
Những nốt nhạc trầm trong ngành công nghiệp ô tô Hàn Quốc Nguyên nhân ngành ô tô rơi vào tình trạng khủng hoảng Thách thức từ cuộc đàm phán sửa đổi FTA Hàn-Mỹ Công nghệ tương lai – Giải pháp lâu dài cho cuộc khủng hoảng của ngành ô tô Hàn Quốc
Từng thâm nhập và hiện diện tại nhiều nước trên thế giới nhưng ngành công nghiệp ô tô Hàn Quốc đang phải đối mặt với những thách thức lớn cả trong và ngoài nước khi là nước duy nhất trong 10 quốc gia sản xuất ô tô hàng đầu thế giới sụt giảm về sản xuất trong hai năm liên tiếp. Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn khi công ty GM của Mỹ có thể rút khỏi Hàn Quốc, dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng thực sự trong ngành này. Trong mục Tiêu điểm kinh tế tuần này, ông Kim Pil-soo, Giáo sư Khoa Công nghệ ô tô thuộc trường Đại học Daelim, sẽ phân tích nguyên nhân và giải pháp cho vấn đề trên. Trước hết, ông cho biết về bối cảnh của nền công nghiệp tô tô Hàn Quốc.
Năm ngoái, tỷ suất sinh lợi lần lượt của công ty ô tô Hyundai và Kia đạt 4% và 1%, trong khi các nhà sản xuất ô tô toàn cầu đều tăng trưởng trung bình là 7% đến 8%, thậm chí một số thương hiệu đạt mức tăng 10%. Việc không thu được nhiều lợi nhuận là vấn đề lớn của các nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc. Về mặt sản lượng, ngành công nghiệp ô tô Hàn Quốc sẽ sớm rơi xuống vị trí thứ bảy trên thế giới. Thị phần ô tô Hàn Quốc tại Mỹ đang sụt giảm, trong khi việc khám phá các thị trường mới cũng không mấy sáng sủa. Nói cách khác, ngành công nghiệp ô tô đang không hoạt động hiệu quả cả về chất và lượng, trong khi cơ hội cải thiện tình hình là không cao.
Năm ngoái, ngành công nghiệp ô tô Hàn Quốc đã sụt giảm doanh số bán hàng cả trong thị trường nội địa lẫn nước ngoài. Theo Bộ Công nghiệp, thương mại và tài nguyên Hàn Quốc, sản lượng ô tô trong năm 2017 đạt 4.110.000 chiếc, giảm 2,7% so với năm trước đó. Lượng ô tô xuất khẩu đạt 2.520.000 chiếc, cũng giảm khoảng 3,5%. Năm ngoái, lợi nhuận hoạt động của công ty ô tô Huyndai – doanh nghiệp ô tô số một Hàn Quốc, đã lần đầu tiên giảm xuống dưới ngưỡng 5.000 tỷ won (4,71 tỷ USD) kể từ năm 2010. Theo đó, ô tô Huyndai đã rơi xuống vị trí thứ sáu về sản lượng trong các tập đoàn ô tô hàng đầu thế giới, dù trước đó doanh nghiệp này đã có thời gian dài nắm giữ vị trí thứ năm. Năm nay, tình hình thậm chí trở nên càng u ám hơn trong bối cảnh Hàn Quốc lần đầu chứng kiến sự sụt giảm cả về sản lượng lẫn doanh số bán hàng kể từ khi ngành công nghiệp ô tô quốc gia bắt đầu nửa thế kỷ trước. Đâu là nguyên nhân khiến tình hình trở nên nghiêm trọng như vậy? Giáo sư Kim Pil-soo cho biết.
Ngành công nghiệp ô tô đã thất bại trong việc tìm ra giải pháp căn bản cho các vấn đề. Trước hết, ngành này đã bị cuốn vào cuộc xung đột giữa người lao động và giới chủ. Trong nhiều trường hợp, đôi bên đã từ chối thỏa hiệp và dẫn đến tình trạng cực đoan là đình công, ngừng sản xuất. Họ nên hiểu rằng những hành động như vậy chỉ mang đến kết cục hủy diệt cho cả đôi bên. Ngoài ra, đây là ngành cần sự phối hợp chặt chẽ giữa ban ngành trong Chính phủ, trường học và công ty. Tuy nhiên, trong Chính phủ, các ban ngành lại chịu trách nhiệm riêng lẻ, không có một bộ phận chịu trách nhiệm toàn diện. Một vấn đề khác là chi phí nghiên cứu và phát triển công nghệ của các nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc là thấp nhất so với các đối thủ cạnh tranh, khiến ngành công nghiệp ô tô Hàn Quốc hiện đang đi sau các nước tiên tiến khác. Có thể nói đây là những vấn đề cơ bản cần phải nhanh chóng khắc phục.
