Tin tức từ Pyeongchang

Khúc côn cầu trên băng – Thử thách mới cho Hàn Quốc
2018-01-21

Sát cánh cùng Olympic


Khúc côn cầu trên băng là một trong những môn thể thao phổ biến nhất của thế vận hội mùa đông. Trên thực tế, thực lực của đội tuyển khúc côn cầu trên băng Hàn Quốc không thể sánh bằng với các cường quốc thể thao trên thế giới. Do đó bộ môn này vẫn chưa thu hút được nhiều quan tâm và chú ý tại Hàn Quốc.

Lý do là bởi vì nhiều người cho rằng, khúc côn cầu trên băng là một bộ môn phức tạp với những luật lệ khó khằn, cùng địa hình thi đấu không hề dễ dàng. Tuy nhiên, nếu tìm hiểu kỹ về khúc côn cầu trên băng, người xem sẽ nhanh chóng nhận ra những điểm hấp dẫn từ bộ môn này.



Những điều cần biết về khúc côn cầu trên băng

Chỉ có duy nhất hai tấm huy chương vàng được trao trong bộ môn khúc côn cầu trên băng. Tuy nhiên chúng ta không thể phủ nhận được mức độ phổ biến và tầm quan trọng của bộ môn này tại thế vận hội mùa đông.

Dựa trên kết quả thống kê về doanh thu tiêu thụ vé có thể thấy, số người xem khúc côn cầu trên băng chiếm đến 46% tại kỳ Olympic Vancouver (Canada) vào năm 2010 và 50% tại kỳ Olympic Sochi (Nga) vào năm 2014.

Để chơi khúc côn cầu trên băng không hề đơn giản. Theo quy định của Liên đoàn khúc côn cầu trên băng quốc tế (IIHF), sân thi đấu đạt chuẩn phải đáp ứng yêu cầu cơ bản về kích thước 60.98x30m. Luật chơi là mỗi đội có sáu cầu thủ (bao gồm ba tiền đạo, hai hậu vệ và một thủ môn), dùng gậy trượt ván (làm bằng gỗ, nhôm hoặc nhựa tổng hợp) để đánh bóng là một chiếc đĩa hình tròn làm từ cao su lưu hóa có đường kính ba inch (76,2 mm), gọi là puck, vào lưới đối phương. Trận đấu kéo dài 60 phút và được chia đều thành ba hiệp không tính thời gian nghỉ. Đội đưa bóng vào lưới đối phương nhiều hơn sẽ giành phần thắng.

Điểm khác biệt lớn nhất giữa khúc côn cầu so với bóng đá là không giới hạn thời điểm và số lượt thay người trong mỗi trận đấu. Đồng thời chiếc đĩa hình tròn mà các cầu thủ phải tranh nhau cũng không hề dễ thấy như trái bóng tròn trên sân cỏ. Tuy nhiên, đây mới chính là điểm thu hút của khúc côn cầu trên băng – nhạy bén và tốc độ.

Hàn Quốc từng là một đất nước yếu thế về khúc côn cầu trên băng. Tuy nhiên kể từ sau thời của huấn luyện viên Baek Ji-sun, người được mệnh danh là “Hiddink trên sân băng”, khúc côn cầu trên băng của Hàn Quốc đã hoàn toàn thay đổi cục diện, trở thành một niềm hy vọng mới cho đoàn thể thao mùa đông nước này.



Thành tích của khúc côn cầu trên băng Hàn Quốc sau thời huấn luyện viên Baek Ji-sun

Với những kinh nghiệm quý báu đúc kết từ các giải đấu khúc côn cầu trên băng chuyên nghiệp hàng đầu Thế giới, thuộc khuôn khổ National Hockey League (NHL), huấn luyện viên Baek Ji-sun sau khi đảm nhận vai trò là người dẫn dắt đội tuyển khúc côn cầu trên băng nam đã giúp Hàn Quốc đạt được những thành tích vô cùng ấn tượng. Điển hình là tại Đại hội thể thao mùa đông châu Á Sapporo (Nhật Bản) được tổ chức vào tháng hai năm ngoái, đội tuyển khúc côn cầu trên băng nam Hàn Quốc đã làm nên lịch sử khi giành được chiếc huy chương bạc sáng giá.

