
Nguyên tắc chuyển giao quyền lực tại Tập đoàn LG Trường hợp đặc biệt về chia sẻ quyền lực, và duy trì mô hình đối tác kinh doanh trong gia đình Những lo ngại và chỉ trích về mô hình chuyển giao quyền lực “cha truyền con nối” Vấn đề về tính hợp pháp và chứng minh năng lực quản lý của người thừa kế
Ngày 20/5, Chủ tịch Tập đoàn LG Koo Bon-moo đã qua đời, kết thúc 23 năm lãnh đạo, giúp LG vươn mình trở thành gã khổng lồ công nghệ trên thị trường toàn cầu. Tang lễ của ông đã được cử hành vào ngày 22/5, và Tập đoàn LG dự kiến sẽ tổ chức một cuộc họp cổ đông bất thường vào tháng tới để thông qua quyết định bổ nhiệm ông Koo Kwang-mo, con trai cả của cố Chủ tịch Koo, hiện đang giữ cương vị Giám đốc Công ty Điện tử LG, trở thành Chủ tịch của Tập đoàn. Như vậy, Tập đoàn LG sẽ tiếp tục thực hiện mô hình “cha truyền con nối” thế hệ thứ tư. Trong mục Tiêu điểm kinh tế tuần này, chuyên gia kinh tế Chung Chul-jin sẽ phân tích kỹ hơn về vấn đề này. Trước hết, ông Chung lý giải nguyên nhân tại sao quá trình chuyển giao quyền lực tại Tập đoàn LG lại thu hút được nhiều sự chú ý.
Tập đoàn LG có hai nguyên tắc chính về kế vị vai trò lãnh đạo. Nguyên tắc thứ nhất là chuyển giao quyền điều hành của Tập đoàn cho con trai cả của Chủ tịch. Nguyên tắc thứ hai là Chủ tịch hội đồng quản trị phải rời bỏ vị trí quản lý khi hơn 70 tuổi. Truyền thống chuyển giao quyền lực cho con trai trưởng đã được bắt đầu ngay từ nhà đồng sáng lập LG là cố Chủ tịch Koo In-hwoi. Truyền thống đặc biệt này của LG khác hoàn toàn so với các tập đoàn khác ở Hàn Quốc, nơi thường chứng kiến cảnh “huynh đệ tương tàn” trong quá trình chuyển giao quyền lực. Cố Chủ tịch Koo In-hwoi đã truyền vai trò lãnh đạo cho con trai cả Koo Ja-kyung, và sau đó, ông Koo Ja-kyung cũng làm điều tương tự khi giao lại chức Chủ tịch cho người con trai cả Koo Bon-moo vào năm 1995. Và hiện tại, ông Koo Kwang-mo, con trai cả của cố Chủ tịch Koo Bon-moo, dự kiến sẽ tiếp nhận vai trò lãnh đạo Tập đoàn. Sự chuyển giao quyền lực trơn tru và nguyên tắc đặc biệt của Tập đoàn LG đang đặc biệt thu hút sự chú ý của dư luận.
Bắt đầu làm việc tại Công ty hóa chất Lucky ở tuổi 30, ông Koo Bon-moo đã có 20 năm kinh nghiệm làm việc trước khi tiếp nhận cương vị chủ tịch đời thứ ba của Tập đoàn LG. Trong suốt 23 năm lãnh đạo, cố Chủ tịch Koo đã mở ra những hướng đi mới cho Tập đoàn, như lĩnh vực viễn thông và màn hình hiển thị. Khởi đầu với mức doanh thu khiêm tốn là 27 tỷ USD, Tập đoàn LG đã đạt doanh thu 148 tỷ USD trong năm ngoái. Đằng sau sự thành công của một công ty với ít xung đột này là cả một nền văn hóa độc đáo. Ông Chung Chul-jin phân tích.
Tập đoàn LG được chia thành các nhóm kinh doanh như công ty GS, LIG và LS. Tuy nhiên, không có bất cứ xung đột hay cản trở nào trong quá trình chuyển giao quyền lực. Truyền thống đối xử hòa hảo của tập đoàn này được bắt nguồn từ sự hợp tác giữa những người đồng sáng lập là ông Koo In-hwoi và ông Huh Man-jung, một người họ hàng giàu có của vợ ông Koo. Năm 1947, hai ông đã thành lập Công ty công nghiệp hóa chất Lak Hui (sau này là Lucky), tiền thân của Công ty hóa chất LG ngày nay. Sự hợp tác giữa hai gia đình đã kéo dài nhiều thập kỷ mà không hề có sự tranh chấp – một trường hợp cực kỳ hiếm trên thế giới. Truyền thống này đã được tiếp nối với việc tách khỏi LG một cách suôn sẻ vào năm 2005 của Tập đoàn GS, vốn do gia đình họ Huh lãnh đạo. Tập đoàn LG chuyển sang cơ cấu tổ chức như hiện nay, là công ty chủ vốn (công ty làm chủ cổ phần của công ty khác) vào năm 2003. Tập đoàn này được cho là tập đoàn đầu tiên của Hàn Quốc không gặp mâu thuẫn bè phái trong gia đình khi chuyển giao quyền kinh doanh. Tôi cho rằng sẽ có rất nhiều công trình nghiên cứu xoay quanh về mối quan hệ hợp tác giữa hai gia đình trong gần 60 năm về sau.
