Tin tức từ Rio

facebook

twitter

Trang chủ > Thế vận hội Olympic Rio 2016 > Tin tức từ Rio

"Thế vận hội Olympic Rio 2016, cơ hội thúc đẩy kinh tế Hàn Quốc?"

[Tiêu điểm kinh tế] l 2016-08-08

Những kỳ vọng về kinh tế nhân Thế vận hội Rio 2016


Thế vận hội Olympic 2016 vừa chính thức khai mạc hôm 6/8 tại Rio de Janeiro, Bra-xin. Nhân sự kiện thể thao toàn cầu này, các chủ thể nền kinh tế như doanh nghiệp, hộ kinh doanh, nhà bán lẻ Hàn Quốc hiện đang gặp khó khăn, đều mong chờ cơ hội bán được nhiều sản phẩm hơn và tích cực chuẩn bị cho nhiều sự kiện giảm giá lớn. Nhà bình luận kinh tế Jeong Cheol-jin phân tích những lợi ích đặc biệt mà Hàn Quốc thu được qua các kỳ Olympic trước đó.

Nhiều nhu cầu kinh tế đặc biệt thường hay phát sinh trong thời gian diễn ra những sự kiện thể thao nổi bật như Thế vận hội Olympic mùa hè hay Giải vô địch bóng đá thế giới World Cup. Những nhu cầu này được chia thành hai mảng là tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Người dân thích theo dõi những sự kiện lớn như Olympic trên ti vi khiến nhu cầu về các thiết bị điện tử có xu hướng tăng cao, bắt đầu từ sáu đến tám tháng trước khi sự kiện diễn ra. Hàn Quốc là quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới về các sản phẩm điện tử, và ngành công nghiệp này đang được hưởng lợi từ nhu cầu tăng đột biến từ phía người tiêu dùng. Đối với nhu cầu trong nước, một ví dụ điển hình là trong đợt Thế vận hội London (Anh) năm 2012, do chênh lệch mũi giờ nên người dân Hàn Quốc đã thức khuya để xem các trận đấu và thường gọi vài món ăn nhẹ như gà rán về nhà. Nhiều chủ cửa hàng bán gà rán hay đồ ăn nhẹ khác đã tận dụng những cơ hội kinh doanh béo bở trong khoảng thời gian này. Nhân dịp này, các trung tâm thương mại và nhà bán lẻ lớn cũng tổ chức nhiều sự kiện khuyến mại đặc biệt, chẳng hạn như khách mua hàng sẽ giành được giải thưởng là một chiếc tivi nếu đoán trúng số lượng huy chương trong từng bộ môn, hay nhận được khuyến mại khi đội tuyển bóng đá Hàn Quốc lọt vào trận tứ kết... Những sự kiện như thế này thực sự có tác động lớn đến doanh thu.

Xuất khẩu tăng trong dịp Thế vận hội Rio


Theo Sách trắng của Bộ Kế hoạch và tài chính, Hàn Quốc đã thu được lợi ích kinh tế lên tới 26.000 tỷ won (khoảng 23,4 tỷ USD) trong mùa World cup 2002 do Hàn Quốc và Nhật Bản đồng tổ chức, giúp tăng trưởng kinh tế của quốc gia tăng 7,4%. Trong đợt Thế vận hội London 2012, doanh số bán hàng của các hãng thực phẩm Hàn Quốc tăng gấp đôi mức trung bình hàng năm trong khi doanh thu của các cửa hàng tiện ích mở cửa 24/24 cũng tăng 22% so với năm trước đó. Năm nay cũng không phải là ngoại lệ khi xuất khẩu của Hàn Quốc đã có nhiều dấu hiệu khả quan từ một tuần trước khi Olympic diễn ra. Ông Jeong Cheol-jin chia sẻ:

Gần đây, thành tích kinh doanh của Công ty điện tử Samsung rất khả quan. Các thiết bị di động, smartphone của hãng bán rất chạy và các thiết bị điện tử khác cũng đắt hàng không kém. Mặt hàng điện tử gia dụng vốn không thu về nhiều lợi nhuận kinh doanh cho hãng, gần đây đã cho kết quả khởi sắc nhờ Olympic Rio.

Các doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp thị tại Bra-xin


Thế vận hội Rio tại Bra-xin đang đẩy mạnh nhu cầu về các thiết bị gia dụng. Một trong những nhà sản xuất tivi cao cấp là công ty điện tử LG đã thu về gần 3,6 tỷ USD trong quý II và đang bán được rất nhiều tivi cho khách hàng nội địa trong quý III này. Thị trường trong nước cũng đang nóng lên theo Thế vận hội Olympic. Một trung tâm thương mại thậm chí đang tổ chức sự kiện tặng tới 200 triệu won (180.000 USD) tiền mặt dựa trên số huy chương vàng mà đoàn thể thao Hàn Quốc đạt được. Một công ty rượu khác cũng đang tiếp thị mẫu rượu gạo lên men makgeolli phiên bản đặc biệt chỉ sản xuất với số lượng giới hạn trong dịp Thế vận hội lần này, và một chuỗi cửa hàng tiện ích tiến hành giảm giá đồ ăn sáng phục vụ các nhân viên văn phòng đã thức xem các trận đấu Olympic suốt đêm. Các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng đang xúc tiến tổ chức nhiều sự kiện tiếp thị sản phẩm tại Bra-xin. Nhà bình luận kinh tế Jeong Cheol-jin nhận định:

