Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Giá tiêu dùng tăng mạnh đẩy cao lo ngại về lạm phát

#Tiêu điểm kinh tế l 2021-05-10

ⓒ Getty Images Bank

Tỷ lệ lạm phát trong tháng 4 cao nhất kể từ 12/2017


Vật giá tại Hàn Quốc đang chịu áp lực gia tăng. Theo Cục thống kê quốc gia Hàn Quốc, giá tiêu dùng tháng 4 đã tăng 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 12/2017, vượt quá mục tiêu 2% do Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) đặt ra. Lạm phát không chỉ tạo ra gánh nặng kinh tế mà còn dẫn đến tăng lãi suất cơ bản. Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế Chamjoeun Lee In-chul phân tích xu hướng giá cả tiêu dùng tăng gần đây và khả năng tăng lãi suất.


Nguyên nhân giá tiêu dùng tăng mạnh trong tháng 4 là do giá nông sản và giá dầu tăng. Giá nông thủy sản tăng hơn 13% trong tháng trước, tăng trưởng hai con số 4 tháng liên tiếp. Giá nhà ở cũng tăng mạnh nhất kể từ tháng 12 năm 2017, khiến sinh kế của những người dân vốn chưa cảm nhận được tác động của phục hồi kinh tế trở nên tồi tệ hơn. Trong khi một số chuyên gia nêu ra nguy cơ lạm phát tiềm ẩn từ việc tăng giá gần đây, Chính phủ lại cho rằng đây chỉ là xu hướng tạm thời và giá cả sẽ ổn định trong năm nay. Giá dầu thế giới tăng vọt, tâm lý tiêu dùng nội địa bị dồn nén do đại dịch COVID-19 kéo dài được giải phóng. Cả cung và cầu đều tăng khiến giá cả tăng theo. Mức tăng 2,3% là tương đối cao, đặc biệt là so với mức tăng 0,1% của tháng 4 năm ngoái khi Hàn Quốc vật lộn với suy thoái kinh tế do đại dịch. Song giá nông sản tăng một phần là do thiên tai, lũ lụt và thời tiết bất thường của năm ngoái cũng như dịch cúm gia cầm lây lan.


Bộ trưởng tài chính Mỹ tiết lộ khả năng tăng lãi suất


Một điểm đáng lo ngại hơn là xu hướng tăng giá có thể còn duy trì trong một thời gian, do ảnh hưởng từ hiệu ứng cơ sở (Base effect) và giá dầu thế giới có thể tiếp tục tăng. Nhu cầu đối với các sản phẩm dầu sẽ tăng lên, nếu vắc-xin COVID-19 khiến nhiều người đi du lịch nhiều hơn và chi tiêu dồn nén được giải phóng thúc đẩy sản xuất. 


Không chỉ ở Hàn Quốc, giá tiêu dùng tại Mỹ trong tháng 3 cũng đã tăng mạnh 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong bối cảnh này, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen để ngỏ khả năng Washington có thể tăng lãi suất để ngăn chặn nền kinh tế nóng lên. Nhằm đối phó với dịch COVID-19, Mỹ đã giải ngân hàng nghìn tỷ USD kể từ năm ngoái. Việc bơm một lượng tiền khổng lồ vào nền kinh tế chắc chắn sẽ dẫn đến lạm phát, song các quan chức cấp cao của Mỹ thường không đề cập đến khả năng tăng lãi suất để tài trợ chính sách vực dậy nền kinh tế của Chính phủ đương nhiệm. Do đó, nhận định gần đây của Bộ trưởng Tài chính Mỹ được coi là khá bất thường, khiến chỉ số NASDAQ ngay lập tức giảm gần 2%.


Ngân hàng trung ương các nước lo ngại về lạm phát quá mức


Lạm phát sẽ giáng một đòn chí mạng vào sinh kế của người dân bởi nó sẽ làm giảm sức chi tiêu và thu nhập ròng của hộ gia đình, từ đó làm giảm mức sống. Đó là lý do tại sao lạm phát còn được mô tả như “một loại thuế đánh vào người nghèo”. Khi giá cả tăng cao, ngân hàng trung ương phải tăng lãi suất để kiểm soát nguồn lưu lượng tiền. Do đại dịch, ngân hàng trung ương các nước đã bơm một lượng tiền khổng lồ vào nền kinh tế. Nhiều người lo lắng các ngân hàng trung ương sẽ buộc phải bình thường hóa các chính sách tài khóa mở rộng trước áp lực lạm phát. Ông Lee In-chul cho biết. 