LG sẽ trở thành tập đoàn đầu tiên của Hàn Quốc bước sang thế hệ lãnh đạo đời thứ tư, nếu ông Koo Kwang-mo tiếp nhận vị trí chủ tịch tập đoàn. Tuy nhiên, ông Koo sẽ phải trả số tiền gần 1 tỷ won (900 triệu USD) tiền thuế nếu ông tiếp nhận toàn bộ số cổ phần từ người cha quá cố của mình với giá trị lên tới 1900 tỷ won (1,76 tỷ USD). Tập đoàn Samsung gần đây cũng đang chuyển giao quyền lực từ Chủ tịch Lee Kun-hee cho con trai là Lee Jae-yong, tuy nhiên quá trình này đang gặp trở ngại lớn trước phán quyết sắp tới của Tòa án tối cao Hàn Quốc. Tập đoàn Hyundai cũng đang vấp phải những chỉ trích mạnh mẽ liên quan đến mô hình quản lý doanh nghiệp, bước đi đầu tiên đánh vào mô hình kế vị doanh nghiệp. Những lo ngại về hình thức thừa kế quản lý tại các tập đoàn lớn tại Hàn Quốc ngày càng gia tăng. Chuyên gia Chung Chul-jin phân tích.
Nhiều người đặt câu hỏi là liệu hình thức kế vị “cha truyền con nối” tại các tập đoàn gia đình tài phiệt có hợp pháp hay không. Sẽ không có vấn đề gì nếu quá trình này tuân thủ pháp luật, hoàn trả các loại thuế liên quan một cách đúng đắn, và chuyển đổi mô hình cơ cấu tổ chức công ty sang công ty chủ vốn (holding company). Tuy nhiên, trên thực tế, trong quá trình chuyển giao quyền điều hành lại hay xảy ra các động thái trốn thuế. Ví dụ điển hình là vụ bê bối lạm dụng quyền lực gần đây tại Tập đoàn Hanjin. Nhiều người đang đặt ra câu hỏi lớn là tại sao các tập đoàn Hàn Quốc vẫn cho phép thế hệ đời thứ ba và thứ tư nghiễm nhiên tham gia vào việc điều hành công ty, thay vì một mô hình cạnh tranh công bằng và chuyên nghiệp như các công ty nước ngoài. Trên thực tế, một số thành viên trong gia đình tiếp nhận các vị trí quản lý khi họ mới vừa bước vào độ tuổi 30, với chỉ bốn, năm năm kinh nghiệm làm việc, khiến dư luận hoài nghi rằng liệu họ có thực sự đủ năng lực để đảm đương cương vị lãnh đạo hay không.
Chính những lý do vừa đề cập ở trên, nhiều người chỉ ra rằng các tập đoàn gia đình tài phiệt này cần phải nỗ lực để đảm bảo chuyển đổi quyền điều hành một cách minh bạch hơn. Chuyên gia Chung Chul-jin nhận định.
Tính hợp pháp là cực kỳ quan trọng trong quá trình chuyển giao quyền kinh doanh theo mô hình kế vị. Một công ty có thể được điều hành bởi một người quản lý chuyên nghiệp hoặc một thành viên trong gia đình chủ sở hữu. Mỗi hình thức đều có ưu, nhược điểm riêng. Tính đến nay, các tập đoàn Hàn Quốc chủ yếu dựa trên hình thức kế vị. Nếu các thành viên trong gia đình chủ sở hữu tiếp nhận quyền kế vị hợp pháp tại các công ty, họ cần phải chứng minh năng lực quản lý của mình. Ví dụ, Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Kun-hee đã đạt được những thành tựu đáng kể thông qua hoạt động kinh doanh chíp bán dẫn của công ty. Đối với những người kế vị và thừa kế công ty gia đình tài phiệt, việc thể hiện năng lực và tạo ra những kết quả tích cực tương tự là một nhiệm vụ lớn, và được xem như một nghi thức thức thông qua của tiến trình chuyển giao quyền lực.
Tập đoàn LG đã sẵn sàng cho sự chuyển giao vai trò lãnh đạo đời thứ tư trong gia đình, và các tập đoàn khác như Samsung, Hyundai, SK và Lotte cũng đang ở ngưỡng cửa chuyển sang thế hệ lãnh đạo tiếp theo. Làm thế nào để những tập đoàn khổng lồ này tiến hành cải cách mô hình quản lý để đáp ứng nhu cầu xã hội là một câu hỏi mở, cần thêm thời gian để trả lời.