Công ty điện tử Samsung là nhà tài trợ chính thức và cũng là đại diện duy nhất của Hàn Quốc tham dự Thế vận hội lần này. Mới đây, Samsung vừa tung ra hai mẫu smartphone mới là S7 Edge và Galaxy Note 7, và đang nỗ lực quảng bá hai sản phẩm mới này. Công ty ô tô Hyundai tuy không phải là nhà tài trợ chính thức tại Olympic nhưng có chi nhánh ở Bra-xin và là hãng ô tô duy nhất có quyền sử dụng hình ảnh Tượng Chúa cứu thế ở Rio. Công ty ô tô Hyundai Bra-xin đã đưa hình ảnh xe Hyundai quảng bá tại những địa danh nổi tiếng ở Rio như khu vực tượng Chúa cứu thế.

Tác động kinh tế không như mong đợi


Công ty điện tử Samsung đang quảng bá thương hiệu bằng cách tặng cho các vận động viên những chiếc smartphone có logo Olympic. Ô tô Hyundai hiện đang cung cấp Wi-Fi miễn phí quanh khu vực Tượng Chúa cứu thế để quảng bá thương hiệu. Hãng KT, nhà cung cấp dịch vụ truyền thông di động hàng đầu Hàn Quốc cũng đưa ra nhiều cơ hội ưu đãi cho khách hàng sử dụng dịch vụ trong thời gian diễn ra Thế vận hội. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định rằng nhu cầu mua hàng trong kỳ Olympic lần này không quá ấn tượng như mong đợi. Ông Jeong Cheol-jin phân tích:

So với các kỳ Thế vận hội Olympic khác trong quá khứ, Olympic Rio lần này không đáp ứng được kỳ vọng của thế giới do tình trạng cơ sở hạ tầng nghèo nàn và an ninh lỏng lẻo của Bra-xin. Do đó, Hàn Quốc rất kỳ vọng vào tiêu thụ trong nước dựa trên thành tích của đoàn thể thao quốc gia Hàn Quốc. Một vấn đề khác nữa dẫn đến tình trạng này là sự khác biệt về thời gian 12 tiếng giữa Hàn Quốc và Bra-xin. Hầu như các trận thi đấu đều diễn ra vào khoảng từ 3 giờ đến 6 giờ sáng thay vì từ 10 giờ đêm đến 1 giờ sáng, thời gian cao điểm về nhu cầu ăn nhẹ buổi đêm.

Lợi ích kinh tế của Hàn Quốc phụ thuộc vào thành tích của các vận động viên nước nhà tại Thế vận hội


Có khoảng 10.500 vận động viên đến từ 206 quốc gia trên toàn thế giới tham dự Thế vận hội Olympic tại Rio, cùng đua tranh để giành lấy 306 huy chương vàng trong 28 bộ môn. Bra-xin kỳ vọng sẽ thu được hơn 31,5 tỷ USD hiệu quả kinh tế từ sự kiện này. Tuy nhiên, tính đến nay, mới chỉ có 80% số vé được bán ra do tình hình suy thoái kinh tế và bất ổn chính trị tại quốc gia này. Thế vận hội Rio cũng không tạo được nhiều doanh thu về du lịch với doanh số chỉ khoảng 400 triệu USD. Ông Jeong Cheol-jin cho biết:

Tiêu thụ đặc biệt nhờ Thế vận hội sẽ xuất hiện khi người dân ăn uống, mua sắm để mừng chiến thắng của các vận động viên. Xu hướng tiêu dùng này có thể làm tăng chi tiêu trong khối tư nhân và thậm chí có thể đẩy tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia lên cao hơn. Nếu đội bóng chuyền và bóng đá Hàn Quốc lọt vào vòng bán kết, nhiều nhóm cổ vũ sẽ tụ họp, người dân sẽ thức khuya ăn đêm theo dõi trận đấu và mua sắm nhiều hơn, kéo theo nhiều sự kiện quảng bá hình ảnh và hiệu quả kinh tế khác. Có thể nói tiêu thụ nhờ Olympic tại Hàn Quốc phụ thuộc phần lớn vào thành tích của các vận động viên.

Theo báo cáo của Viện nghiên cứu kinh tế Hyundai, một huy chương vàng Olympic sẽ làm tăng chi tiêu lên tới 39 triệu USD, giúp đưa giá trị hình ảnh công ty tăng thêm 18 triệu USD và nâng cao hình ảnh Hàn Quốc trên trường quốc tế. Chúng ta hãy cùng hy vọng những thành tích tuyệt vời của các vận động viên Hàn Quốc tại Thế vận hội Olympic Rio sẽ tiếp thêm sinh lực cho kinh tế Hàn Quốc.

TOP