Tin tức từ Rio

facebook

twitter

Trang chủ > Thế vận hội Olympic Rio 2016 > Tin tức từ Rio

[Nhật ký Olympic] Những ý nghĩa tuyệt vời của lễ khai mạc Thế vận hội mùa hè năm 2016

[Tin tức] l 2016-08-08

Lễ khai mạc Thế vận hội mùa hè năm 2016 đã diễn ra vào tối ngày 5/8 theo giờ địa phương, tại sân vận động Maracanã ở Rio de Janeiro - thành phố nổi tiếng với phong cảnh tự nhiên, các lễ hội carnival, nhạc samba cùng những bãi biển đẹp miên man.

Đây là lần đầu tiên Thế vận hội mùa hè được tổ chức tại Nam Mỹ, sau đúng 120 năm kể từ khi được bắt đầu tổ chức tại thủ đô Athens (Hy Lạp) vào năm 1896, do đó buổi lễ khai mạc Olympic Rio 2016 diễn ra cực kỳ hoành tráng, dù số ngân sách dành cho khâu chuẩn bị chỉ bằng 10% so với ngân sách của buổi lễ ở London (Luân Đôn) vào năm 2012. Tuy thế, lễ khai mạc Olympic Rio 2016 vẫn rất chi tiết và hoành tráng, giới thiệu những nét văn hóa của Bra-xin và phát đi thông điệp ý nghĩa rằng những cánh rừng chính là lá phổi của trái đất. Hình ảnh chú bé tìm thấy mầm cây phản ánh được chủ đề quan trọng nhất của lễ khai mạc Olympic 2016. Mỗi người cần gieo hạt giống để giúp trái đất luôn được xanh tươi và những cánh rừng góp phần quan trọng đảm bảo cuộc sống cho con người. Lễ khai mạc hoành tráng này được dàn dựng trong vòng 5 năm, với sự tham gia của 300 vũ công, 6.000 diễn viên chuyên nghiệp cùng 5.000 tình nguyện viên.

Lễ khai mạc thế vận hội năm nay được diễn ra tại sân vận động Maracanã – nơi được xem là “vùng đất thánh” của nền bóng đá Brazil. Sân vận động Maracanã (còn được biết đến với tên gọi khác là “Sân vận động nhà báo Estádio Jornalista Mário Filho”) là sân vận động lớn nhất Nam Mỹ, có sức chứa lên đến 87,101 người, được xây dựng vào năm 1950 để phục vụ World Cup 1950. Ngay sau khi được đưa vào hoạt động, sân vận động này đã trở thành nơi giữ kỷ lục số người tham gia cổ vũ bóng đá nhiều nhất trong lịch sử thể thao từ trước đến nay với tổng cộng 199,854 cổ động viên trong mùa World Cup năm đó.

Thế vận hội mùa hè năm nay còn có sự xuất hiện lần đầu tiên của hai đoàn thể thao đến từ Kosovo và Nam Sudan, sau khi hai nước này nhận được sự cho phép từ Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC).

Cộng hòa Kosovo chính thức tuyên bố độc lập khỏi Serbia (Xéc-bi-a) vào ngày 17/2/2008, và sau đó được IOC cho phép tham dự Olympic vào tháng 12/2014. Nước Cộng hòa Nam Sudan (một quốc gia ở Đông Phi) cũng chính thức trở thành thành viên cuối cùng của Thế vận hội Olympic, sau khi được IOC công nhận vào tháng 2/2016.

Xét theo thứ tự trên bảng chữ cái Bồ Đào Nha, nước Cộng hòa Kosovo xếp thứ 107 và Nam Sudan (Xu-đăng) xếp thứ 178, lần lượt tiến vào khán đài trong lễ khai mạc. Năm nay, Kosovo cử đến 8 VĐV tham dự Olympic, trong đó có 2 VĐV bơi lội, 2 VĐV Judo, 2 VĐV điền kinh, 1 VĐV bắn súng và 1 VĐV đua xe đạp. Còn nước Cộng hòa Nam Sudan tiến cử 3 VĐV đều thuộc bộ môn điền kinh.

Đặc biệt, đoàn thể thao Kosovo tuy lần đầu tiên tham dự Olympic nhưng cũng rất mong chờ vào chiếc huy chương từ VĐV Majlinda Kelmendi ở bộ môn Judo. Majlinda Kelmendi được mệnh danh là “nữ hoàng Judo của Kosovo”, đồng thời cũng là VĐV hàng đầu thế giới ở hạng cân 52kg vào năm 2013. Một năm sau đó, Majlinda Kelmendi tiếp tục giành HCV ở cả hai giải vô địch Judo Thế Giới và giải vô địch Judo châu Âu. Với thành tích này, cô chính thức trở thành VĐV Kosovo đầu tiên giành chiến thắng tại các giải vô địch thế giới. Chính vì thế, việc đoàn thể thao Kosovo trông chờ vào chiếc huy chương của Majlinda Kelmendi ở bộ môn Judo với hạng cân 52kg là hoàn toàn hợp lý.

Ngoài sự tham gia của hai đoàn thể thao Kosovo và Nam Sudan, Thế vận hội Olympic năm nay còn có sự xuất hiện của một đoàn VĐV đặc biệt khác, bao gồm các VĐV là những người tị nạn. Theo xác nhận của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC), đoàn VĐV tị nạn này gồm có 10 VĐV được chọn ra từ 43 ứng cử viên hiện đang sống tại một số trại tị nạn ở châu Phi và châu Âu. Các thành viên trong đoàn thể thao đặc biệt này gồm 2 VĐV bơi lội người Syria (Xi-ri), 2 VĐV Judo người Cộng hòa Dân chủ Congo, 1 VĐV điền kinh người Ethiopia (Ê-ti-ô-pi-a) và 5 VĐV người Nam Sudan (Xu-đăng). Ngoài việc thu xếp nơi ăn ở, cấp phát đồng phục thi đấu cũng như tài trợ kinh phí cho đoàn VĐV tị nạn, IOC quyết định để họ thi đấu dưới màu cờ Olympic. Cùng với đó, ca khúc cổ động Olympic 2016 sẽ vang lên khi có bất kỳ thành viên nào trong đoàn thi đấu.

Cũng tại buổi lễ khai mạc Olympic 2016, ông Kipchoge Keino – người đứng đầu Ủy ban Olympic Kenya, đồng thời cũng là cựu VĐV điền kinh – đã được nhận biểu tượng vòng nguyệt quế do IOC trao tặng để vinh danh những đóng góp của ông trong các phong trào thể thao, giáo dục, văn hóa và hòa bình thế giới.

Sau khi nhận giải thưởng, Kipchoge Kein đã phát biểu rằng: “Trước hết, tôi cảm thấy rất vui khi được nhận phần thưởng danh dự này. Đây sẽ là động lực để tôi tiếp tục cố gắng hơn nữa để mang đến những lợi ích và niềm vui cho trẻ em và những người khó khăn trên toàn thế giới.”

Olympic 2016 diễn ra ở thành phố Rio de Janeiro, Brazil từ ngày 5/8 đến ngày 21/8. Thế vận hội mùa hè 2016 có sự góp mặt của hơn 10.000 vận động viên đến từ 206 quốc gia. Con số kỷ lục này đã giúp Olympic 2016 trở thành thế vận hội mùa hè có nhiều quốc gia tham dự nhất từ trước tới nay.

TOP