Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Chấm dứt Hướng dẫn phát triển tên lửa Hàn-Mỹ và phản ứng của Bắc Triều Tiên

2021-06-05

Tin tức

ⓒYONHAP News

Tại Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ diễn ra vào ngày 21/5 ở Washington, lãnh đạo hai nước đã tuyên bố chấm dứt Hướng dẫn phát triển tên lửa của liên quân, có nội dung giới hạn về tầm bắn, trọng lượng đầu đạn tên lửa của Hàn Quốc. Bắc Triều Tiên đã chỉ trích đây là một hành vi “thù địch có chủ ý”. 


Chỉ trích của Bắc Triều Tiên

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 31/5 đăng tải một bài bình luận với nhan đề “Chấm dứt hoàn toàn Hướng dẫn phát triển tên lửa nhằm mục đích gì?” dưới danh nghĩa “nhà bình luận các vấn đề quốc tế Kim Myong-chol”. Trong đó, tác giả này chỉ ra rằng việc Seoul và Washington tuyên bố chấm dứt hướng dẫn trên thể hiện rõ chính sách thù địch với miền Bắc, là “bằng chứng sống” cho thái độ “gian xảo” của Mỹ. Tác giả bài viết chỉ trích Washington một mặt quy kết “biện pháp tự chủ” của Bình Nhưỡng, tức việc nước này phát triển tên lửa, là vi phạm nghị quyết cấm vận của Liên hợp quốc; mặt khác lại cho phép Seoul phát triển tên lửa không giới hạn. Mỹ ngoài miệng thì kêu gọi đối thoại, nhưng hành động lại hướng tới sự đối đầu với Bắc Triều Tiên. Bài bình luận phân tích mục đích của việc chấm dứt Hướng dẫn tên lửa đó là kích động cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực, cản trở sự phát triển của miền Bắc, toan tính thực sự của Mỹ là bố trí tên lửa tầm trung nhắm vào các nước láng giềng. Động thái này đã thể hiện rõ “dã tâm xâm lược” của hai nước Hàn-Mỹ. Giờ đây, Washington không còn cớ để “mở miệng” nói về việc Bình Nhưỡng tăng cường sức mạnh phòng thủ của mình trên phương diện tự vệ. Bài bình luận trên là phản ứng đầu tiên của miền Bắc trên truyền thông Nhà nước sau Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ.


Đối phó của Chính phủ Hàn Quốc

Về phản ứng trên, Bộ Thống nhất và Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết sẽ tiếp tục theo dõi với thái độ thận trọng. Bộ Thống nhất giải thích rằng do bài viết trên được đưa ra dưới danh nghĩa cá nhân, nên việc Chính phủ đưa ra bình luận trực tiếp là không thích hợp. Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Boo Seung-chan trong buổi họp báo thường kỳ ngày 31/5 cho biết thời gian qua, quân đội và Chính phủ đã liên tục xúc tiến nhằm chấm dứt Hướng dẫn phát triển tên lửa của liên quân Hàn-Mỹ. Seoul luôn nỗ lực để duy trì sự minh bạch, độ tin cậy của một quốc gia kiểu mẫu về chống phổ biến vũ khí hạt nhân trước cộng đồng quốc tế. Do vậy, Bộ Quốc phòng sẽ theo dõi một cách thận trọng các phản ứng tiếp theo của miền Bắc trong thời gian tới. Về bài bình luận của miền Bắc, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 31/5 (giờ địa phương) cho biết nước này để ngỏ cánh cửa ngoại giao về chính sách với Bình Nhưỡng, trong đó cần tới một cách tiếp cận “điều chỉnh và thực chất”.


Chấm dứt Hướng dẫn phát triển tên lửa và ảnh hưởng

Hướng dẫn phát triển tên lửa của liên quân Hàn-Mỹ được lập ra vào năm 1979, có nội dung hạn chế tầm bắn và trọng lượng đầu đạn tên lửa của Hàn Quốc, bù lại Washington cung cấp khả năng răn đe cho Seoul, nhằm ngăn chặn chạy đua quân bị trong khu vực Đông Bắc Á. Trải qua nhiều lần sửa đổi, cho tới năm ngoái, giới hạn về tầm bắn tên lửa đạn đạo đã được nâng lên thành 800 km. Như vậy, với nội dung nhất trí tại hội đàm thượng đỉnh Hàn-Mỹ vào tháng trước, cả giới hạn này cũng được xóa bỏ hoàn toàn. Theo đó, Hàn Quốc sẽ có thể phát triển tên lửa mà không bị ràng buộc bởi bất cứ hạn chế nào. Điều này sẽ “chắp cánh” cho quá trình phát triển tên lửa đẩy vũ trụ hoàn toàn bằng công nghệ nội địa của Seoul. Tên lửa dùng để phóng vệ tinh nhân tạo nếu lắp đầu đạn thay cho vệ tinh thì sẽ trở thành tên lửa đạn đạo, đây chính là điểm mà Bình Nhưỡng lo sợ. Bắc Triều Tiên đang tự mâu thuẫn với chính mình, một mặt biện minh việc nước này phát triển tên lửa là trên phương diện “tự vệ”, mặt khác chỉ trích việc hai nước Hàn-Mỹ chấm dứt Hướng dẫn phát triển tên lửa là “hành vi thù địch”.

Lựa chọn của ban biên tập