Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Chương trình đoàn tụ các gia đình bị ly tán liên Triều

Tin nổi bật trong tuần2018-08-26

ⓒYONHAP News

Đợt một của chương trình đoàn tụ các gia đình bị ly tán lần thứ XXI đã diễn ra từ hôm 20/8 đến hôm 22/8, tổng cộng ba ngày hai đêm, tại núi Geumgang, Bắc Triều Tiên. Trong đợt này, các gia đình bị ly tán của phía miền Nam đã được gặp lại người thân của mình ở phía miền Bắc. Đợt hai tiếp tục diễn ra từ ngày 24/8 tới ngày 26/8, trong đó 83 thành viên gia đình bị ly tán miền Bắc được đoàn tụ với người thân phía miền Nam.

 

Đoàn tụ các gia đình bị ly tán

197 người, trong đó có 89 người bị ly tán và gia đình đi cùng, đã được đoàn tụ với người thân ở Bắc Triều Tiên tại núi Geumgang. Họ đã tập trung tại thành phố Sokcho, tỉnh Gangwon trước, rồi sau đó lên đường tới miền Bắc vào sáng hôm 20/8. Sau bữa trưa, cuộc gặp mặt đầu tiên mà họ từng mong ước hàng thập kỷ qua đã được diễn ra theo hình thức đoàn tụ tập thể tại khách sạn núi Geumgang, vào lúc 3 giờ chiều cùng ngày. Sau đó, các gia đình bị ly tán liên Triều cùng tham dự bữa tiệc tối do phía miền Bắc chuẩn bị.

 

Trong ngày thứ hai, 21/8, các gia đình bị ly tán liên Triều đã có buổi đoàn tụ riêng theo từng gia đình tại nơi nghỉ là khách sạn Oegeumgang trong vòng hai tiếng, sau đó cùng dùng bữa trưa với nhau trong vòng một tiếng, bữa trưa là cơm hộp được chuyển đến từng phòng khách sạn. Vào lúc 3 giờ chiều, họ gặp lại nhau trong cuộc đoàn tụ tập thể kéo dài hai tiếng. Trong ngày đoàn tụ cuối cùng 22/8, các gia đình hai bên đã có buổi chia tay trong ba tiếng, cùng dùng bữa trưa với nhau. Sau đó, các gia đình bị ly tán phía miền Nam lên xe ô tô rời khỏi núi Geumgang về nước, kết thúc đợt đoàn tụ thứ nhất.

 

Ý nghĩa

Chương trình đoàn tụ lần này được diễn ra theo nội dung nhất trí trong Tuyên bố Bàn Môn Điếm 27/4. Trong đó, hai bên nhất trí tổ chức chương trình đoàn tụ các gia đình bị ly tán nhân dịp Quốc khánh 15/8. Chương trình lần này được diễn ra sau hai năm mười tháng bị gián đoạn, kể từ lần cuối cùng vào tháng 10 năm 2015. Do đó, sự kiện này mang ý nghĩa nhân đạo rất lớn. Mặc dù số người được tham gia chương trình đoàn tụ so với tổng số các gia đình bị ly tán là rất nhỏ, nhưng chỉ riêng việc họ được đoàn tụ với người thân sau bao năm xa cách đã là một điều vô cùng may mắn. Ngoài ra, sự kiện này cũng có ý nghĩa lớn xét về khía cạnh quan hệ liên Triều, cho thấy hai bên đang thực hiện từng hạng mục nhất trí trong Tuyên bố Bàn Môn Điếm. Qua sự kiện này, hai miền Nam-Bắc thêm tin tưởng lẫn nhau, tiếp tục mở rộng đường cho quan hệ liên Triều.

 

Tính cấp thiết của vấn đề các gia đình bị ly tán

Mặc dù vậy, chương trình đoàn tụ vẫn để lại sự tiếc nuối khi mà việc giải quyết vấn đề các gia đình bị ly tán đang ngày một cấp thiết hơn. Nếu chọn mốc là năm 1953, năm ký kết Hiệp định đình chiến làm tiêu chuẩn thì các gia đình bị ly tán liên Triều đã bị chia cắt 65 năm, độ tuổi của họ ngày một lớn, số người qua đời khi còn chưa gặp lại người thân ngày một tăng. Theo Hội chữ thập đỏ Hàn Quốc, tính tới cuối tháng 5 năm nay, số người đăng ký gia đình bị ly tán đạt 132.124 người, nhưng 75.234 người đã qua đời, chỉ còn 56.890 người còn sống, trong đó có hơn 85% là người trên 70 tuổi. Trong trường hợp mỗi năm chỉ có khoảng 200 người của cả hai miền Nam-Bắc được đoàn tụ với gia đình như hiện nay thì sẽ không thể tạo cơ hội đoàn tụ dù chỉ một lần cho tất cả các gia đình bị chia cắt. Chương trình đoàn tụ các gia đình bị ly tán đã tiến hành được hơn 20 đợt, vậy nhưng số gia đình miền Nam được đoàn tụ với người thân miền Bắc mới chỉ dừng ở mức 2.000 người. Nhiều ý kiến cho rằng cần phải lập ra một trung tâm gặp mặt thường xuyên các gia đình bị ly tán, cho phép họ trao đổi thư từ, video. Trước khi đoàn tụ, tất nhiên hai bên cần phải xác nhận tình trạng còn sống hay đã mất của các gia đình bị ly tán.

 

Việc đoàn tụ các gia đình bị ly tán là một vấn đề nhân đạo, phải được tổ chức riêng rẽ, không liên quan tới chính trị. Vậy nhưng chương trình này lại thường xuyên bị gián đoạn do tình hình quan hệ liên Triều. Do vậy, nhiều ý kiến chỉ ra rằng cả hai miền Nam-Bắc cần có thái độ tích cực hơn để giải quyết vấn đề này trong thời gian tới.

Tin mới nhất