Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tin tức

Quan hệ liên Triều không có bước đột phá sau ba năm Tuyên bố Bàn Môn Điếm 27/4

Tin tức2021-04-27

Ngày 27/4 năm nay là tròn ba năm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lịch sử giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm.

Ba năm đã trôi qua song tình hình bán đảo Hàn Quốc, nơi đặt bước tiến mạnh mẽ hướng tới phi hạt nhân hóa và ổn định hòa bình, vẫn đang trong tình trạng bất ổn bởi các vấn đề như dịch COVID-19, Mỹ chưa công bố chính sách Bắc Triều Tiên và thời gian cầm quyền của chính quyền Hàn Quốc đương nhiệm không còn nhiều.

2018 được đánh giá là năm bán đảo Hàn Quốc có nhiều thay đổi bất ngờ và đầy hy vọng, khi ba nhà lãnh đạo Hàn-Mỹ-Triều bắt đầu tiếp xúc theo phương thức ngoại giao “Top-Down", tức cách tiếp cận giải quyết vấn đề từ cấp thượng đỉnh trước rồi mới đến cấp chuyên viên. Trong đó, phải kể đến bước tiến đầu tiên là Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ nhất vào ngày 27/4/2018.

Trong Tuyên bố Bàn Môn Điếm, hai lãnh đạo liên Triều nhất trí hai miền Nam-Bắc tích cực nỗ lực vì sự ủng hộ và hợp tác của cộng đồng quốc tế đối với tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Hàn Quốc. Đây đã trở thành tiền đề cho thảo luận phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên.

Tiếp đó, hai bên đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ hai vào ngày 26/5/2018, sau đó là Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Singapore ngày 12/6/2018. Chính quyền Tổng thống Moon Jae-in đã đóng vai trò là trung gian hòa giải và thúc đẩy tích cực, tạo nên vòng tuần hoàn khi mối quan hệ liên Triều phát triển giúp quan hệ Mỹ-Triều cải thiện.

Ngoài ra, lời hứa đến thăm Bình Nhưỡng tại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần đầu tiên đã đánh dấu chuyến thăm miền Bắc từ ngày 18-20/9 cùng năm của Tổng thống Moon, viết nên lịch sử kỷ lục về việc tổ chức ba Hội nghị thượng đỉnh liên Triều trong một năm.

Tuy nhiên, sau khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai hồi tháng 2 năm 2019 tại Hà Nội kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào, tình hình bán đảo Hàn Quốc rơi vào bế tắc và bắt đầu xuống dốc.

Trong một năm qua, quan hệ liên Triều đã xuất hiện rạn rứt với việc phải đón nhận nhiều tin xấu hơn lành. Một trong những thành quả của Tuyên bố chung Bàn Môn Điếm 27/4 là Văn phòng liên lạc liên Triều đã bị Bình Nhưỡng cho phá hủy vào tháng 6 năm ngoái. Hay như vụ Chủ tịch Kim gửi thông điệp xin lỗi tới miền Nam liên quan đến vụ một công chức Hàn Quốc bị quân đội Bắc Triều Tiên bắn chết trên biển Tây vào ngày 22/9/2020 và việc lãnh đạo hai miền trao đổi thư riêng được tiết lộ vào cuối tháng 9 năm ngoái.

Bắc Triều Tiên dường như không hoàn toàn dập tắt ngọn lửa quan hệ liên Triều khi Chủ tịch Kim dùng cụm từ “đồng bào miền Nam yêu quý” trong bài phát biểu tại lễ duyệt binh kỷ niệm 75 năm thành lập đảng Lao động 10/10/2020. Tuy nhiên, ông Kim cũng không có động thái thúc đẩy mối quan hệ.

Trước khi chính quyền tân Tổng thống Mỹ Joe Biden chính thức công bố chính sách Bắc Triều Tiên mới, Bình Nhưỡng vẫn trong trạng thái quan sát động tĩnh của Washington và Seoul, đồng thời nhấn mạnh mối quan hệ hữu nghị với Trung Quốc, Nga và can dự vào xung đột Mỹ-Trung.

Trong bối cảnh này, Chính phủ Hàn Quốc đang đề ra mục tiêu “khôi phục quan hệ liên Triều trong nửa đầu năm và lộ trình hòa bình nửa cuối năm”, song lịch trình này có khó thể thực hiện được.

Đến nay, Chính phủ đã đề xuất nhiều sáng kiến hợp tác liên Triều như “cơ chế hợp tác phòng dịch và sức khỏe Đông Bắc Á” nhưng miền Bắc vẫn chưa có phản hồi. Gần đây nhất, kế hoạch tận dụng Thế vận hội mùa hè Tokyo để đảo ngược tình hình bán đảo Hàn Quốc của Seoul cũng bị phá sản do Bình Nhưỡng từ chối tham gia với lý do bảo vệ sức khỏe các vận động viên khỏi cuộc khủng hoảng COVID-19.

Hơn thế, Chính phủ Seoul đương nhiệm sắp kết thúc nhiệm kỳ do đó sẽ không có đủ thời gian để thúc đẩy quan hệ liên Triều.

Miền Bắc từng tuyên bố sẽ có “động thái đáp trả tương ứng”, nên chính sách Bắc Triều Tiên sắp được công bố của Mỹ được cho là sẽ quyết định hướng đi của bán đảo Hàn Quốc trong tương lai. Một số quan sát cho rằng Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ vào cuối tháng 5 tới có thể là động lực cuối cùng để xoay chuyển tình hình trên bán đảo Hàn Quốc.

[Photo : YONHAP News]

Tin mới nhất