Theo dòng thời sự

Dự án thí điểm Rajin-Khasan về hậu cần năm 2014

2018-12-06

© KBS

Ngày 30/11 vừa qua, Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên bắt đầu khảo sát chung một số đoạn đường sắt ở miền Bắc nhằm thực hiện hiện đại hóa và tiến tới tái kết nối các tuyến đường sắt xuyên biên giới. Được tổ chức lần đầu tiên sau 11 năm kể từ tháng 12/2007, công tác khảo sát chung bao gồm việc cho chạy thử tàu trên khoảng 2.600km đường sắt của Bắc Triều Tiên cho tới ngày 17/12. Nếu trở thành hiện thực, việc kết nối đường sắt liên Triều sẽ mở đường cho sự thiết lập một trung tâm hậu cần của khu vực, bởi những chuyến tàu xuất phát từ Hàn Quốc sẽ có thể đi sang Trung Quốc và Nga thông qua Bắc Triều Tiên, từ đó vươn tới lục địa Á-Âu. Trên thực tế, năm 2014, hai miền Nam-Bắc đã lần đầu tiên nỗ lực tái kết nối huyết mạch vận tải trên bán đảo bị chia cắt, nhằm mở rộng tham vọng kinh tế ra lục địa Á-Âu.


Cam kết về một tương lai mới cho bán đảo Hàn Quốc, khu vực Đông Bắc Á và lục địa Á-Âu

Dự án Rajin-Khasan là ý tưởng hậu cần nhằm kết nối đoạn đường sắt dài 54km giữa thành phố cảng Rajin của Bắc Triều Tiên và thị trấn vùng biên Khasan ở phần viễn Đông nước Nga. Một khi được kết nối, các nguồn lực khoáng sản của Nga có thể được vận chuyển bằng tàu hỏa tới Rajin, nơi hàng hóa có thể được chở bằng tàu thủy tới các cảng của Hàn Quốc. Thêm vào đó, một mạng lưới vận tải rộng lớn trải từ Busan, thành phố ở phần Đông Nam Hàn Quốc, tới tận châu Âu thông qua Rajin và Nga, sẽ cấu thành một hệ thống hậu cần mới nối bán đảo Hàn Quốc với lục địa Á-Âu. Dự án trên đã hình dung một tương lai mới cho bán đảo Hàn Quốc, khu vực Đông Bắc Á và lục địa Á-Âu.


Năm 2008, Hàn Quốc bắt đầu quan tâm tới dự án Rajin-Khasan, vốn đã được nhất trí trước đó giữa Nga và Bắc Triều Tiên. Vào thời điểm đó, liên minh gồm Tập đoàn sản xuất thép POSCO, Tổng công ty đường sắt Hàn Quốc (KORAIL) và Công ty vận tải biển Hyundai, đã nỗ lực mua lại 49% cổ phần của Rason ConTrans, liên doanh Nga-Triều về đường sắt và cảng biển. Nhưng sau khi Seoul quyết định cấm vận kinh tế Bình Nhưỡng nhằm đáp trả việc miền Bắc bắn chìm tuần dương hạm Cheonan của Hàn Quốc năm 2010, hầu hết các dự án hợp tác kinh tế liên Triều đã bị đình lại.


Sự tham gia của Hàn Quốc vào dự án từ năm 2013

Tại Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Nga ngày 13/11/2013, hai bên nhất trí về việc Hàn Quốc tham gia vào dự án Rajin-Khasan. Trên thực tế, dự án hậu cần ba bên trên đã được thiết kế để có lợi cho tất cả các quốc gia liên quan. Đối với các công ty Hàn Quốc, dự án trên có thể giúp cắt giảm chi phí hậu cần từ 10 tới 15%. Bắc Triều Tiên có thể thu phí vận chuyển và tạo ra nhiều việc làm, trong khi Nga có thể xuất khẩu các nguồn tài nguyên của nước này một cách ổn định hơn. Trên hết, việc vận chuyển hàng hóa thông qua Bắc Triều Tiên có thể dẫn tới việc nước này mở cửa và hợp tác kinh tế với miền Nam và cuối cùng góp phần cải thiện quan hệ liên Triều.


Tháng 11/2014, các công ty Hàn Quốc đã tiến hành hoạt động thí điểm đầu tiên của dự án. 40.500 tấn than đá của Si-bê-ri đã được vận chuyển từ Khasan tới Rajin trên đoạn đường sắt dài 54km và sau đó tới cảng Pohang của Hàn Quốc. Đây đánh dấu lần đầu tiên kể từ khi đất nước bị chia cắt, than đá của Nga được chở bằng tàu tới Hàn Quốc thông qua Bắc Triều Tiên. Số than đá trên đã được sử dụng làm nguyên liệu thô để sản xuất than cốc tại nhà máy POSCO ở thành phố Gwangyang, tỉnh Nam Jeolla.


Bị dừng lại do cấm vận Bắc Triều Tiên và khả năng tái kết nối trong năm nay

Các doanh nghiệp Hàn Quốc đã rất hài lòng với kết quả của ba lần chạy thử dự án và bắt đầu xem xét phương án đàm phán một hợp đồng chính thức. Tuy nhiên, tháng 3/2016, hai tuần sau khi Hội đồng bảo an Liên hợp quốc thông qua nghị quyết áp đặt trừng phạt kinh tế mạnh mẽ với Bắc Triều Tiên, Chính quyền Seoul đã có các biện pháp riêng để đối phó với miền Bắc, khiến dự án Rajin-Khasan gần như đã bị dừng lại. Nhưng tiến triển nhanh chóng của quan hệ liên Triều trong năm nay đang làm dấy lên hy vọng rằng dự án trên rất có thể sẽ được nối lại.


Theo sau công tác khảo sát liên Triều các đoạn đường sắt ở miền Bắc bắt đầu từ ngày 30/11, kỳ vọng đang được đặt ra về việc nối lại dự án Rajin-Khasan. Không còn nghi ngờ gì, dự án trên đã cho thấy triển vọng rõ ràng về khả năng bán đảo Hàn Quốc phát triển thành một trung tâm hậu cần của khu vực Đông Bắc Á.

Tin mới nhất