Hôm 9/8, Ủy ban Giám sát tài chính Hàn Quốc đã quyết định cấm bán khống cổ phiếu trong vòng 3 tháng nhằm đối phó với việc bán khống cổ phiếu đang gia tăng gây nên sự bất an cho thị trường chứng khoán trong nước, sau khi công ty đánh giá tín nhiệm quốc tế S&P hạ mức tín nhiệm của Mỹ.
Bán khống cổ phiếu
Bán khống cổ phiếu được hiểu là bán cổ phiếu vay mượn. Nói cách khác, bán khống là bán một loại cổ phiếu mà người bán không sở hữu tại thời điểm bán. Khi nhà đầu tư dự đoán rằng trong tương lai giá cổ phiếu sẽ hạ, họ sẽ thực hiện bán khống, tức là đi vay cổ phiếu của các công ty chứng khoán để bán, sau khi giá hạ, họ sẽ mua lại cổ phiếu đó trên thị trường để trả lại cho công ty chứng khoán và hưởng khoản chênh lệch giá. Hình thức đầu tư này có thể tạo nên một “vòng luẩn quẩn xấu”, nghĩa là việc dự đoán giá cổ phiếu hạ sẽ khuyến khích hoạt động bán khống và hoạt động bán khống sẽ góp phần làm hạ giá cổ phiếu. Cổ phiếu ở Hàn Quốc đã từng bị rớt giá do hoạt động bán khống mỗi khi thị trường tài chính toàn cầu rơi vào tình trạng bất ổn. Ngày 1/10/2008 thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, chính phủ Hàn Quốc đã cấm bán khống tất cả các loại cổ phiếu, nhưng lệnh cấm này đã được dỡ bỏ kể từ tháng 6 năm 2009. Hôm 9/8, Ủy ban Giám sát tài chính Hàn Quốc cho biết sẽ cấm bán khống tất cả cổ phiếu của thị trường chứng khoán KOSPI và sàn giao dịch chứng khoán KOSDAQ từ ngày 10/8 đến 9/11. Quy mô bán khống đã gây nên tình trạng “bất an” cho thị trường chứng khoán với mức tăng 5% lượng giao dịch trên thị trường chứng khoán Hàn Quốc.
Bán tháo cổ phiếu
Thị trường chứng khoán Hàn Quốc gần đây đang xảy ra hiện tượng bán tháo cổ phiếu một cách quá mức. Và việc bán khống cổ phiếu của các nhà đầu tư cũng là một nguyên nhân. Việc làm này đã khiến giá cổ phiếu của Hàn Quốc trong tháng 8 giảm 17,1%, mức giảm kỉ lục so với các thị trường chứng khoán chính trên thế giới. Về vấn đề này, Bộ trưởng Kế hoạch và tài chính Pahk Jae-wan cho biết nền kinh tế của Hàn Quốc là một nền kinh tế mở, quy mô tương đối nhỏ, do đó chịu sức ép từ bên ngoài là điều không thể tránh khỏi, song thị trường tài chính trong nước hiện đang có xu hướng biến đổi quá mạnh. Ông cũng yêu cầu các cơ quan tài chính trong nước đối phó với những biến đổi của thị trường cùng với việc thông tin khách quan, chính xác và giữ thái độ bình tĩnh. Ông Pahk cũng nhấn mạnh tính lành mạnh về tài chính, ngoại hối của Hàn Quốc đã được nâng cao trong quá trình khắc phục khủng hoảng tài chính toàn cầu và năng lực quản lí rủi ro cũng như đối phó với nguy cơ của chính phủ và bộ phận tư nhân đã được cải thiện đáng kể.
Lí do khiến Hàn Quốc chịu sức ép từ các nhân tố bên ngoài
Thị trường chứng khoán Hàn Quốc biến động quá mức với các nhân tố bên ngoài là do sự gia tăng việc mở cửa đối ngoại. Nói cách khác, tự do hóa giao dịch đã khiến cho cơ cấu tài chính suy yếu trước rủi ro và nguy cơ. Hàn Quốc đứng thứ 2 sau Đài Loan về số vốn của các nhà đầu tư nước ngoài, chiếm 30% tổng vốn của thị trường chứng khoán Hàn Quốc. Trên 50% lượng vốn của các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Hàn Quốc là nguồn vốn ngắn hạn, có khuynh hướng đầu cơ cao là một yếu tố làm gia tăng sự bất ổn của thị trường. Bên cạnh đó, phụ thuộc nhiều vào giao dịch, thương mại cũng là lí do khiến thị trường chứng khoán mẫn cảm với các yếu tố “bên ngoài” bất lợi.