Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Chính sách trung hòa carbon của Hàn Quốc

2021-05-01

Tin tức

ⓒYONHAP News

Chính phủ Hàn Quốc ngày 27/4 đã mở cuộc họp Nội các dưới sự chủ trì của Tổng thống Moon Jae-in, thông qua việc thành lập “Ủy ban trung hòa carbon 2050” trực tiếp dưới quyền Tổng thống, chuyên trách về đối phó với biến đổi khí hậu và chính sách trung hòa carbon ở tất cả các lĩnh vực. Tổng thống đề nghị Ủy ban trung hòa carbon 2050 đóng vai trò không chỉ trong việc thực hiện mục tiêu trung hòa carbon cho tới năm 2050, mà còn trong việc bồi dưỡng các ngành công nghiệp liên quan, tạo thêm nhiều việc làm mới, đưa Hàn Quốc trở thành nền kinh tế đi đầu thế giới.

 

Ủy ban trung hòa carbon 2050

Ủy ban trung hòa carbon 2050 được thành lập dựa theo cam kết của Tổng thống tại Hội nghị chiến lược liên ngành về trung hòa carbon 2050 diễn ra vào tháng 11 năm ngoái. Ủy ban này có sự tham gia của cả khối Nhà nước và tư nhân, hợp nhất từ Ủy ban tăng trưởng xanh, Hội đồng quốc gia về khí hậu và chất lượng không khí và Ủy ban đối sách đặc biệt về bụi nhỏ. Theo đó, Hội đồng quốc gia về khí hậu và chất lượng không khí, hiện do cựu Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đứng đầu, sẽ bị xóa bỏ. Ủy ban mới dự kiến được ra mắt chính thức vào tháng 5, hiện chưa rõ ai sẽ nắm giữ vị trí Chủ tịch.

 

Chính phủ Hàn Quốc ngày 28/4 cũng đã tổ chức cuộc họp lần 4 của Nhóm chuyên trách liên ngành về xúc tiến trung hòa carbon 2050 dưới sự chủ trì của Chánh Văn phòng điều phối Nhà nước Koo Yun-cheol, kiểm tra các chiến lược và bài toán cụ thể về trung hòa carbon. Cuộc họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến, với sự tham gia của toàn bộ 43 cơ quan hành chính trung ương, nhằm mục đích cụ thể hóa bài toán và chiến lược của mỗi ban ngành trước thềm ra mắt Ủy ban trung hòa carbon 2050. Tại cuộc họp, các ban ngành đã lựa chọn ra ba chiến lược xúc tiến trung hòa carbon tới năm 2050, gồm giảm thiểu carbon trong cơ cấu kinh tế, thiết lập hệ sinh thái công nghiệp carbon thấp triển vọng, chuyển đổi công bằng sang xã hội trung hòa carbon; và thảo luận phương án thực hiện cụ thể.

 

Nâng tiếp mục tiếp cắt giảm khí nhà kính

Tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu trực tuyến do Mỹ tổ chức vào ngày 22/4 vừa qua, Tổng thống Moon Jae-in tuyên bố Seoul sẽ nâng tiếp mục tiêu cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính cho tới năm 2030, và trình lên Liên hợp quốc trong năm nay. Trong thời gian tới, Hàn Quốc sẽ dừng hỗ trợ tài chính công cho các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than đá tại nước ngoài. Trước đó, tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20) được tổ chức trực tuyến vào tháng 11 năm ngoái, Tổng thống Moon Jae-in đã tuyên bố về mục tiêu “trung hòa carbon” cho tới năm 2050. Theo đó, Hàn Quốc đã trình lên Liên hợp quốc mục tiêu cắt giảm 24,4% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 so với năm 2017. Việc Tổng thống cam kết nâng tiếp mục tiêu giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính đã thể hiện quyết tâm đối phó quyết liệt hơn nữa với biến đổi khí hậu.

 

Thực hiện mục tiêu trung hòa carbon

Hội nghị thượng đỉnh khí hậu lần này do Mỹ tổ chức sau khi Tổng thống Joe Biden tuyên bố tái gia nhập Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Lãnh đạo các nước lớn trên toàn thế giới đã cam kết nỗ lực trên phương diện từng quốc gia và hợp tác quốc tế nhằm giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu đang ngày một trở nên nghiêm trọng hơn, trung hòa carbon trở thành một bài toán bất khả kháng và không thể trì hoãn hơn nữa. Vấn đề đặt ra là việc thực hiện mục tiêu này như thế nào. Hàn Quốc đang gặp khó khăn về nguồn cung năng lượng do chính sách xóa bỏ dần các nhà máy điện nguyên tử. Giờ đây, Seoul sẽ phải cắt giảm tiếp cả phát điện bằng than đá. Trên thực tế, Quyền Thủ tướng Hàn Quốc Hong Nam-ki tuyên bố sẽ xem xét đóng cửa sớm 7 nhà máy phát điện chạy bằng than đá mới xây dựng cho tới trước năm 2050. Điều này có thể khiến nguồn cung năng lượng của Hàn Quốc gặp trở ngại. Để thực hiện mục tiêu trung hòa carbon, Hàn Quốc sẽ phải thay đổi cơ cấu các hoạt động kinh tế, đặc biệt là cơ cấu sản xuất, đồng thời phát triển các công nghệ liên quan. Tất nhiên, các ban ngành hữu quan cũng đang có những động thái nhanh chóng. Bộ Khoa học, công nghệ thông tin và truyền thông ngày 26/4 đã tổ chức lễ tuyên bố tầm nhìn, có sự tham gia của các cơ quan nghiên cứu. Tại đây, Giám đốc các cơ quan nghiên cứu khẳng định sẽ tập trung mọi nguồn lực để phát triển các công nghệ đổi mới liên quan tới trung hòa carbon, đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế đất nước, cũng như vì một Trái đất tươi đẹp hơn.

Lựa chọn của ban biên tập