Theo Giáo sư Kim Pil-soo, cơ cấu chi phí nhân công của năm nhà sản suất hàng đầu Hàn Quốc chiếm tỷ lệ lên tới 12,2% trong năm 2016, cao hơn nhiều so với con số 7,8% của công ty Toyota (Nhật Bản) hay 9,5% của công ty Volkswagen (Đức). Thêm vào đó, công ty Hàn Quốc phải mất 26,4 giờ để xuất xưởng một chiếc ô tô hoàn chỉnh, trong khi công ty Toyota chỉ mất 24,1 giờ, và công ty GM thậm chí chỉ tốn 23,4 giờ cho cùng một công việc. Một lưu ý tiêu cực khác là việc các nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc đang mất đi khả năng cạnh tranh so với các đối thủ trên thị trường. Trước đây, ngành công nghiệp ô tô Hàn Quốc đã tăng trưởng nhanh chóng sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vào cuối những năm 1990, nhờ sự phổ biến của các mẫu xe sedan. Tuy nhiên, ô tô Hàn Quốc đã thất bại trong việc đa dạng hóa mẫu xe này trước sự xuất hiện của các dòng xe thể thao tiện ích (SUV) hay dòng xe bán tải trong những năm 2000. Nghiêm trọng hơn nữa, việc công ty GM Hàn Quốc quyết định đóng cửa nhà máy sản xuất ở Gunsan (tỉnh Bắc Jeolla) như đổ thêm dầu vào lửa cho tình hình hiện nay. Trong khi đó, trụ sở GM tại Mỹ cho rằng công ty con tại Hàn Quốc sẽ phải tuyên bố phá sản nếu thất bại trong việc thực hiện kế hoạch tái cơ cấu cho đến ngày 20/4. Theo Viện nghiên cứu Hyundai, nếu GM Hàn Quốc tuyên bố phá sản, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hàn Quốc sẽ giảm 8.400 tỷ won (7,6 tỷ USD), kèm theo 94.000 việc làm sẽ bị cắt giảm. Ngoài ra, đóng cửa nhà máy sản xuất ô tô tại Hàn Quốc sẽ kéo theo hiệu ứng dây chuyền đối với toàn bộ nền kinh tế, bởi các ngành công nghiệp phụ trợ như vật liệu, phụ tùng linh kiện và dịch vụ cũng sẽ bị ảnh hưởng. Đây cũng là lý do các nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc tỏ ra hết sức lo lắng khi Seoul và Washington bắt đầu đàm phán sửa đổi Hiệp định thương mại tự do (FTA) Hàn-Mỹ. Ông Kim Pil-soo nhận định.
Ngày 28/3, Seoul và Washington đã ra tuyên bố chung về FTA Hàn-Mỹ sửa đổi. Nhìn chung, Hàn Quốc đã nhượng bộ trong lĩnh vực ô tô. Seoul đã đạt được mục tiêu bác bỏ yêu cầu của Washington về việc 50% phụ tùng linh kiện ô tô phải được mua từ nước này. Tuy nhiên, thuế nhập khẩu của Mỹ đối với xe bán tải của Hàn Quốc vẫn sẽ được gia hạn thêm 20 năm, tức đến năm 2041 và Seoul sẽ giảm các quy định an toàn về môi trường đối với ô tô của Mỹ. Nhiều chuyên gia đánh giá Hàn Quốc đã đàm phán khá hiệu quả để bảo vệ lợi ích kinh tế của mình trong các cuộc thương lượng gần đây. Tuy nhiên, Seoul cũng không thể chắc chắn về diễn biến trong tương lai, đặc biệt trước những động thái hết sức khó lường của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Vì vậy, điều quan trọng là Seoul cần chuẩn bị sẵn sàng trước những bước đi sắp tới của Washington.
Dường như Seoul đã tránh được viễn cảnh tồi tệ nhất. Tuy nhiên, ngày 29/3, Tổng thống Trump cho biết Mỹ có thể trì hoãn việc thực thi các thỏa thuận thương mại với Hàn Quốc, một nhận định đầy toan tính chính trị. Để vượt qua cuộc khủng hoảng, ngành công nghiệp ô tô Hàn Quốc nên đảm bảo các công nghệ tương lai. Giáo sư Kim Pil-soo đánh giá.
Tất nhiên, xe ô tô với nhiên liệu hóa thạch và động cơ đốt trong vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng trong 20, 30 năm tới. Tuy nhiên, chủ đề nóng hiện nay, như mọi người vẫn mong đợi, đó là xe điện và xe tự lái. Vấn đề là Hàn Quốc đang đi sau từ ba đến năm năm trong công nghệ này. Hiện nay, Hàn Quốc thậm chí vẫn đang phải nhập khẩu các cảm biến LiDAR trong các xe tự lái. Đây là loại cảm biến giúp xác định vị trí tương đối giữa ô tô và các vật xung quanh. Trong tương lai, ô tô sẽ vượt ra khỏi lĩnh vực vận tải thông thường và trở thành một thực thể di động, có thể tự di chuyển nhờ các cơ cấu di động trên bánh xe. Vì vậy, các nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc cần nỗ lực hơn nữa để nghiên cứu và phát triển công nghệ mới nhất này. Bằng không, Hàn Quốc sẽ đánh mất vị thế nhóm đầu trong ngành công nghiệp ô tô. Có thể nói hai, ba năm tới sẽ là giai đoạn cực kỳ quan trọng.
Trước đây, Hàn Quốc đã từng không thể sản xuất nổi phụ tùng linh kiện ô tô trong quá khứ, nhưng đã vươn lên trở thành một trong những nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới. Do vậy, Hàn Quốc được kỳ vọng sẽ vượt qua cú sốc hiện nay và biến cuộc khủng hoảng thành cơ hội phát triển.