Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Giới doanh nghiệp kỳ vọng về thành quả hội đàm Mỹ-Triều

Tin nổi bật trong tuần2018-06-17
Giới doanh nghiệp kỳ vọng về thành quả hội đàm Mỹ-Triều

Các tổ chức kinh tế của Hàn Quốc hôm 12/6 đồng loạt bày tỏ hoan nghênh thành quả của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều diễn ra cùng ngày, kỳ vọng sự kiện trên sẽ là một tín hiệu lạc quan đối với kinh tế Hàn Quốc. Đặc biệt, các doanh nghiệp hoạt động tại khu công nghiệp liên Triều Gaesung hy vọng khu công nghiệp này sẽ sớm hoạt động trở lại trong tương lai gần.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều và tác động tới kinh tế
Trong thỏa thuận đạt được giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong-un không hề đề cập tới vấn đề hợp tác kinh tế. Tuy nhiên, các biện pháp cấm vận kinh tế với Bình Nhưỡng dự kiến sẽ dần được dỡ bỏ, hợp tác kinh tế song phương cũng sẽ được thúc đẩy một cách tự nhiên trong quá trình hai bên thực hiện nội dung cam kết là phi hạt nhân hóa và đảm bảo thể chế miền Bắc. Trong thỏa thuận lần này, hai bên chỉ đề ra nguyên tắc là phi hạt nhân hóa mà không đưa ra các hạng mục cụ thể. Theo đó, phương pháp phi hạt nhân hóa dự kiến sẽ được đàm phán ở cấp chuyên viên Mỹ-Triều. Có nghĩa là giờ đây, Washington và Bình Nhưỡng mới chính thức bước vào thảo luận về các biện pháp phi hạt nhân hóa của miền Bắc và sự bù đắp của Mỹ. Có ý kiến cho rằng Mỹ sẽ có sự bù đắp tương xứng với mỗi biện pháp phi hạt nhân hóa theo giai đoạn của miền Bắc.

Kỳ vọng của giới doanh nghiệp
Các tổ chức kinh tế như Phòng Thương mại và công nghiệp Hàn Quốc (KORCHAM), Liên đoàn giới chủ Hàn Quốc (KEF), Liên đoàn công nghiệp Hàn Quốc (FKI), Hiệp hội thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA) đã đồng loạt bày tỏ hoan nghênh và kỳ vọng vào kết quả hội đàm Mỹ-Triều.

Phòng Thương mại và công nghiệp Hàn Quốc cho biết giới doanh nghiệp sẽ nỗ lực tìm kiếm vai trò của mình trong việc cải thiện quan hệ liên Triều, hợp tác với Chính phủ, dốc toàn lực chuẩn bị cho một thời đại hợp tác kinh tế mới giữa hai miền Nam-Bắc. Trong khi đó, Liên đoàn giới chủ Hàn Quốc đánh giá Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều vừa rồi đã thiết lập được nền móng để ổn định hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Hàn Quốc, thúc đẩy giao lưu kinh tế liên Triều, Mỹ-Triều và giữa các quốc gia khu vực Đông Bắc Á, thổi sức sống mới cho toàn bộ nền kinh tế các nước thuộc Vành đai Thái Bình Dương. Ngoài ra, liên đoàn này nhận định hội đàm Mỹ-Triều sẽ làm giảm rủi ro địa chính trị trên bán đảo Hàn Quốc, tăng xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp trong nước, cải thiện tâm lý tiêu dùng, đầu tư nội địa, kéo đà tăng trưởng của kinh tế Hàn Quốc đi lên.

Về phần mình, Liên đoàn công nghiệp Hàn Quốc kỳ vọng một thời đại mới của hòa bình, thịnh vượng và cùng chung sống sắp được mở ra trên bán đảo Hàn Quốc. Liên đoàn này cam kết sẽ làm tròn vai trò của mình để các bước đi tiếp theo của Chính phủ được tiến hành thuận lợi. Trong khi đó, Hiệp hội thương mại quốc tế Hàn Quốc hy vọng thương mại liên Triều sẽ tăng trưởng cùng với thương mại của Bắc Triều Tiên, đưa bán đảo Hàn Quốc trở thành trung tâm thương mại của thế giới.

Các doanh nghiệp trong nước cũng đồng loạt bày tỏ kỳ vọng căng thẳng trên bán đảo Hàn Quốc sẽ được giảm nhẹ, kinh tế được thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Trong tình hình kinh tế Hàn Quốc đang bị thu hẹp như hiện nay, hội đàm Mỹ-Triều là một sự kiện giúp ích lớn cho nền kinh tế, được kỳ vọng sẽ góp phần làm gia tăng đầu tư nước ngoài trực tiếp vào Hàn Quốc.

Ý nghĩa và triển vọng
Các doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động tại khu công nghiệp liên Triều Gaesung kỳ vọng khu công nghiệp này sẽ có thể mở cửa trở lại sau hơn hai năm bị đóng cửa. Vào tháng 2 năm 2016, Chính phủ cựu Tổng thống Park Geun-hye đã quyết định đóng cửa khu công nghiệp trên để đáp trả việc Bắc Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân và phóng tên lửa đạn đạo. Việc miền Bắc phi hạt nhân hóa sẽ thúc đẩy hợp tác kinh tế liên Triều, mở rộng cánh cửa đầu tư vào thị trường Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng các dự án liên quan tới miền Bắc có nhiều nguy cơ biến động nên các doanh nghiệp cần thận trọng theo dõi tình hình. Mặc dù Chính phủ sẽ thúc đẩy kinh tế liên Triều nhưng xét về trình độ ngành công nghiệp miền Bắc, sẽ khó để các doanh nghiệp trong nước cùng tăng trưởng với doanh nghiệp Bắc Triều Tiên, nên giới doanh nghiệp không nên kỳ vọng quá nhiều.

Tin mới nhất