Đồng thời cũng không thể phủ nhận được một điều rằng kể từ khi ông Baek Ji-sun chính thức trở thành huấn luyện viên của đội tuyển khúc côn cầu trên băng nam Hàn Quốc từ năm 2014, đã có rất nhiều vận động viên nước ngoài nhập tịch vào Hàn Quốc, điển hình là vận động viên người Canada Matt Dalton. Sau khi gia nhập vào đội tuyển quốc gia, anh đã giúp Hàn Quốc giải quyết được điểm yếu tại vị trí thủ môn, đồng thời cũng trở thành một trụ cột vững chắc giúp các đồng đội ở tuyến trên có cơ hội ghi bàn.

Đặc biệt, có một tin khá vui cho đoàn thể thao Hàn Quốc là các vận động viên thuộc giải Khúc côn cầu Bắc Mỹ và NHL sẽ không được thi đấu tại Olympic Pyeongchang 2018. Điều này đã trở thành luật kể từ Olympic Nagano (Nhật Bản) năm 1998 đến Olympic Sochi (Nga) năm 2014. Không chỉ thế, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) hôm 5/12 (theo giờ địa phương) cũng đã chính thức đưa ra quyết định cấm đoàn thể thao Nga tham dự Olympic mùa đông Pyeongchang 2018 tại Hàn Quốc, vì Chính phủ Nga đã đứng ra cho phép đoàn vận động viên nước này sử dụng doping một cách có tổ chức tại Thế vận hội mùa đông Sochi 2014.

Việc các vận động viên có kinh nghiệm thi đấu nhà nghề ở các cường quốc khúc côn cầu trên băng như Canada, Mỹ và Nga không thể thi đấu tại Olympic Pyeongchang 2018 là một tín hiệu đáng báo động về doanh thu phòng vé. Tuy nhiên ngược lại, đây sẽ lại là một cơ hội tốt cho các nước yếu thế hơn có thêm hy vọng được vươn tay chạm đến chiếc huy chương vàng.



Quy mô thi đấu tại bộ môn khúc côn cầu trên băng trong kỳ Olympic Pyeongchang 2018

Có tổng cộng 12 quốc gia sẽ tham gia thi đấu tại bộ môn khúc côn cầu trên băng trong kỳ Olympic Pyeongchang 2018. 12 nước này sẽ được chia thành ba bảng (mỗi bảng bao gồm bốn nước) và trải qua vòng đấu loại để chọn ra bốn nước vào vòng tứ kết. Hàn Quốc thuộc Bảng A, cùng bảng với các đối thủ mạnh như Canada, Cộng hòa Séc và Thụy Sĩ.

Trong khi đó, tại nội dung khúc côn cầu trên băng dành cho phái nữ có tất cả tám quốc gia thi đấu, được chia thành hai bảng, dựa theo thứ hạng trên thế giới.
Bảng A (xếp hạng cao): Mỹ, Canada, Phần Lan, Nga
Bảng B (xếp hạng thấp): Thụy Điển, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Hàn Quốc

Có rất nhiều quan ngại rằng sở dĩ Hàn Quốc đoạt được tấm vé tham dự thi đấu tại bộ môn khúc côn cầu trên băng là bởi Hàn Quốc là đất nước chủ nhà, do đó không nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào đội tuyển nam – nữ Hàn Quốc. Thế nhưng, cho đến thời điểm hiện tại, Hàn Quốc đã hoàn toàn khắc phục được điểm yếu của mình và dự kiến sẽ xuất quân trong đội hình mạnh nhất.

Hàn Quốc không hề hy vọng sẽ giành được huy chương tại bộ môn này. Tuy nhiên, với tâm thế là đất nước chủ nhà, họ sẽ cố gắng thi đấu hết sức mình, để có thể làm nên kỳ tích như những gì mà đội tuyển bóng đá nam quốc gia đã làm được dưới thời huấn luyện viên người Hà Lan Guus Hiddink tại World Cup 2002, được tổ chức tại Hàn Quốc và Nhật Bản.

(Photo:Yonhap)
Go Top