, dưới thời thực dân Nhật đô hộ bán đảo Hàn Quốc, tuyến đường sắt dọc biển Đông từng được lên kế hoạch để trở thành tuyến đường sắt ven biển chính đi từ Busan, miền Nam Hàn Quốc, tới thành phố Wonsan, miền Bắc. Tuy nhiên, do Nhật Bản bại trận trong Thế chiến II và phải rút khỏi bán đảo Hàn Quốc, việc xây dựng tuyến đường sắt này đã bị đình lại. Phần đường sắt được xây dựng khi đó cũng đã bị đứt đoạn do cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) và sự chia cắt hai miền bán đảo Hàn Quốc. Đối với tuyến đường sắt dọc biển Đông, ngoài việc kết nối liên Triều, phía miền Nam cần phải hoàn công hai đoạn đang được xây dựng là đoạn từ huyện Yeongdeok (tỉnh Bắc Gyeongsang) tới thành phố Samcheok (tỉnh Gangwon) và đoạn từ thành phố Gangneung tới ga Jejin (cùng thuộc tỉnh Gangwon). Trước đó, vào năm 2007, hai miền Nam-Bắc từng vận hành thí điểm tàu hỏa ở đoạn đường sắt từ ga Jejin tới ga núi Geumgang dài 25,5 km.

 

Ý nghĩa và hiệu quả kỳ vọng

Sau một thời gian bị trì hoãn vì vướng cơ chế cấm vận của Liên hợp quốc trong giai đoạn khảo sát chung, lễ khởi công kết nối đường sắt, đường bộ liên Triều cuối cùng đã diễn ra thành công nhờ Mỹ ủng hộ dự án này và Liên hợp quốc quyết định miễn cấm vận. Mặc dù lễ khởi công đã được diễn ra, nhưng hai miền sẽ chưa thể bắt tay ngay vào thi công xây dựng. Chỉ khi nào Bắc Triều Tiên thực thi thêm các bước đi phi hạt nhân hóa để cộng đồng quốc tế nới lỏng cấm vận với nước này, thì khi đó Hàn Quốc mới có thể chuyển vật tư, trang thiết bị cần thiết sang miền Bắc. Mặc dù vậy, lễ khởi công vẫn là một cột mốc mới trong quan hệ liên Triều, mang ý nghĩa biểu tượng rất lớn. Nếu hai miền triển khai kết nối đường sắt, đường bộ trên thực tế, dự án này sẽ mang lại nhiều lợi ích lớn về mặt kinh tế, giải tỏa căng thẳng khu vực Đông Bắc Á.

Tin mới nhất