Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tin tức

Mỹ và Nhật Bản ra tuyên bố chung tái khẳng định mục tiêu phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên

Tin tức2022-01-21
Mỹ và Nhật Bản ra tuyên bố chung tái khẳng định mục tiêu phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên

Mỹ và Nhật Bản ngày 20/1 (giờ địa phương) đã ra tuyên bố chung, tái khẳng định quyết tâm xúc tiến phi hạt nhân hóa bán đảo Hàn Quốc một cách toàn diện, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược (CVID). 

Tuyên bố trên được đưa ra một ngày trước thềm Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Mỹ-Nhật. Trong đó, hai nước cam kết mạnh mẽ về việc giải trừ hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược các vũ khí hủy diệt hàng loạt, trong đó có vũ khí hạt nhân, tất cả tên lửa đạn đạo ở mọi tầm bắn của Bắc Triều Tiên, căn cứ theo nghị quyết trừng phạt của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.

Washington và Tokyo hối thúc miền Bắc tuân thủ mọi nghị quyết của Hội đồng bảo an, cũng như Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) và các hạng mục về an toàn của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Hai bên cũng đề nghị các nước thành viên khác của Liên hợp quốc tuân thủ nghị quyết trừng phạt miền Bắc của Hội đồng bảo an. 

Bên cạnh đó, hai nước bày tỏ lập trường ủng hộ thỏa thuận hạt nhân Iran (Chương trình hành động chung toàn diện - JCPOA) và tiến trình đàm phán nối lại thỏa thuận tại Viên (Áo), hối thúc Iran dừng phát triển hạt nhân.

Về việc Trung Quốc liên tục đẩy cao sức mạnh hạt nhân, hai nước hối thúc Bắc Kinh giảm rủi ro hạt nhân, nâng cao tính minh bạch, tham gia thảo luận để đạt tiến triển phi hạt nhân hóa.

Mỹ và Nhật Bản cam kết sẽ đóng góp vào việc tăng cường cơ chế phi hạt nhân hóa quốc tế, nhằm xây dựng một thế giới không có vũ khí hạt nhân; ủng hộ mạnh mẽ IAEA; nhấn mạnh việc xuất khẩu công nghệ hạt nhân phải thỏa mãn các tiêu chuẩn khắt khe nhất về không phổ biến hạt nhân.

Trong thời gian qua, Chính phủ Tổng thống Mỹ Joe Biden liên tục kêu gọi Bắc Triều Tiên đồng ý đối thoại vô điều kiện, sử dụng cụm từ "phi hạt nhân hóa một cách toàn diện" thay cho thuật ngữ "CVID", do nhận thấy sự phản đối của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, Nhật Bản và EU vẫn tiếp tục dùng thuật ngữ này.

Lần này, trong bối cảnh Bắc Triều Tiên liên tiếp phóng thử nghiệm tên lửa từ đầu năm 2022, đồng thời để ngỏ khả năng nối lại hoạt động thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), cụm từ CVID đã xuất hiện trở lại trong hai tuyên bố gần đây của Mỹ. Chính phủ Biden vẫn chưa ra bình luận về việc Bình Nhưỡng tuyên bố nối lại thử nghiệm hạt nhân. 

Mặt khác, dự kiến vấn đề hạt nhân miền Bắc sẽ là một nghị sự thảo luận chính trong cuộc hội đàm thượng đỉnh Mỹ-Nhật chính thức đầu tiên kể từ sau khi ông Kishida Fumio nhậm chức Thủ tướng Nhật Bản.

[Photo : Getty Images Bank]

Tin mới nhất