Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tin tức

Ông Joe Biden: "Sẽ không gây sức ép với Hàn Quốc về việc rút quân đồn trú nếu đắc cử Tổng thống Mỹ"

Tin tức2020-10-30
Ông Joe Biden: "Sẽ không gây sức ép với Hàn Quốc về việc rút quân đồn trú nếu đắc cử Tổng thống Mỹ"

Trong một bài viết gửi hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) ngày 29/10 (giờ địa phương) mang tựa đề "Hy vọng về một quan hệ đồng minh Hàn-Mỹ tốt đẹp hơn", ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng đối lập Dân chủ Joe Biden tuyên bố sẽ không lấy việc rút quân đồn trú khỏi Hàn Quốc để "đe dọa, tống tiền" Hàn Quốc như cách Tổng thống Donald Trump đã làm. 

Ông Biden còn nhấn mạnh về tầm quan trọng của mối quan hệ đồng minh Hàn-Mỹ được "gắn kết bằng xương máu", khẳng định sẽ tiếp tục nỗ lực để phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên bằng ngoại giao nếu ông trở thành lãnh đạo Nhà Trắng.

Đây là lần đầu tiên ứng cử viên Biden, hiện đang dẫn trước Tổng thống Donald Trump trong nhiều cuộc thăm dò ý kiến cử tri, gửi một bài viết tới truyền thông Hàn Quốc, trình bày về suy nghĩ của bản thân, sáng kiến chính sách liên quan tới Bắc Triều Tiên.

Ứng cử viên đảng Dân chủ nhấn mạnh lời nói của một vị Tổng thống là hết sức quan trọng. Nếu trở thành Tổng thống Mỹ, thay vì đe dọa rút quân đồn trú, "tống tiền" Hàn Quốc, ông sẽ đẩy mạnh quan hệ đồng minh với Seoul, đồng hành cùng Hàn Quốc nhằm gìn giữ hòa bình khu vực Đông Á và thế giới.

Lập trường này của ông Biden hoàn toàn trái ngược với Tổng thống đương nhiệm Donald Trump, người luôn gia tăng sức ép yêu cầu Hàn Quốc phải nâng mạnh khoản đóng góp chi phí quân sự, thậm chí còn nhiều lần đe dọa sẽ rút quân đồn trú khỏi Hàn Quốc. 

Nếu ông Biden đắc cử, dự kiến quá trình đàm phán chia sẻ chi phí quân sự Hàn-Mỹ sẽ được khơi thông. Hiện tại, Chính phủ Trump đang yêu cầu Hàn Quốc nâng 50% khoản đóng góp chi phí quân sự, mặc dù giảm so với mức yêu cầu vô lý là tăng gấp 5 lần mà Washington đưa ra ban đầu, nhưng vẫn chênh lệch lớn so với đề xuất tăng 13% của Hàn Quốc.

Ứng cử viên Biden nói thêm nguyên tắc của ông là can thiệp bằng ngoại giao, tiếp tục nỗ lực vì một bán đảo Hàn Quốc phi hạt nhân hóa, thống nhất hai miền Nam-Bắc.

Mặc dù không đưa ra giải pháp phi hạt nhân hóa cụ thể, nhưng việc ông Biden nhắc tới nguyên tắc ngoại giao cho thấy ông sẽ không lựa chọn cách tiếp cận chính sách Bắc Triều Tiên như Tổng thống Donald Trump.

Ứng củ viên Biden chỉ trích hai cuộc gặp giữa Tổng thống Trump với Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ miền Bắc Kim Jong-un chỉ mang tính chất "hợp pháp hóa" Bắc Triều Tiên. Ông này đề ra phương thức "Bottom-Up" tức đàm phán với miền Bắc từ cấp chuyên viên tới cấp thượng đỉnh, trái ngược với phương thức "Top-Down", từ cấp cao nhất trước của Chính quyền Trump.

Tuy nhiên, trong buổi tranh luận với Tổng thống Trump trên truyền hình ngày 22/10 vừa qua, ông Biden từng phát biểu rằng có thể gặp ông Kim Jong-un nếu miền Bắc đồng ý cắt giảm năng lực hạt nhân. Thậm chí ông này còn không loại trừ khả năng tổ chức hội đàm thượng đỉnh Mỹ-Triều, nếu có thể đảm bảo được thành quả thực chất.

Ông Biden cũng cho biết sẽ tiếp tục nỗ lực nhằm giúp những người Mỹ gốc Hàn bị ly tán với gia đình đang ở miền Bắc có cơ hội đoàn tụ, cho thấy quan điểm mở của ông về việc viện trợ nhân đạo, giao lưu với Bình Nhưỡng.

[Photo : YONHAP News]

Tin mới nhất