Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên thảo luận về việc tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên

Tin nổi bật trong tuần2018-04-22
Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên thảo luận về việc tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên

Thảo luận chấm dứt chiến tranh Triều Tiên
Trong hội nghị thượng đỉnh với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào hôm 17/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên đang thảo luận về việc chấm dứt cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) và ông thực sự cầu chúc cho điều này. Sau đó, Chánh Văn phòng an ninh quốc gia Phủ Tổng thống Chung Eui-yong trong cuộc gặp với Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Bolton vào hôm 18/4 tại Mỹ đã thảo luận về phương án thiết lập thể chế hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc và giải tỏa lo ngại của Bắc Triều Tiên khi giải trừ hạt nhân. Một quan chức cấp cao Phủ Tổng thống Hàn Quốc cho biết Chính phủ đang xem xét tính khả thi của phương án chuyển từ thể chế Hiệp định đình chiến sang thể chế hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc. Những thông tin trên cho thấy Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên và Mỹ đang thiết lập một “bức tranh lớn” để đi từ đối thoại phi hạt nhân hóa đến thảo luận và tuyên bố chấm dứt chiến tranh, cùng thiết lập một thể chế hòa bình.

Lịch sử các lần thảo luận
Ngày 27 tháng 7 năm 1953, Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc do Mỹ đứng đầu, Trung Quốc và Bắc Triều Tiên với sự vắng mặt của Chính phủ Hàn Quốc, đã ký kết Hiệp định đình chiến để chấm dứt chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).

Vấn đề thiết lập thể chế hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc đã được đưa ra thảo luận cách đây hơn 20 năm trước. Vào những năm 1990, trong bối cảnh nguy cơ hạt nhân Bắc Triều Tiên lần thứ nhất, chính quyền miền Bắc từng đưa ra phương án thiết lập hòa bình với các trình tự là xóa bỏ Hiệp định đình chiến, ký kết Hiệp định hòa bình, Mỹ rút quân đồn trú khỏi Hàn Quốc, xây dựng thể chế hòa bình vĩnh cửu. Điều này được thảo luận lần đầu trong Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ vào năm 1996. Sau đó, từ năm 1997 tới 1999, vấn đề trên đã tiếp tục được bàn thảo trong sáu cuộc hội đàm bốn bên Hàn-Triều-Mỹ-Trung. Tuy nhiên, do miền Bắc đưa ra các yêu cầu vô lý là ký kết Hiệp định hòa bình Mỹ-Triều, loại Hàn Quốc ra khỏi hiệp định này, và Mỹ rút quân đồn trú khỏi Hàn Quốc. Do vậy, tiến trình thảo luận đã không đạt được thành quả nào. Sau đó, việc thảo luận thể chế hòa bình tiếp tục được đề cập trong Tuyên bố chung ngày 19/9/2005 tại vòng đàm phán sáu bên. Tuyên bố nói rằng các nước có liên quan trực tiếp sẽ tiến hành đàm phán về thể chế hòa bình vĩnh cửu trên bán đảo Hàn Quốc tại một diễn đàn riêng thích hợp. Nội dung này đã thiết lập căn cứ để tiến hành thảo luận đa phương về thể chế hòa bình song song với lộ trình phi hạt nhân hóa miền Bắc. Tại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều 2007, hai miền nhất trí xúc tiến tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên trong hội nghị thượng đỉnh ba bên hoặc bốn bên, mở ra một cục diện mới cho việc thảo luận về thể chế hòa bình. Tuy nhiên, nội dung này đã không được thực hiện cho tới nay.

Ý nghĩa và triển vọng
Một trong bốn chiến lược trong chính sách bán đảo Hàn Quốc của Tổng thống Moon Jae-in là tìm kiếm sự bền vững thông qua thiết lập chế độ. Tổng thống quyết tâm ký kết Hiệp định hòa bình bán đảo Hàn Quốc, ổn định một cơ chế hòa bình vững chắc, qua đó để ngỏ rằng ông sẽ đề xuất ký kết Hiệp định chấm dứt chiến tranh nếu Hội nghị thượng đỉnh liên Triều diễn ra. Các chuyên gia cho rằng việc tuyên bố chấm dứt chiến tranh, ổn định thể chế hòa bình là một điều cần thiết, nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân miền Bắc. Bắc Triều Tiên hiện đang đặt ra điều kiện là đảm bảo an toàn cho thể chế nước này để đổi lấy việc phi hạt nhân hóa. Rốt cuộc, điều nước này mong muốn chính là ổn định thể chế hòa bình. Cuộc chiến tranh Triều Tiên vẫn chưa thực sự chấm dứt về mặt pháp lý, hiện vẫn đang dừng lại ở tình trạng “đình chiến”. Vì vậy, việc tuyên bố chấm dứt chiến tranh sẽ là điểm khởi đầu cho việc thiết lập thể chế hòa bình. Xét tới tình hình hiện nay thì nhiều khả năng các bên sẽ chuyển sang cơ chế đàm phán sáu bên nối tiếp Hội nghị thượng đỉnh liên Triều, Mỹ-Triều.

Tin mới nhất