Theo tạp chí phố Wall (Mỹ), hầu hết các nhà kinh tế dự đoán giá cả sinh hoạt sẽ còn tiếp tục tăng trong vài tháng tới, khiến tỷ lệ lạm phát tăng. Trong bối cảnh Chính phủ, Quốc hội và Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) dự kiến duy trì các chính sách tài khóa mở rộng, nhiều người lo ngại lạm phát tăng cao. Theo Citibank, FED sẽ thu hẹp hoặc giảm bớt bảng cân đối tài sản, tức thu hẹp nới lỏng định lượng (tapering), trong quý IV, với một đợt tăng lãi suất vào cuối năm. FED vẫn khá cẩn trọng về việc thay đổi chính sách tiền tệ hiện tại bởi kinh tế Mỹ vẫn chưa phục hồi hoàn toàn. Song nếu giá cả tiếp tục tăng, cơ quan này buộc phải tính đến phương án tăng lãi suất. Điều quan trọng hiện tại là theo dõi các chỉ số liên quan đến lạm phát như giá tiêu dùng và xu hướng việc làm.


Tín hiệu tăng lãi suất tại Mỹ sẽ giáng một đòn chí mạng với BOK


Ngân hàng trung ương các nước khó tăng lãi suất ngay lập tức, song dường như tâm lý chuẩn bị cho việc tăng lãi suất đã được hình thành. Nếu Mỹ tăng lãi suất, Hàn Quốc nhiều khả năng phải điều chỉnh lãi suất theo dù nền kinh tế chưa phục hồi hoàn toàn. Tăng lãi suất sẽ cản trở đà phục hồi kinh tế, vốn chỉ mới khởi sắc trở lại do các chính sách bơm tiền của Chính phủ; và sẽ giáng một đòn mạnh vào hộ gia đình và công ty đang mắc nợ. Ông Lee In-chul lý giải.


Năm ngoái, nợ hộ gia đình Hàn Quốc đã vượt quá 1.700.000 tỷ won (1.500 tỷ USD), tăng gần 8% so với năm trước đó. Tỷ lệ nợ hộ gia đình trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hàn Quốc đã vượt quá 100%. Lãi suất tăng 1% đồng nghĩa với việc tăng 12.000 tỷ won (hơn 10 tỷ USD) tiền lãi đối với nợ hộ gia đình. Các doanh nghiệp tư nhân cũng phải trả thêm hàng tỷ USD tiền lãi. Như vậy, lãi suất tăng sẽ tác động nghiêm trọng đến các cá nhân và các doanh nghiệp nhỏ đang mắc nợ. Tác động của tăng lãi suất đối với thị trường tài chính còn nghiêm trọng hơn. Xét theo kinh nghiệm trong quá khứ, khi Mỹ tăng lãi suất, các thị trường mới nổi, bao gồm Hàn Quốc sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Để ngăn dòng vốn đầu tư chảy khỏi thị trường, các nước mới nổi buộc phải tăng lãi suất theo, đồng thời phải đối mặt với vấn đề suy thoái kinh tế và gánh nặng trả nợ.


Đối sách của Chính phủ và doanh nghiệp trước lạm phát?


Xét tới khoản nợ hộ gia đình khổng lồ của Hàn Quốc, tăng lãi suất có thể là ngòi nổ của một quả bom đối với nền kinh tế trong nước. Ngoài ra, Seoul đang có tiến độ triển khai tiêm vắc-xin COVID-19 chậm hơn so với Washington, tức Hàn Quốc có thể khó bắt kịp đà phục hồi kinh tế của Mỹ. Nếu Mỹ chấm dứt chính sách nới lỏng tiền tệ và tăng lãi suất, kinh tế Hàn Quốc sẽ hứng chịu cú sốc lớn. Do đó, Seoul cần theo dõi sát sao xu hướng kinh tế toàn cầu. Ông Lee In-chul nhận định.


Chính phủ Hàn Quốc cho rằng xu hướng tăng giá hiện nay chỉ là tạm thời, ít có khả năng vượt quá mục tiêu 2% của BOK. Song với nguồn thanh khoản dồi dào, đà phục hồi kinh tế và tiêu dùng tăng, thì lạm phát sẽ còn tăng cao trong tương lai. Mặc dù BOK cho biết sẽ kiềm chế việc tăng lãi suất, nhưng lãi suất cho vay của các ngân hàng địa phương và lãi suất thị trường đang tăng. Với các yếu tố rủi ro liên quan đến đại dịch, rất khó để thay đổi chính sách nới lỏng tiền tệ hiện nay. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn phải điều chỉnh mức nợ hộ gia đình và nợ quốc gia để chuẩn bị tăng lãi suất, một động thái chắc chắn sẽ tạo gánh nặng lớn cho người dân, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và người lao động sống phụ thuộc vào các khoản vay để vượt qua cuộc khủng khoảng do dịch COVID-19. Chính phủ cần đưa ra các biện pháp đón đầu để bảo vệ nhóm người yếu thế, còn các hộ gia đình và doanh nghiệp cần quản lý nợ ở mức phù hợp trước nguy cơ tăng lãi suất cơ bản.

Lựa chọn của ban biên tập