Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tin tức

"Người dân Bắc Triều Tiên có thể tự cung tự cấp lương thực ở mức tối thiểu"

Tin tức2021-05-18

Các chuyên gia về quan hệ liên Triều phân tích người dân Bắc Triều Tiên có năng lực tự cung tự cấp lương thực ở mức tối thiểu, tình hình lương thực của miền Bắc không tới nỗi nghiêm trọng như đánh giá của quốc tế. 

Phân tích này được các chuyên gia đưa ra tại hội thảo "Đánh giá như thế nào về sự thay đổi của Bắc Triều Tiên" do Hội đồng tư vấn thống nhất hòa bình dân chủ (NUAC) tổ chức vào ngày 17/5 tại Seoul.

Nhà nghiên cứu cấp cao Kim Seok-jin thuộc Viện nghiên cứu thống nhất cho rằng rất ít khả năng xảy ra nạn đói quy mô lớn như giữa những năm 1990 tại Bắc Triều Tiên. Nếu chỉ dựa trên số liệu ước tính về sản xuất lương thực của miền Bắc do Tổ chức lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) hay của Cục Phát triển nông thôn Hàn Quốc (RDA), có vẻ như Bắc Triều Tiên đang thiếu lương thực trầm trọng. Nhưng những thống kê này có hạn chế là chỉ tập trung vào các loại ngũ cốc, không bao quát hết tình hình sản xuất lương thực tại miền Bắc trên thực tế.

Nhà nghiên cứu này chỉ ra rằng tại Bắc Triều Tiên, nông nghiệp cá nhân đang phát triển, nông trại hợp tác xã cũng được tự do hóa ở mức tương đối, sản lượng ngũ cốc và nông thủy sản đã tăng lên nhiều, người dân miền Bắc có khả năng tự cung tự cấp lương thực ở mức tối thiểu.

Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng tại miền Bắc, các khu chợ đang phát triển, hiệu suất lưu thông, phân phối lương thực, thực phẩm đã tăng đáng kể.

Chủ tịch Diễn đàn trao đổi hàng hóa liên Triều Kim Young-yoon cho rằng Bắc Triều Tiên dù bị giảm sản lượng lương thực nhưng cũng không đến nỗi nghiêm trọng như nạn đói những năm 1990. Khi đó, người dân miền Bắc quen với việc được phân phát lương thực, nên nếu Nhà nước dừng phân phát thì họ sẽ gặp khó khăn. Tuy nhiên, giờ đây cuộc sống của người dân nước này đã được kết nối với các khu chợ. Chợ đang đóng vai trò là nơi giúp người dân miền Bắc tự trang trải cuộc sống, cơm ăn áo mặc.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng đánh giá rằng nền kinh tế miền Bắc dưới thời Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un là "thập niên mất mát phiên bản miền Bắc". Trong 5 năm đầu cầm quyền của ông Kim, nền kinh tế miền Bắc Triều Tiên có đạt được tiến triển, nhưng lại trở nên tồi tệ hơn trong 5 năm tiếp theo. 

Đặc biệt, kể từ sau khi quốc tế siết chặt cấm vận với miền Bắc vào năm 2017, thêm vào đó là ảnh hưởng từ dịch COVID-19 trong hai năm 2020-2021, kinh tế Bắc Triều Tiên đang có chiều hướng tăng trưởng âm. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của miền Bắc tính đến tháng 5/2021 được cho là có thể còn xấu hơn thời kỳ mới nắm quyền của Chủ tịch Kim Jong-un.

[Photo : Getty Images Bank]

Tin mới nhất