Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tin tức

Khởi động cơ chế thảo luận cấp cao với Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc

Tin tức2019-09-17
Khởi động cơ chế thảo luận cấp cao với Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc

Một số nguồn tin Chính phủ ngày 17/9 cho biết một ngày trước, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc và Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc đã khởi động cơ chế thảo luận cấp cao, do Trưởng phòng Chính sách Bộ Quốc phòng và Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc đứng đầu. Tham gia cơ chế còn có một số quan chức cấp chuyên viên của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc và Bộ Tư lệnh quân đội Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc.

Việc hai bên khởi động cơ chế thảo luận cấp cao được phân tích là nhằm trao đổi về những bất đồng ý kiến và điểm nghi vấn xoay quanh những động thái gần đây của Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc, như việc mở rộng bộ máy tham mưu, nhằm tăng cường vai trò trên bán đảo Hàn Quốc.

Đặc biệt, nghị sự thảo luận chính là phạm vi quyền hạn của Tư lệnh Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc sau khi quyền tác chiến thời chiến được chuyển giao cho quân đội Hàn Quốc.

Gần đây, Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc đã bổ nhiệm một nhân sự người Canada vào chức Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc. Vị trí này thường do quan chức cấp Tướng thuộc Bộ Tư lệnh quân đội Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc kiệm nhiệm. Ngoài ra, Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc còn bổ nhiệm một Thiếu tướng quân đội Mỹ công tác tại căn cứ H. M. Smith (thành phố Honolulu, Hawaii) vào vị trí Tham mưu trưởng, thay vì chọn người trực thuộc Bộ Tư lệnh quân đội Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc.

Được biết, Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc còn đang lên kế hoạch bổ nhiệm quan chức cấp tướng của các quốc gia thành viên vào bộ máy tham mưu, để đưa tổ chức này đóng vai trò là một tổ chức quân sự đa quốc gia, tách hẳn với Bộ Tư lệnh quân đội Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc.

Trong quá trình này, Mỹ còn hy vọng kết nạp Nhật Bản trở thành thành viên Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc, tức vào danh sách các quốc gia có thể hỗ trợ binh lực, trang thiết bị chiến đấu đến bán đảo Hàn Quốc trong tình huống nguy cấp.

Ngoài ra, Washington đang cho rằng dù sau khi chuyển giao quyền tác chiến thời chiến cho Seoul, Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc vẫn phải giữ "quyền ra mệnh lệnh" cho Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc trong thời chiến. Được biết, Hàn Quốc và Mỹ đã bất đồng ý kiến về vấn đề này trong thời gian tập trận chung hồi tháng 8.

Một số ý kiến chỉ ra rằng yêu cầu này của Mỹ có thể xâm phạm quyền hạn của Tư lệnh Bộ Tư lệnh liên quân tương lai (do Đại tướng quân đội Hàn Quốc đứng đầu) sau khi hoàn tất chuyển giao quyền tác chiến thời chiến.

Hiện tại, chức Tư lệnh của Bộ Tư lệnh Liên quân Hàn-Mỹ, Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc và Bộ Tư lệnh quân đội Mỹ đồn trú Hàn Quốc, đều do Đại tướng quân đội Mỹ đảm trách.

Trước thông tin trên, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Choi Hyun-soo trong buổi họp báo thường kỳ ngày 17/9 cho biết Bộ Quốc phòng đang thảo luận chặt chẽ với Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc từ cấp chuyên viên cho tới cấp cao, về các vấn đề, nhưng chưa lập ra một cơ chế thảo luận riêng.
  
Phát ngôn viên Choi cũng xác nhận, Trưởng phòng Chính sách Quốc phòng mới đây đã trao đổi ý kiến với Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc về một số vấn đề, do có sự thay đổi về chức Phó Tư lệnh. Tuy nhiên, điều này không mang tính chất là hai bên đã khởi động cơ chế thảo luận.

[Photo : YONHAP News]

Tin mới nhất