Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Các địa phương Hàn Quốc chạy đua giành quyền mở “bảo tàng Lee Kun-hee”

2021-05-15

Tin tức

ⓒYONHAP News

Các địa phương Hàn Quốc đang tích cực “chạy đua” để giành quyền mở bảo tàng trưng bày 20.000 tác phẩm nghệ thuật mà cố Chủ tịch tập đoàn Samsung Lee Kun-hee quyên góp sau khi qua đời, dù Chính phủ và phía tập đoàn Samsung vẫn chưa có kế hoạch cụ thể.

 

Các địa phương tham gia

Thành phố Daegu đã ra mắt một ủy ban chuyên trách để đặt “bảo tàng Lee Gun-hee” tại địa phương mình, nêu bật Daegu là nơi cố Chủ tịch Lee sinh ra, cũng là “cội nguồn” cho sự phát triển của tập đoàn Samsung. Thị trưởng Daegu Kwon Young-jin nhấn mạnh thành phố Daegu đóng vai trò là một trong ba trung tâm nghệ thuật đương đại trên bán đảo Hàn Quốc cùng với Seoul và Bình Nhưỡng (Bắc Triều Tiên). Nếu chọn một nơi để trưng bày bộ sưu tập của cố Chủ tịch Lee thì đương nhiên phải là Daegu. Trong khi đó, huyện Uiryeong (tỉnh Nam Gyeongsang) cũng tham gia vào cuộc chạy đua, giải thích rằng ông Lee Gun-hee đã lớn lên trong vòng tay bà nội, tại ngôi nhà của cha mình là Lee Byoung-chul, nhà sáng lập hãng điện tử Samsung, ở huyện này. Thành phố Yeosu (tỉnh Nam Jeolla) đề cập tới việc lúc sinh thời, cố Chủ tịch Lee đã mua hòn đảo Mogae hình trái tim ở địa phương này. Chính quyền thành phố Yeosu đã có những bước đi khá mau lẹ, như lập ra ủy ban chuyên trách vào ngày 10/5, chỉ định Trung tâm triển lãm thế giới Yeosu sẽ là nơi trưng bày các tác phẩm nghệ thuật mà cố Chủ tịch Samsung để lại. Thành phố Busan nhấn mạnh về điều kiện địa lý, vị thế là một thành phố du lịch quốc tế. Thị trưởng Busan Park Hyeong-jun cho rằng cần trưng bày các tác phẩm nghệ thuật của cố Chủ tịch Lee Kun-hee ở miền Nam, thay vì ở Seoul và các địa phương lân cận, như vậy mới thực hiện đúng di nguyện của người đã khuất là vì sự phát triển văn hóa Hàn Quốc. Chính quyền thành phố Suwon (tỉnh Gyeonggi) nêu lý do rằng địa phương này đang đặt nhà máy của hãng điện tử Samsung, trong khi thành phố Gwangju nhấn mạnh về đặc điểm khu vực là một “mảnh đất nghệ thuật”.

 

“Bộ sưu tập Lee Kun-hee”

Dù chưa có kế hoạch cụ thể những việc các địa phương vẫn chạy đua quyết liệt để giành quyền mở bảo tàng trưng bày các tác phẩm nghệ thuật sưu tập của cố Chủ tịch Samsung là bởi những hiệu quả trực tiếp và gián tiếp được ước tính là vô cùng lớn nếu thành công. Với bộ sưu tập khổng lồ này, địa phương đó sẽ có thể trở thành “quê hương nghệ thuật”, phát triển nghệ thuật địa phương, thu hút được nhiều khách thăm quan, từ đó thúc đẩy kinh tế khu vực. Trong bộ sưu tập, có 1.488 tác phẩm lớn, gồm 1.369 tác phẩm của 238 tác giả cận – hiện đại Hàn Quốc, 119 tác phẩm của 8 tác giả cận đại nước ngoài, với nhiều thể loại đa dạng khác nhau như hội họa, điêu khắc, thủ công mỹ nghệ, tranh Hàn Quốc. Ngoài ra, bộ sưu tập còn bao gồm nhiều di sản văn hóa được chỉ định là bảo vật quốc gia. Trong bộ sưu tập có một lượng lớn tác phẩm của các danh họa hàng đầu Hàn Quốc, như Kim Ki-chang, Kim Eun-ho, Lee Jung-seop. Đặc biệt, trong đó có tác phẩm “Bò trắng” của danh họa Lee Jung-seop và tác phẩm “Mureungdowondo” (Vũ lăng đào nguyên đồ) của danh họa Lee Sang-beom từng không rõ tung tích suốt thời gian qua. Các tác phẩm có giá trị lớn trong bộ sưu tập đều là tác phẩm cận đại Hàn Quốc trước những năm 1950. Bảo tàng nghệ thuật đương đại quốc gia Hàn Quốc hiện chỉ sở hữu trên 960 tác phẩm ở thời kỳ này, nhưng riêng bộ sưu tập của ông Lee đã lên tới hơn 320 tác phẩm. Phía bảo tàng đánh giá bộ sưu tập của ông Lee góp phần nâng cao cả chất và lượng bộ sưu tập nghệ thuật cận đại của Hàn Quốc. Ngoài ra, bộ sưu tập của cố Chủ tịch Samsung còn có nhiều tác phẩm nổi tiếng của các danh họa hàng đầu thế giới như Claude Monet, Paul Gauguin, Pablo Picasso, Joan Miro, Salvador Dali. Đây chính là lý do mà các địa phương tranh nhau nhảy vào cuộc chạy đua giành quyền mở bảo tàng trưng bày các tác phẩm trong bộ sưu tập của cố Chủ tịch Samsung ở địa phương mình. Mặc dù tiêu chí lựa chọn sẽ phải là một địa điểm tối ưu, nhưng vấn đề lớn hơn đặt ra đó là việc quản lý một cách hệ thống số lượng lớn các tác phẩm trong thời gian tới.

Lựa chọn của ban biên tập